Hầu như tất cả mọi người đều đã từng nghe đến HIV và AIDS, tuy nhiên có rất ít người hiểu đúng về nó. Những sai lầm trong hiểu biết về HIV/AIDS khiến chúng ta có cái nhìn không thiện cảm với bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh thế kỷ này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản cần nhớ về HIV và AIDS.
1. HIV là gì?
Trước tiên, HIV không phải là bệnh. HIV là tên của một loại virus gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu không được điều trị, HIV sẽ lây nhiễm và làm chết các tế bào CD4 - một loại tế bào miễn dịch lympho T. Khi HIV giết chết nhiều tế bào CD4, lúc đó hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, dễ bị các loại bệnh nhiễm trùng và ung thư khác nhau.
2. HIV lây nhiễm như thế nào?
Con đường lây truyền của HIV là qua các chất dịch cơ thể bao gồm:
- Máu;
- Tinh dịch;
- Dịch âm đạo và trực tràng;
- Sữa mẹ.
Việc nhiễm virus HIV chỉ xảy ra khi có một hoặc nhiều chất dịch trên của người bệnh xâm nhập vào trong máu của bạn. Điều này có thể xảy ra thông qua chỗ da bị vỡ hoặc lớp lót trong miệng, hậu môn, dương vật hoặc âm đạo. Vì vậy, mọi người thường nhiễm HIV do:
- Quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh;
- Sử dụng chung bơm, kim tiêm và các dụng cụ tiêm thuốc khác;
- Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus cho con trước hoặc trong khi chúng được sinh ra hoặc khi cho con bú;
- Có thể bị nhiễm HIV từ việc truyền máu của người bị nhiễm bệnh.
Chú ý virus HIV không lây qua:
- Tiếp xúc da kề da;
- Ôm, bắt tay hoặc hôn;
- Không khí hoặc nước;
- Chia sẻ đồ ăn, đồ uống, kể cả vòi nước uống;
- Nước bọt, nước mắt hoặc mồ hôi (trừ trường hợp có lẫn máu của người nhiễm HIV);
- Dùng chung nhà vệ sinh, khăn tắm, chăn ga;
- Muỗi hoặc côn trùng khác.
Điều cần lưu ý đó là nếu một người bị nhiễm HIV đang được điều trị và có số lượng virus không thể phát hiện được, thì hầu như không thể truyền virus cho người khác.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm HIV, cả nam và nữ đều có thể lây truyền HIV. Một người bị nhiễm HIV có thể cảm thấy vẫn bình thường và vẫn có khả năng truyền virus cho người khác.
Nhân viên y tế là đối tượng dễ bị phơi nhiễm HIV, đó đó họ cần có biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Họ có thể bị nhiễm HIV sau khi bị chọc bởi kim có máu nhiễm HIV của bệnh nhân, hoặc sau khi sau khi máu bị nhiễm trùng, bị cắt hoặc bắn vào mắt hay bên trong mũi.
Cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi HIV đó là tránh các hoạt động khiến bạn gặp nguy hiểm bằng cách:
- Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp an toàn khác bất cứ khi nào bạn có quan hệ tình dục - âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng;
- Không tiêm thuốc và không sử dụng chung bơm kim tiêm của người khác;
- Một số người có nguy cơ cao nhiễm HIV cần được điều trị dự phòng phơi nhiễm trước (PrEP).
3. AIDS là gì?
AIDS là một căn bệnh có thể phát triển ở những người nhiễm HIV. Đây là giai đoạn nặng nhất của HIV. Nhưng không có nghĩa một người nhiễm HIV sẽ phát triển thành AIDS. Như vậy, một người bị AIDS chắc chắn nhiễm virus HIV, còn một người nhiễm virus HIV chưa chắc đã bị AIDS.
Virus HIV làm chết các tế bào CD4. Một người trưởng thành khỏe mạnh thường có số lượng tế bào CD4 từ 500 - 1.500 tế bào/mm3. Một người nhiễm HIV sẽ có số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 sẽ được chẩn đoán mắc AIDS.
Một người cũng có thể được chẩn đoán bị AIDS nếu như họ bị nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư mà hiếm gặp ở những người không có virus HIV.
4. AIDS tiến triển thế nào?
Người nhiễm HIV nếu không được điều trị thì có thể tiến triển thành AIDS trong vòng 10 năm. Không có cách chữa bệnh AIDS và nếu không điều trị thì bệnh nhân có thể sống thêm khoảng ba năm. Thời gian sống có thể ngắn hơn nếu như bệnh nhân mắc phải các bệnh cơ hội nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc điều trị bằng thuốc kháng virus có thể ngăn ngừa AIDS phát triển.
Nếu AIDS phát triển đồng nghĩa với việc hệ thống miễn dịch của cơ thể đã bị tổn hại nghiêm trọng. Hệ thống miễn dịch đã suy yếu tới mức không thể chống lại hầu hết các bệnh và nhiễm trùng. Điều này làm cho bệnh nhân dễ bị một loạt các bệnh, bao gồm:
- Viêm phổi;
- Lao;
- Tưa miệng, nhiễm nấm trong miệng hoặc cổ họng;
- Nhiễm Cytomegalovirus (CMV) một loại virus herpes;
- Viêm màng não do Cryptococcus, nhiễm nấm trong não;
- Nhiễm trùng não do ký sinh trùng Toxoplasma Gondii;
- Ung thư, bao gồm Kaposi’s Sarcoma (KS) và ung thư hạch.
Tuổi thọ của bệnh nhân AIDS không được điều trị sẽ bị rút ngắn là kết quả trực tiếp của các hội chứng trên. Hay nói cách khác đây là kết quả của các bệnh và biến chứng phát sinh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu do AIDS.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về HIV và AIDS các bản cần phải nhớ để có thể nhìn nhận một cách đúng đắn về căn bệnh này. Chính bởi sự hiểu biết chưa đầy đủ về HIV và AIDS đã dẫn tới những định kiến, sự kỳ thị của mọi người đối với những bệnh nhân không may nhiễm HIV, AIDS; đồng thời khiến chúng ta chưa có cách phòng ngừa bệnh đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Web MD