Bài viết được viết bởi Cử nhân Trần Thu Hiền - Kỹ thuật viên trị liệu âm nhạc, Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục.
Để có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng với các hoạt động hợp lý thì chúng ta phải nắm được đặc điểm lứa tuổi cũng như khả năng âm nhạc của trẻ trong lứa tuổi đó.
Dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi
1. Vai trò của âm nhạc đối với trẻ nhỏ
Âm nhạc là một phương tiện giúp cho chúng ta giải trí, xóa bỏ căng thẳng, là cách để chúng ta học hỏi, phát triển cảm xúc bản thân, thể hiện văn hóa dân tộc.... Đó là một vài trong rất nhiều lợi ích mà âm nhạc mang lại trong cuộc sống của chúng ta. Trong những năm đầu đời, phát triển trí tuệ và thể chất luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm, và đây cũng là 2 trong nhiều lợi ích mà âm nhạc có thể mang lại cho trẻ.
1.1 Âm nhạc là phương tiện thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ
Cảm thụ âm nhạc gắn bó chặt chẽ với sự phát triển quan sát, nhạy bén của trẻ. Trẻ tập trung nghe nhạc, so sánh âm thanh, làm quen với ý nghĩa biểu cảm của âm thanh đó, ghi nhớ những đặc điểm, tính chất của hình tượng âm nhạc.
Trong khi tập hát, trẻ không chỉ tiếp thu về giai điệu, tiết tấu, lời ca, mà còn phát triển ngôn ngữ (phát âm chính xác, biểu cảm, mở rộng vốn từ) ...
>>> Khi nào có thể cho trẻ học nhạc?
1.2 Âm nhạc là phương tiện góp phần phát triển thể chất
Âm nhạc được coi như là khả năng tốt nhất để luyện tai nghe.
Vận động theo nhạc giúp trẻ hoạt động vững vàng, bước chạy nhẹ nhàng linh hoạt.
Hát liên quan đến sự phát triển thể lực, củng cố cơ quan phát âm, thở sâu, tránh nói lắp đẩy mạnh chức năng hoạt động cơ quan phát thanh, hô hấp.
2. Đặc điểm lứa tuổi và khả năng âm nhạc của trẻ (từ 0 đến 6 tuổi)
2.1 Trẻ dưới 1 tuổi
- Trẻ sơ sinh đã biết nghe khi có tiếng động xung quanh.
- 10 –12 ngày sau khi sinh đã có phản ứng với âm thanh.
- 2 tháng tuổi bắt đầu lắng nghe giọng nói.
- 4- 5 tháng tuổi có thể phân biệt được âm thanh. (lời nói – tiếng sự vật – tiếng động)
- 6 tháng tuổi trẻ có thể hướng đến hoặc bò đến nơi có âm thanh. Có biểu hiện hưởng ứng với tính chất âm thanh như lắng nghe khi có tiếng nhạc, nín khóc khi nghe tiếng hát ru...
- Trẻ 9 tháng đến 1 tuổi có thể hát bập bẹ theo người lớn (khả năng chú ý đến âm thanh còn rất ngắn).
Vậy trong giai đoạn này dù khả năng hát của bạn có tệ đến mức nào, đừng ngần ngại ngân nga thường xuyên những giai điệu trước mặt con trẻ. Tiếng hát làm câu chữ mềm mại đi rất nhiều và làm chậm lại tốc độ của lời nói.
Ngoài ra, việc bạn lặp đi lặp lại một giai điệu dễ dàng in sâu vào tâm trí bé, khiến bé tiếp thu từ ngữ nhanh hơn. Có thể dùng thơ, vè, đồng dao ... với vần điệu đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ là những thể loại tốt nhất để hấp dẫn bé lắng nghe.
2.2 Trẻ 1-2 tuổi
Những bài hát vui tươi khỏe khoắn dễ tạo cho trẻ cảm xúc, sự thích thú chú ý lắng nghe nhạc.
Bắt đầu hát theo những từ cuối câu nhạc, tiết nhạc.
Trẻ biết đứng, đi, dậm chân, vỗ tay, cầm nắm, lắc chuông, huơ bàn tay. nhưng trẻ chưa biết cách kết hợp vận động theo nhạc (Cần có quá trình lập đi lập lại nhiều lần một động tác thì trẻ mới có phản ứng.)
Biết cảm nhận âm sắc giọng nói, tiếng hát của người thân trong gia đình và biết hưởng ứng thể hiện tình cảm như hát theo một vài câu ngắn hoặc vẫy tay, dậm chân, nhún nhảy, vỗ tay theo tiếng nhạc.
2.3. Trẻ 2-3 tuổi
Trẻ cảm thụ vài nét nhạc và trẻ hát theo người lớn, thể hiện sự cảm thụ âm nhạc như vẫy tay ...
Trẻ có thể phân biệt độ cao - thấp, to - nhỏ, dài – ngắn của âm thanh.
Có thể hát theo người lớn hoặc nhắc lại vài câu ngắn.
Trẻ đi vững vàng hơn, thể hiện hứng thú với âm nhac qua vận động như lắc lư, dậm chân, vỗ tay, nhún nhảy theo tiết tấu, chạy vòng tròn theo tiếng nhạc và có thể làm lại một động tác theo một nhịp điệu nhất định.
Cho trẻ nghe âm thanh của các nhạc cụ, dụng cụ gõ trên các chất liệu (đàn, phách tre, xúc xắc, gáo dừa...).
2.4. Trẻ 3- 4 tuổi: Cảm xúc và khả năng âm nhạc của trẻ tăng dần
- Trẻ có thái độ như thích thú, thán phục, bộc lộ rõ bằng nét mặt ngạc nhiên hay trong vận động như vỗ tay, dậm chân... nhưng ít giữ lại ấn tượng.
- Có thể hát những bài ngắn, giai điệu liền bậc hoặc quãng hẹp, hát bằng giọng tự nhiên, hát rõ các từ, biết hát đồng đều.
- Một số trẻ có thể tự nghĩ ra lời hát dựa trên giai điệu yêu thích.
- Vận động trẻ phong phú hơn, trẻ bắt đầu làm các động tác phối hợp đơn giản.
- Trẻ làm những động tác có biên độ lớn, mang tính đối xứng, khó thực hiện những động tác nhỏ, nhiều chi tiết. Trẻ vận động theo đội hình đã qui ước.
Giai đoạn này có thể cho trẻ tiếp xúc và làm quen với một số nhạc cụ: trống, đàn organ...
2.5. Trẻ 4-5 tuổi
- Trẻ xác định được hướng chuyển động của giai điệu, âm sắc giọng hát, nhạc cụ
- Phân biệt được tính chất âm nhạc: vui vẻ, êm ả, yên tĩnh, sôi động...
- Có khả năng tập trung chú ý khi nghe, ít bộc lộ nhưng ghi nhớ và hay đàm thoại về nội dung bài hát.
- Có tư thế hát đúng, hát mạnh dạn tự nhiên, hát rõ lời, đúng âm diệu, biết cách lấy hơi khi hát.
- Trẻ hiểu được yêu cầu thể hiện bài hát, múa, trẻ có khả năng ghi nhớ.
- Hứng thú với hoạt động âm nhạc của trẻ bắt đầu có sự phân hóa: trẻ có thể thích ca hát, múa, hoặc chơi nhạc cụ
- Các vận động cơ bản đã hoàn thiện. Trẻ biết làm các động tác phối hợp với bạn biết múa theo đội hình, các động tác vận động và múa phong phú hơn, biết chuyển đội hình đơn giản, nhảy chân sáo, đá chéo chân...
2.6. Trẻ 5 - 6 tuổi
- Kinh nghiệm nghe nhạc của trẻ được tích luỹ. Trẻ hiểu được tính chất chung, thể hiện rõ sự lựa chọn bài mình thích và có thể giải thích tại sao thích nghe bài hát đó.
- Trẻ có khả năng phân biệt, so sánh những dấu hiệu phương tiện biểu hiện âm nhạc: cao độ, trường độ, tiết tấu, giai điệu... và cả sự thay đổi sắc thái, tình cảm.
- Sự cảm thụ âm nhạc của trẻ có sự định hướng: biết lựa chọn bài hát, thể loại...
- Biết giữ tư thế hát đẹp duyên dáng, biết cách lấy hơi hát đúng và rõ lời, hát hòa hợp diễn cảm đúng giai điệu, đúng nhịp điệu các bài hát có phong cách, tính chất khác nhau.
- Trẻ thể hiện múa mềm dẻo uyển chuyển.
- Trẻ biết phối hợp vận động với tính chất âm nhạc. Thực hiện được các động tác nhảy múa chuyển động từng đôi, từng chân nhảy về phía trước, vận động theo vòng tròn, biết mở, thu hẹp vòng tròn, nghĩ được các động tác riêng, phối hợp nhịp nhàng toàn thân với động tác tay và chân.
Để hỗ trợ trẻ phát triển năng khiếu âm nhạc một cách hiệu quả thì không những phải phải chú ý đến khả năng, sở thích và đặc điểm riêng của từng trẻ mà còn phải hiểu biết về những đặc điểm chung của lứa tuổi cũng như khả năng âm nhạc của trẻ trong lứa tuổi đó để đưa ra các hoạt động và bài học phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.