Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Viêm phổi tụ cầu là bệnh lý viêm phổi cấp tính nghiêm trọng và hiếm gặp. Chụp X quang phổi là kỹ thuật được thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm phổi tụ cầu. Hình ảnh X quang viêm phổi tụ cầu sẽ có đặc điểm là các tổn thương đông đặc phổi hình tròn, kích thước không đều và xuất hiện không đối xứng ở cả hai bên phổi.
1. Viêm phổi tụ cầu là bệnh gì?
Viêm phổi tụ cầu là bệnh do vi khuẩn tụ cầu tấn công vào phổi và gây bệnh. Trong các loại vi khuẩn tụ cầu, tụ cầu vàng là loại thường gặp gây ra nhiều bệnh liên quan đến nhiễm trùng ở người, trong đó có viêm phổi cấp tính.
Tụ cầu vàng là loại vi khuẩn nguy hiểm, sống ký sinh ở lớp niêm mạc của đường hô hấp trên như mũi, họng và chúng cũng có thể tồn tại ở bề mặt da của cơ thể. Khi tấn công và xâm nhập vào phổi, tụ cầu gây ra nhiều ổ viêm nhiễm trùng nghiêm trọng ở tiểu phế quản và phế quản, dẫn đến hoại tử và xuất huyết. Tại các ổ viêm phổi tụ cầu, nhiều bạch cầu hạt trung tính gây ra tình trạng phù nề và tạo thành các ổ áp xe, có thể dẫn đến phá hủy thành của các phế nang.
Ngoài phổi, có một số loại tụ cầu có khả năng tấn công vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết rất nghiêm trọng.
Viêm phổi tụ cầu là bệnh hiếm gặp nhưng mọi đối tượng đều có khả năng nhiễm bệnh, đặc biệt là những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp, bệnh cũng có thể lây truyền qua đường máu.
Nhìn chung, bệnh viêm phổi tụ cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh vì đây là loại vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh, khi tấn công vào cơ thể để gây bệnh, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?
Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.2. Hình ảnh X quang viêm phổi tụ cầu
Để chẩn đoán bệnh viêm phổi tụ cầu, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm như chụp X quang, chụp CT, xét nghiệm máu, nước tiểu, cấy đờm dịch ở phổi, thậm chí có thể tiến hành sinh thiết tổn thương ở phổi.
Trong đó, chụp X quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đầu tay, cơ bản và có giá trị cho phép quan sát tổn thương bên trong phổi. Bác sĩ sẽ sử dụng máy chụp X quang để phát ra tia X - là tia có bước sóng ngắn với khả năng đâm xuyên mạnh để đi qua các tế bào mô mềm và dịch, từ đó thu được hình ảnh của phổi.
Với kỹ thuật này, trên hình ảnh X quang viêm phổi tụ cầu cho thấy xuất hiện nhiều ổ viêm (những đám mờ màu trắng) có hình tròn, không đều nhau về mặt kích thước và không đối xứng hai bên phổi. Ngoài ra, khi thực hiện cấy đờm, máu, dịch màng phổi sẽ thấy sự xuất hiện của các vi khuẩn tụ cầu.
3. Những ai cần chụp X quang viêm phổi tụ cầu?
Những đối tượng nghi ngờ nhiễm vi khuẩn tụ cầu và thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần được chụp X quang phổi để chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi tụ cầu thường tiến triển qua 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ và khởi phát bệnh: Ở giai đoạn này, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ trong khoảng 38 - 39 độ C. Giai đoạn này kéo từ 1 - 2 tuần kể từ khi nhiễm vi khuẩn tụ cầu và các triệu chứng ở giai đoạn này cũng tương đồng với nhiều bệnh lý hô hấp khác.
- Giai đoạn phát bệnh: Ở giai đoạn này, viêm phổi tụ cầu gây nhiễm trùng và nhiễm khuẩn nặng với tốc độ nhanh. Người bệnh bắt đầu sốt cao, ho có đờm, khó thở, đau ngực, mệt mỏi và ngủ li bì. Nếu người bệnh còn mắc phải các bệnh lý liên quan đến hô hấp khác sẽ gặp phải tình trạng thở nhanh, suy giảm chức năng hô hấp và tuần hoàn. Lúc này, nếu không được thăm khám và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Giai đoạn biến chứng: Ở giai đoạn này, viêm phổi tụ cầu tiến triển nặng và nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng phức tạp nếu người bệnh không kịp thời chẩn đoán phát hiện bệnh và điều trị. Các biến chứng có thể xảy ra như áp xe phổi, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi, thoát vị cơ hoành, suy hô hấp cấp tính.
Bệnh viêm phổi tụ cầu nếu được phát hiện sớm bằng cách theo dõi và nhận biết các triệu chứng, kịp thời đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng do bệnh gây ra.
Ngoài ra, những đối tượng sau đây cũng rất dễ bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu tấn công phổi gây bệnh, cũng cần lưu ý theo dõi các triệu chứng và thăm khám kịp thời, cụ thể như:
- Những người sống trong điều kiện môi trường vệ sinh kém do nghèo khổ, khó khăn: Sống thiếu thốn dẫn đến chế độ dinh dưỡng thấp, kết hợp vệ sinh kém sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển trên da, dẫn đến nhiễm trùng tụ cầu qua đường máu, gây viêm phổi tụ cầu.
- Những người thường xuyên sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi: Tự mua thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, hoặc dùng thuốc không đúng cách và liều lượng có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, đặc biệt là những bệnh do vi khuẩn gây ra như tụ cầu.
- Người bệnh ở bệnh viện trong thời gian dài: Một số bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng và mãn tính phải điều trị ở bệnh viện trong thời gian dài rất dễ mắc phải bệnh viêm phổi tụ cầu, đặc biệt là những bệnh nhân có đặt ống thông khí quản.
4. Điều trị và phòng ngừa bệnh viêm phổi tụ cầu
4.1 Điều trị bệnh viêm phổi tụ cầu
Cũng tương tự như nhiều bệnh lý khác, viêm phổi tụ cầu cần được phát hiện sớm và điều trị để tránh dẫn đến các tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng ở phổi và máu. Tùy vào thể trạng và tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thời gian điều trị bệnh có thể kéo dài từ 1 - 1,5 tháng. Như đã đề cập ở trên, tụ cầu là loại vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh rất mạnh, do đó tùy vào cơ địa và tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh mạnh và phù hợp như Cephalosporin, Gentamicin, Methicillin, Oxacillin, Penicillin, ...
Trường hợp chức năng hô hấp của bệnh nhân viêm phổi tụ cầu bị suy giảm, người bệnh không tự thở và điều hòa được cần kết hợp đặt ống nội khí quản hoặc sử dụng máy thở.
Người bệnh cũng thường xuyên được theo dõi và kiểm tra tình trạng điều trị nhiễm khuẩn, đánh giá mức độ thu hẹp các ổ viêm do tụ cầu khuẩn gây ra, ...; đồng thời được bổ sung và tăng cường sức đề kháng với thuốc bổ và các khoáng chất.
4.2 Phòng ngừa bệnh viêm phổi tụ cầu
Bệnh viêm phổi tụ cầu có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên tập luyện để nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây bệnh.
- Tránh tự ý sử dụng kháng sinh, chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ theo đúng hướng dẫn cách dùng và liều lượng.
Chụp X quang viêm phổi tụ cầu là một trong những phương pháp chính được thực hiện để chẩn đoán phát hiện bệnh bên cạnh các xét nghiệm máu, dịch đờm. Hình ảnh chụp được sẽ cho thấy các ổ viêm ở hai bên phổi do tụ cầu khuẩn gây ra với hình dáng tròn không đều và không đối xứng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.