Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ho khan kéo dài là triệu chứng rất hay gặp, nhất là trong những ngày thời tiết chuyển mùa ảnh hưởng tới sinh hoạt, giấc ngủ và thường gây mệt mỏi. Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến nôn, chóng mặt, trầm cảm... Ho chỉ khỏi khi nguyên nhân cơ bản được điều trị.
1. Triệu chứng đi kèm tình trạng ho khan kéo dài
- Người bệnh bị ho khan kéo dài hoặc ho có đờm, kéo dài, chảy mũi hoặc ngạt tắc mũi, có cảm giác có dịch mũi chảy xuống thành sau họng.
- Bệnh nhân thường xuyên muốn hắng giọng hoặc đau rát họng.
- Khàn tiếng, thở khò khè hoặc khó thở.
- Có thể ợ chua hoặc có vị chua ở miệng.
- Một số trường hợp hiếm gặp có thể ho ra máu.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng ho khan kéo dài
- Hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho khan kéo dài uống thuốc không khỏi. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá cũng có thể dẫn tới ho và tổn thương phổi.
- Dịch dạ dày trào ngược vào thực quản, tương đối rất hay gặp, dịch dạ dày trào ngược vào thực quản, gây kích ứng liên tục dẫn tới ho khan kéo dài, sử dụng thuốc ho vẫn không giảm.
- Viêm mũi xoang: do mũi hoặc xoang sản xuất quá nhiều dịch nhầy, chảy xuống thành sau họng và kích thích gây phản xạ ho.
- Hen phế quản: ho liên quan đến hen phế quản thường xuất hiện theo mùa hoặc sau khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc nặng hơn khi tiếp xúc với không khí lạnh, một số hóa chất, tác nhân gây kích ứng.
- Viêm phế quản mạn tính: viêm phế quản kéo dài gây sung huyết, khó thở, thở khò khè và ho có đờm. Hầu hết người bị viêm phế quản mạn tính có tiền sử hút thuốc hoặc đang hút thuốc.
- Nhiễm khuẩn: ho thường kéo dài hơn sau khi các biểu hiện của bệnh cúm, bệnh viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên đã khỏi.
- Sử dụng một số loại thuốc như: thuốc hạ huyết áp, đặc biệt là nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin thường gây ho khan kéo dài, ho sẽ hết sau khi ngừng thuốc.
- Ho khan kéo dài còn do các nguyên nhân: giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phổi tăng bạch cầu ái toan, bệnh xơ nang, ung thư phổi, bệnh sarcoid.
- Người cao tuổi, phụ nữ có khuynh hướng nhạy cảm hơn với phản xạ ho.
3. Ho khan kéo dài uống thuốc không khỏi phải làm sao?
- Xác định được nguyên nhân gây ho là yếu tố quyết định điều trị hiệu quả đối với tình trạng ho khan kéo dài.
- Nên kiểm tra xem liệu có phải do nhiều bệnh lý cùng gây ra ho khan kéo dài trên một bệnh nhân.
- Trong một số trường hợp, ngừng sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển có thể hết ho.
- Thay vì sử dụng thuốc ho, nên chuyển hướng điều trị các vấn đề dạ dày thực quản trong bệnh trào ngược, ho sẽ tự động biến mất sau đó.
Các thuốc thường hay được bác sĩ sử dụng trong ho khan kéo dài gồm:
- Thuốc kháng histamin và chống sung huyết (khi bị ho kích ứng và chảy dịch mũi sau).
- Thuốc điều trị hen dạng xịt (hiệu quả nhất trong hen phế quản thể ho do có tác dụng làm giảm viêm và giãn đường thở)
- Các kháng sinh nếu ho do nhiễm khuẩn
- Thuốc ức chế tiết dịch vị dạ dày nếu trào ngược dạ dày - thực quản
- Thuốc giảm ho nếu không xác định được nguyên nhân, đặc biệt là ho gây ảnh hưởng đến giấc ngủ
- Các thuốc loãng đờm giúp dễ dàng bài xuất đờm ra ngoài thông qua phản xạ ho
- Rửa mũi họng bằng nước muối biển
- Khí dung tại chỗ bằng thuốc kháng sinh, chống viêm tùy theo biểu hiện và nguyên nhân.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị ho
Thuốc làm loãng đờm và tan đờm không nên dùng vào buổi tối vì khi ngủ hoạt động của nhung mao ở niêm mạc phế quản sẽ giảm đi dễ gây ứ đọng đàm trong phổi.
Thuốc ho chỉ sử dụng cho trường hợp ho khan, không dùng cho trường hợp ho có đờm và có triệu chứng suy hô hấp. Nên sử dụng liều thấp nhất có tác dụng và dùng trong thời gian càng ngắn càng tốt để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Thuốc ho có tác dụng làm giảm ho, chỉ sử dụng trong trường hợp ho khan, kích thích gây khó chịu. Trong trường hợp ho có đờm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc làm loãng đờm hay tan đờm. Không sử dụng thuốc trị ho kết hợp thuốc long đờm vì đờm sẽ tiết nhiều hơn nhưng phản xạ ho cũng giảm đi khiến người bệnh không khạc ra được.
5. Phòng ngừa ho tái phát
- Tránh các tác nhân dị ứng hoặc gây kích ứng, thay đổi nhiệt độ đột ngột (ra vào phòng điều hòa): bụi trong và ngoài nhà, vật nuôi trong nhà, không khí ẩm mốc, giữ ấm vùng cổ mặt vào mùa lạnh, không ăn, uống các chất kích thích như quá cay, quá nóng,...
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc (là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phế quản mạn tính) do khói thuốc kích thích đường hô hấp, phổi và có thể làm nặng hơn ho do nguyên nhân khác.
- Giảm trào ngược dạ dày - thực quản: ngoài việc sử dụng thuốc thì thay đổi lối sống như ăn nhiều bữa nhỏ, không nằm sau khi ăn ít nhất 2 - 3 giờ, kê cao gối khi nằm ngủ, hạn chế các đồ ăn, thức uống chua, cay, có nhiều gas... cũng có hiệu quả đáng kể.
- Luyện tập thể dục và thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, nâng cao thể trạng, hạn chế xúc cảm, tăng sức đề kháng với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus.
- Tiêm vắc xin phòng cúm, viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.