Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Vi khuẩn Mycoplasma là chủng vi khuẩn thường cư trú ở niêm mạc miệng, họng, đường sinh dục cả nam và nữ. Khi tăng sinh số lượng, nó thường gây ra tình trạng nhiễm khuẩn, phổ biến nhất là bệnh viêm phổi do nhiễm Mycoplasma.
Ho kéo dài do vi khuẩn mycoplasma là bệnh gặp phải ở tất cả các lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh chính là ho kéo dài. Tuy việc nhiễm vi khuẩn Mycoplasma khá phổ biến, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, nó sẽ dẫn đến những biến chứng khi bệnh viêm phổi trở nên nặng hơn và có thể lây lan ra cộng đồng.
1. Vi khuẩn Mycoplasma là gì?
Vi khuẩn Mycoplasma là chủng vi khuẩn được phát hiện lần đầu vào năm 1898 ở cá thể bò mắc bệnh viêm phổi. Chúng có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,15-0,3 micromet và không thể quan sát được dưới kính hiển vi thông thường. Chúng thường xuyên cư trú ở niêm mạc miệng, hầu họng và đường sinh dục. Khi có một điều kiện thuận lợi khiến số lượng vi khuẩn Mycoplasma tăng sinh đột biến, chúng sẽ gây bệnh.
Hiện nay có khoảng 17 loài Mycoplasma có khả năng gây bệnh cho con người, nhưng trong đó có 4 tuýp gây ra phần lớn các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến.
Mycoplasma pneumoniae chính là tác nhân nhận được sự quan tâm lớn nhất bởi vì tỷ lệ gây viêm phổi cộng đồng của nó chiếm đến 10-30%. Mycoplasma pneumoniae gây viêm đường hô hấp trên và viêm phổi không điển hình. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Bệnh viêm phổi do nhiễm Mycoplasma pneumoniae thường bùng phát thành các đợt dịch trong phạm vi trường học, khu tập thể, cơ quan... vào thời điểm chuyển mùa cuối hè sang thu.
2. Những triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae
Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng sau:
- Vào thời điểm khởi phát bệnh, bệnh nhân chủ yếu cảm thấy đau đầu, sổ mũi, khò khè, viêm họng, cơ thể mệt mỏi kèm sốt,.... Những triệu chứng không mang tính điển hình này dễ khiến bệnh nhân nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường.
- Đối với người lớn, tình trạng sốt thường trên 39 độ C kèm theo đó là cơ thể lạnh, đau đầu và ho nhiều. Bệnh nhân có thể ho khan hoặc ho có đờm, dịch đờm có màu trắng.
- Ở trẻ em, ho và sốt là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Tình trạng sốt ở trẻ em thường không quá cao, chủ yếu dưới 39 độ C. Triệu chứng nổi bật nhất chính là ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm. Tình trạng ho này có thể kéo dài đến 3 - 4 tuần, đây cũng chính là lý do khiến các bậc cha mẹ thường cho trẻ nhập viện để điều trị. Kèm theo ho và sốt, trẻ thường sổ mũi, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy,...
3. Con đường lây nhiễm bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
Bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp. Khi người mắc bệnh hắt hơi, ho sẽ bắn ra các dịch hô hấp có chứa vi khuẩn gây bệnh. Nếu bạn vô tình hít phải thì sẽ bị lây nhiễm. Do cơ chế lây truyền khá đơn giản nên việc nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi này rất dễ lây lan ở những cộng đồng nhỏ như gia đình, cơ quan, trường học,...
Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể, những người có hệ miễn dịch yếu thì có tỷ lệ nhiễm Mycoplasma cao hơn những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh
Các yếu tố như khói thuốc lá, môi trường khói bụi ô nhiễm,...tuy không trực tiếp gây ra tình trạng nhiễm Mycoplasma cho bệnh nhân nhưng đây chính là những yếu tố tác động khiến triệu chứng ho bị kéo dài và lâu khỏi. Vì vậy những người bị viêm phổi do nhiễm Mycoplasma nên đảm bảo môi trường sống trong lành, tránh xa sự ô nhiễm.
Nên chủ động phòng bệnh bằng cách tăng cường sức đề kháng của cơ thể vào thời điểm chuyển mùa hoặc khi thấy có dấu hiệu bùng phát dịch nơi bạn sinh sống. Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh, giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh khói bụi và ô nhiễm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.