Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Mang Thị Phương Mai - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Căn bệnh thế kỷ HIV không chỉ gây ảnh hưởng tới người lớn mà còn đang cướp đi tương lai và sinh mạng của nhiều trẻ em. Trong khi đó, việc chẩn đoán sớm HIV ở trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
1. Triệu chứng HIV ở trẻ em
Bệnh nhi nhiễm HIV thường có biểu hiện đa dạng. Các triệu chứng sớm thường gặp ở trẻ nhiễm HIV là:
- Biểu hiện trên toàn cơ thể: trẻ sụt cân, chậm lớn (chậm đạt các mốc phát triển cơ bản), hay bị sốt, co giật, mất nước, thiếu máu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, gan lách to.
- Bệnh lý ở phổi: trẻ mắc các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp kéo dài, mắc hội chứng ngón tay dùi trống không giải thích được, cảm cúm kéo dài, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi.
- Vùng đầu - mặt - cổ: trẻ bị não nhỏ không rõ nguyên nhân, viêm lợi mãn tính thứ phát sau nhiễm virus Herpes, nấm miệng và loét miệng, viêm tai giữa hoặc viêm xoang nặng.
- Bệnh về da: trẻ HIV thường bị nhiễm virus u nhú lan tỏa, u nhầy lan tỏa, viêm nang lông tái phát, ban sẩn ngứa, chàm hoặc viêm da bã nhờn nặng.
- Bệnh về thần kinh: bé bị chậm phát triển trí tuệ hoặc mất các mốc phát triển, tình trạng co cứng không rõ nguyên nhân,...
2. Chẩn đoán và điều trị HIV ở trẻ em
2.1 Chẩn đoán và điều trị HIV cho thai nhi
Một trong ba con đường chính (chiếm 25 – 40%) làm lây truyền HIV/AIDS là từ mẹ sang con mà không được điều trị ARV trong thai kì. Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 bà mẹ có HIV khi mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Còn nếu được điều trị dự phòng, chỉ có khoảng 5 trẻ bị nhiễm HIV.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người. Trong đó, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (chiếm 50,2%), phát hiện 1.108 người nhiễm HIV. Nhờ sự phát triển của công tác chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh hoàn toàn nếu người mẹ sớm dùng thuốc kháng virus ARV và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của các cán bộ y tế.
Ngoài ra, thuốc kháng HIV cũng giúp bảo vệ sức khỏe cho thai phụ. Nếu phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV trong 3 tháng đầu của thai kỳ, được uống thuốc sớm và tuân thủ nguyên tắc điều trị, xét nghiệm máu 3 – 6 tháng/lần, tải lượng virus dưới 200 bản sao thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang con sẽ rất thấp (chỉ 2 – 6%).
2.2 Chẩn đoán và điều trị HIV ở trẻ sơ sinh
Nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm xảy ra rất cao ở những trẻ nhiễm HIV. Vì thế trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV cần được chẩn đoán sớm để được điều trị và chăm sóc kịp thời. Việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh cũng giúp cha mẹ lựa chọn việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa thay thế và hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho trẻ khác trong cộng đồng.
Trẻ sinh ra từ mẹ có HIV cần được điều trị ARV, việc điều trị bắt đầu từ khi mới sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh còn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để biết cách chăm sóc, điều trị trẻ nhiễm HIV đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.