Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Lách là một cơ quan của cơ thể, nằm ẩn trong bụng, ngay phía dưới lồng ngực, bình thường không sờ thấy được trừ trường hợp trẻ nhỏ, thành bụng nhẽo. Khi khám lâm sàng chỉ có thể gõ xác định vùng đục của lách ở đường nách sau. Trường hợp lách to, vượt qua bờ sườn, bác sĩ có thể sờ thấy được. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, siêu âm đã giúp chẩn đoán chính xác hơn.
1. Lách to là bệnh gì?
Lách là một tạng nhỏ nằm sâu trong ổ bụng, núp dưới cơ hoành bên trái. Bình thường chúng ta không thể sờ thấy được lách, trừ trường hợp trẻ nhỏ, thành bụng nhẽo. Lách tham gia sản xuất các tế bào lympho bảo vệ cơ thể, ngoài ra ở giai đoạn bào thai lá lách còn sản xuất cả bạch cầu hạt, hồng cầu và tiểu cầu.
Lách là nơi phá hủy các tế bào máu già cỗi, giữ lại sắt, protein và các chất cần thiết khác để tạo tế bào máu mới. Đây cũng là nơi dự trữ máu cho cơ thể. Khi lá lách co vào hoặc giãn ra sẽ tham gia điều hòa khối lượng máu cũng như khối lượng tế bào máu trong vòng tuần hoàn. Ngoài ra, lách còn tham gia chống nhiễm trùng cho thể bằng cách thanh lọc các vi khuẩn và vật lạ ở trong máu.
Chính vì vậy lách có thể to trong nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu chỉ với một triệu chứng lách to, không thể chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh là gì cả. Tuy nhiên, khi lách to hơn bình thường, có nghĩa là nó đã phải hoạt động quá mức.
2. Chẩn đoán lách to trên siêu âm
Siêu âm lách khó vì lách nhỏ hơn gan, lại nằm sát dưới cơ hoành và bị che bởi xương sườn. Tuy nhiên, qua kẽ liên sườn, hình ảnh siêu âm cũng thấy chủ mô lách và đo được kích thước của nó. Mặc dù lách được đánh giá tốt bằng chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ; siêu âm lách có những thuận lợi như dễ thực hiện, không xâm lấn, giá thành thấp, có thể thực hiện tại giường trong trường hợp cấp cứu.
Chỉ định siêu âm lách trong các trường hợp:
- Kiểm chứng lách to và theo dõi diễn biến của lách qua điều trị
- Phát hiện lách to có hồi âm đồng dạng, lan tỏa hay có thay đổi hồi âm từng vùng, từ đó suy ra bệnh lý của lách.
- Phát hiện máu tụ hay vỡ lách sau chấn thương.
- Những trường hợp đau chưa rõ nguyên nhân ở 1⁄4 bụng trên bên trái.
Chuẩn bị bệnh nhân
- Nhịn ăn ít nhất 6 giờ
- Không được dùng Baryte để chụp ống tiêu hóa
- Không nội soi ổ bụng trước siêu âm.
- Tập cho bệnh nhân thở ra và nín thở trong quá trình siêu âm
- Khi cần có thể cho bệnh nhân uống nước để tách lách với thùy trái gan.
Hình ảnh siêu âm bình thường sẽ cho thấy lách có hình nửa nón cụt, lõm ở mặt trong, lồi ở mặt ngoài, với kích thước như sau:
- Chiều dài (L) ≤ 12cm ở người lớn. Với trẻ nhỏ từ 0 - 3 tuổi chiều dài của lách < 6cm. Với trẻ em chiều dài của lách được tính như sau: L = 5,7 + 0,31 x tuổi (tính theo năm).
- Chiều dày (T) ≤ 7cm.
- Chiều rộng (W) ≤ 5cm.
- Chỉ số lách = L x T x W < 480
- Trọng lượng lách (SW)= Chỉ số lách x 0,55. Lách lúc sinh khoảng 15g, lách người lớn khoảng 150g, dao động từ 100 - 265g.
Tuy nhiên, việc xác định lách to trên siêu âm vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, một số tác giả đồng ý với kích thước như trên, đó là 12cm (chiều dài) là kích thước tối đa. Song lại có một số tác giả khác cho rằng chiều dài của lách có thể lên đến 14cm.
Ở đây, có thể tham khảo cách đánh giá lách to dựa vào trọng lượng lách như sau:
- Lách to ít: SW <500g
- Lách to vừa: 500<SW<2000g
- Lách to nhiều: SW>2000g
3. Nguyên nhân lách to
Do lách có nhiều nhiệm vụ khác nhau nên khi phát hiện một bệnh nhân có lách to, bác sĩ cần phải hỏi, thăm khám lâm sàng tỷ mỷ và có thể làm thêm một số xét nghiệm hướng về bệnh lý của máu và các cơ quan tạo máu khác, các bệnh lý về gan và tuần hoàn tĩnh mạch cửa. Bởi vì nguyên nhân gây lách to có rất nhiều song quan trọng nhất vẫn là hai nhóm nguyên nhân chính đó là các bệnh máu và các bệnh gan, hệ tĩnh mạch cửa.
Thông thường chia lách to thành hai loại đó là:
- Lách to mạn tính.
- Lách to cấp tính.
3.1. Lách to mạn tính
Đây là loại lách to thường gặp nhất và việc chẩn đoán nguyên nhân cũng khó hơn.
Lách to trong các bệnh về máu:
- Bệnh bạch cầu kinh thể tân.
- Bệnh Hodgkin.
- Bệnh Besnier - Boeck Schaumann.
- Bệnh Sacom lan rộng
- Lách to kèm theo tăng hồng cầu:
- Bệnh Vaquez.
- Bệnh lao lách.
- Lách to kèm theo tăng tủy bào: bạch cầu tinh thể tủy.
Lách to kèm theo hội chứng thiếu máu do tan máu
- Thiếu máu do tan máu bẩm sinh (bệnh Minkowski - Chauffard).
- Thiếu máu do tan máu do các bệnh máu của huyết cầu tố:
- Bệnh thiếu máu do tan máu với hồng cầu hình bia bắn, thiếu máu vùng biển.
- Bệnh thiếu máu do tan máu hồng cầu hình liềm.
- Bệnh thiếu máu do tan máu mắc phải: nguyên nhân do nhiễm độc, nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và các bệnh ác tính.
- Lách to kèm theo giảm các tế bào máu: đây là hội chứng thiếu máu toàn bộ tế bào tinh phát hoặc thứ phát.
- Lách to do bệnh gan, tĩnh mạch cửa.
Lách to do các nguyên nhân khác, thường khó chẩn đoán như là:
- Nhiễm ký sinh trùng.
- Sốt rét kinh diễn.
- Bệnh bạch cầu thể ẩn.
- Bệnh Banti (bệnh xơ lách nguyên phát) giai đoạn đầu.
- Bệnh nhiễm khuẩn kinh diễn như lao.
- U nang nước lách, các u ác tính hoặc lành tính.
- Rối loạn mỡ gây ứ trệ ở lách.
3.2. Lách to cấp tính
Lách to cấp tính là lách to chỉ là một dấu hiệu tức thời hoặc dấu hiệu phụ nằm trong một bệnh cảnh có nhiều đặc điểm.
- Bệnh nhiễm khuẩn máu do các loại vi khuẩn mủ thường.
- Bệnh thương hàn hoặc phó thương hàn.
- Bệnh viêm màng trong tim cấp hoặc bán cấp, lao kê, xoắn khuẩn Rickettsia
Có ba bệnh lý cấp tính, trong đó lách to là một triệu chứng quan trọng, đó là các bệnh:
- Bệnh bạch cầu cấp.
- Bệnh viêm màng trong tim osler.
- Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
Có thể thấy lách to là một dấu hiệu thường gặp trên lâm sàng, việc chẩn đoán lách to trên siêu âm thường dễ, song để chẩn đoán nguyên nhân thì thường rất khó khăn. Tuy nhiên, với một bệnh nhân bị lách to cần nghĩ nhiều đến các bệnh về máu và bệnh về gan, đặc biệt là bệnh xơ gan còn gặp nhiều. Để tìm được nguyên nhân thường cần phải thăm khám cần thận kết hợp làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác.