Hỗ trợ hô hấp trên người bị phổi tắc nghẽn mạn tính

Bài viết được viết bởi BS.Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là tình trạng đường thở bị tắc nghẽn 1 cách từ từ chậm chạp và lâu dài. Tình trạng này làm cho chức năng phổi ngày càng giảm sút biểu hiện bằng triệu chứng khó thở ngày càng tăng. Đây là 1 bệnh nguy hiểm vì bệnh tiến triển trong cơ thể con người hàng chục năm nhưng người bệnh lại không phát hiện ra bệnh. Diễn biến của BPTNMT theo một chiều duy nhất là diễn biến nặng dần theo thời gian.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT) là gánh nặng xã hội. BPTNMT là bệnh mãn tính có tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết ngày càng gia tăng. Nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 sau tim mạch, ung thư và tai biến mạch máu não. Dự kiến đến năm 2020 sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3. Ước tính ở Hoa Kỳ có 16 triệu người mắc bệnh BPTNMT và mỗi năm có đến 100.000 người chết vì bệnh này.

1. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể quyết định tương lai của mình?

Ðúng vậy, người BPTNMT có thể phần nào quyết định được tương lai của mình. Tương lai của người bệnh sẽ tốt hơn, tốc độ sụt giảm chức năng hô hấp sẽ chậm lại nếu người bệnh tuân thủ tốt các biện pháp điều trị mà thầy thuốc đã hướng dẫn: sử dụng thuốc đúng và tái khám đúng hẹn trong giai đoạn ổn định; khám và điều trị kịp thời nếu có những dấu hiệu nghi ngờ vào đợt cấp. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, còn có những can thiệp không dùng thuốc:

+ Bỏ hút thuốc lá hay tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ

+ Tập vật lý trị liệu

+ Chích ngừa cảm cúm

Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?

Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.

Người bệnh nên tiêm vắc-xin phòng bệnh cảm cúm
Người bệnh nên tiêm vắc-xin phòng bệnh cảm cúm

2. Hỗ trợ hô hấp cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Ở người BPTNMT, các đường dẫn khí không còn thông thoáng mà bị hẹp lại do có nhiều chất đàm nhớt bám vào hay có hiện tượng sưng phù do viêm nhiễm kéo dài. Các phế nang cũng bị “chai” đi, mất tính co giãn và làm cho khí bị ứ lại trong phổi khó thoát ra ngoài.

Hậu quả của cả 2 tình trạng trên đều làm cho phổi không lấy đủ oxy cần thiết cho nhu cầu cơ thể và người bệnh thường xuyên bị khó thở. Khi đó cần có thêm những biện pháp hỗ trợ hô hấp cho người bệnh.

3. Những biện pháp tập luyện thể lực cơ bản

Các biện pháp tập luyện thể lực và phục hồi chức năng cho người BPTNMT bao gồm: các biện pháp tăng sức bền của cơ thể như đi bộ, chạy thảm lăn, bơi, đạp xe... Các biện pháp tăng sức mạnh của cơ: tập nâng tạ, kháng lực..., trong đó các biện pháp quan trọng đối với người BPTNMT là tăng cường sức bền do tính chất bài tập thường nhẹ nhàng, phù hợp với người bệnh bởi người bệnh chủ yếu là người cao tuổi.

Tập vận động chi dưới sẽ cải thiện khả năng gắng sức, vận động chi trên giúp cải thiện sức cơ và giảm nhu cầu thông khí. Trong quá trình tập thể lực, khi bắt đầu xuất hiện cảm giác khó thở, người bệnh có thể dừng lại, thực hiện các thao tác tập thở.

4. Tập thở rất cần thiết đối với người BPTNMT

A.Trong giai đoạn bệnh ổn định

4.1 Thở chúm môi

Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra nên khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn.


Kỹ thuật thở chúm môi
Kỹ thuật thở chúm môi

Tư thế ngồi thoải mái. Thả lỏng cổ và vai. Hít vào chậm qua mũi.

Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Nên lập lại động tác thở chúm môi nhiều lần cho đến khi hết khó thở. Tập đi tập lại nhiều lần sao cho thật nhuần nhuyễn và trở thành thói quen.

Nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở, như đi cầu thang, tắm rửa, tập thể dục...

4.2 Thở cơ hoành

Tập thở cơ hoành sẽ giúp tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp và tiết kiệm năng lượng.

Kỹ thuật thở cơ hoành

Ngồi ở tư thế thoải mái. Thả lỏng cổ và vai.

Đặt 1 bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.

Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển.

Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen.

Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.

B. Khi bệnh tiến triển

Bệnh sẽ ngày càng tiến triển nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm hay không tuân thủ điều trị nghiêm chỉnh. Người bệnh vào giai đoạn suy hô hấp, oxy trong máu thấp thường xuyên, tình trạng khó thở tăng.

+ Khi đó người bệnh có thể sẽ xuất hiện nhiều đợt cấp phải nhập viện cấp cứu hay đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, người bệnh được chỉ định thở Oxy ngắt quãng để đảm bảo SpO2 > 92%.

+ Phải được thông khí hỗ trợ không xâm lấn (thở oxy qua mặt nạ) hay xâm lấn (thở máy). Kinh nghiệm cho thấy những người BPTNMT nặng một khi đã thở máy thì rất khó cai máy và tiên lượng rất xấu

+ Phải thở oxy dài hạn tại nhà rất bất tiện và tốn kém


Thở Oxy dài hạn tại nhà
Thở Oxy dài hạn tại nhà

  • Chỉ định:

BPTNMT ở giai đoạn suy hô hấp mạn nặng, nghĩa là:

+ PaO2 < 55 mmHg

+ PaO2 từ 55- 60 mmHg có kèm: Tăng áp lực động mạch phổi; Phù chân / suy tim phải; Ða hồng cầu

Những thông số này được xác nhận ở giai đoạn ổn định của bệnh và được đo 2 lần cách nhau ≥ 3 tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh liều thở oxy thích hợp tùy bệnh nhân.

>>> Các chỉ số PaO2, PaCO2, FiO2 trong kết quả xét nghiệm khí máu động mạch

  • Cách dùng Oxy dài hạn tại nhà:

Nguồn Oxy


Bình oxy nén
Bình oxy nén

Bình oxy nén là dạng cung cấp oxy cổ điển và thông dụng nhất hiện nay, trong đó khí oxy được nén bằng áp suất vào các bình đựng bằng kim loại với nhiều kích cỡ khác nhau. Nên có bình loại nhỏ, có giá đỡ hoặc xe đẩy có thể vận động, đi lại dễ dàng giúp cho người bệnh năng động và không lệ thuộc người khác.

Bình oxy nén có 2 bộ phận:

  • Bộ phận điều chỉnh gồm đồng hồ đo áp lực, van an toàn, bộ phận điều chỉnh lưu lượng khí (số lít oxy trong 1 phút)
  • Bộ phận làm ẩm oxy


Máy lọc oxy từ khí trời
Máy lọc oxy từ khí trời

Máy lọc oxy từ khí trời là thiết bị chạy bằng điện, tách oxy từ khí trời để cung cấp oxy dưới dạng nguyên chất nên chi phí sử dụng sẽ rẻ tiền hơn so với sử dụng bình oxy nén. Vì máy hoạt động nhờ nguồn điện, nên cần có bình oxy dự trữ tại nhà phòng khi cúp điện hoặc máy hư đột ngột.

Liều oxy:

  • Lưu lượng oxy thấp nhất sao cho PaO2 đạt 60-65 mmHg hay SpO2 đạt 88-94%. Thường khoảng 1-2 lít/ phút.
  • Tăng thêm 1 lít so với liều căn bản khi vận động và ngủ.
  • Thời gian thở oxy: Thời gian thở oxy phải ít nhất là 15 giờ mỗi ngày.

Lưu ý: Oxy cũng là 1 loại thuốc, dùng không đủ liều hay quá liều đều nguy hiểm đến tính mạng. Người nên tuân theo chỉ định của Bác sĩ một cách nghiêm ngặt. Không bao giờ được tự ý điều chỉnh liều oxy mà luôn luôn phải có y lệnh của Bác sĩ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe