Hình ảnh lưỡi bình thường của trẻ sơ sinh thế nào là bình thường được nhiều cha mẹ quan tâm, nhất là khi trẻ không phát âm được dù đã đến tuổi tập nói. Nhiều bậc phụ huynh lo sợ rằng trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi. Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi hay lưỡi trẻ bình thường?
1. Hình ảnh lưỡi bình thường của trẻ sơ sinh
Khi thấy con trẻ đã đến độ tuổi tập nói nhưng con không nói được hoặc nói ngọng, nhiều cha mẹ lo sợ con bị dính thắng lưỡi. Với trẻ sơ sinh, dính thắng lưỡi còn khiến trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ. Vậy lưỡi của trẻ sơ sinh thế nào là bình thường? Dưới đây là những đặc điểm bình thường của lưỡi trẻ sơ sinh:
- Trẻ có thể di chuyển lưỡi sang hai bên.
- Trẻ có thể nâng lưỡi lên và chạm được đến hàm trên.
- Nếu khóc, có thể quan sát thấy đầu lưỡi của trẻ có hình chữ V.
- Trẻ có thể đưa lưỡi ra khỏi hàm từ 1 - 2mm.
- Thắng lưỡi của trẻ bình thường và không ảnh hưởng đến việc bú mẹ.
2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi
Thắng lưỡi là một dải mô nhỏ nối từ đáy lưỡi đến sàn miệng. Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt ăn uống và việc nói của trẻ.
Trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi thường có những dấu hiệu sau:
- Thắng lưỡi ngắn làm hạn chế chuyển động của lưỡi.
- Trẻ không đưa được đầu lưỡi ra ngoài cũng như không chạm được vòm họng trên.
- Nếu khóc, có thể quan sát thấy đầu lưỡi của trẻ có hình trái tim.
- Đầu lưỡi phẳng và có hình vuông thay vì đầu nhọn như bình thường.
- Răng cửa hàm dưới bị nghiêng hoặc có khe hở giữa hai răng cửa.
- Trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc phát âm.
Dựa vào chiều dài của thắng lưỡi, có thể chia dính thắng lưỡi thành 4 mức độ như sau:
- Mức độ 1: Trẻ bị dính thắng lưỡi nhẹ, thắng lưỡi dài từ 12 - 16mm.
- Mức độ 2: Trẻ bị dính thắng lưỡi trung bình, thắng lưỡi dài từ từ 8 - 11mm.
- Mức độ 3: Trẻ bị dính thắng lưỡi nặng, thắng lưỡi dài từ 3 - 7mm.
- Mức độ 4: Trẻ bị dính thắng lưỡi hoàn toàn, thắng lưỡi dài dưới 3mm.
3. Trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi khi nào cần phẫu thuật?
Khi thấy trẻ gặp khó khăn khi bú (đối với trẻ sơ sinh) hoặc phát âm và nghi ngờ trẻ bị dính thắng lưỡi, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ những cơ sở y tế có chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được chẩn đoán và đánh giá chính xác mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ, từ đó có cơ sở để chỉ định phẫu thuật cắt thắng lưỡi nếu cần.
Chỉ định cắt thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi còn tùy vào mức độ dính thắng lưỡi và trẻ khó khăn khi bú hoặc phát âm như thế nào. Cắt thắng lưỡi thường được chỉ định với mức thắng lưỡi nặng trở lên và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bú và phát âm của trẻ.
Đối với trẻ lớn, ngoài dính thắng lưỡi gây khó phát âm, các bác sĩ cũng sẽ thăm khám và đánh giá trước khi phẫu thuật nhằm tìm kiếm các lý do khác ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ.
Kỹ thuật cắt thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi có thể được thực hiện bằng cách giữ chặt đầu trẻ, sau đó tiêm hoặc bôi thuốc tê rồi dùng dao điện để cắt thắng lưỡi. Sau phẫu thuật, trẻ có thể bú được ngay.
Ở trẻ lớn, để tiến hành kỹ thuật cắt thắng lưỡi có thể phải áp dụng thủ thuật gây mê hoặc gây tê, sau đó dùng dao mổ hoặc máy đốt để cắt, cuối cùng khâu vết thương và vết thương có thể lành sau vài tuần.
Sau khi phẫu thuật cắt thắng lưỡi ở trẻ sơ sinh dính thắng lưỡi cũng như trẻ lớn, cha mẹ cần chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Với trẻ nhỏ, không cho trẻ ngậm hoặc cắn vật cứng để tránh vết thương bị chảy máu và nhiễm trùng.
Ngoài ra, cần cho trẻ uống nhiều nước và sau mỗi lần ăn nên vệ sinh miệng sạch sẽ. Ở trẻ lớn, cha mẹ cần tập cho trẻ phát âm đúng sau khi phẫu thuật cắt thắng lưỡi.
Quan sát và nhận biết hình ảnh lưỡi bình thường của trẻ sơ sinh để kịp thời phát hiện dị tật dính thắng lưỡi và điều trị, chăm sóc trẻ phù hợp, giúp trẻ phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.