Trung bình, mọi người có thể mất tới 100 sợi tóc từ da đầu mỗi ngày. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy một vài sợi tóc trên lược sau khi chải tóc. Các yếu tố như tuổi tác, di truyền, kích thích tố, thuốc men, mang thai, mỹ phẩm, căng thẳng, chế độ ăn uống hoặc một số bệnh nhất định đều có thể là nguyên nhân có thể gây ra rụng tóc.
1. Rụng tóc là gì?
Tóc được tạo thành từ một loại protein có tên là keratin được sản xuất trong các nang tóc ở lớp ngoài của da. Khi các nang tóc tạo ra các tế bào tóc mới, các tế bào cũ sẽ bị đẩy dần ra khỏi bề mặt của da với tốc độ khoảng 15,3 cm mỗi năm. Những sợi tóc mà chúng ta thấy thực tế là các tế bào keratin đã chết. Người trưởng thành trung bình sẽ có khoảng 100.000 đến 150.000 sợi tóc và mất tới khoảng 100 sợi mỗi ngày vì nhiều nguyên nhân. Do đó chưa phải điều gì đáng báo động nếu mỗi ngày bạn thấy một vài sợi tóc mắc lại trên lược của mình.
Tại bất kỳ thời điểm nào, khoảng 90% tóc trên da đầu của một người bình thường vẫn đang phát triển. Mỗi nang tóc có vòng đời riêng và chịu sự ảnh hưởng đến từ tuổi tác, bệnh tật và một loạt các yếu tố khác. Vòng đời của mỗi nang tóc có thể được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tăng trưởng: Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 đến 8 năm. Trong giai đoạn này tóc mọc khá nhanh
- Giai đoạn thoái trào: Sự chuyển tiếp của giai đoạn 1 và 3, tóc bắt đầu mọc chậm dần. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 3 tuần
- Giai đoạn nghỉ ngơi: Kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Đây là giai đoạn các nang lông ngừng hoạt động. Giai đoạn này có thể đến sớm hơn ở những người stress kéo dài. Các tế bào tóc trong giai đoạn này là những tế bào chết và có xu hướng sừng hóa giống như lớp biểu bì trên bề mặt da.
Tương ứng với các giai đoạn của nang lông, rụng tóc có thể bao gồm nhiều loại bao gồm:
- Rụng tóc tự nhiên: Là tình trạng tóc rụng nhiều dần theo tuổi. Nhiều nang lông bắt đầu bước vào giai đoạn nghỉ ngơi nên tóc trở lên ngắn hơn và số lượng cũng ít dần đi
- Rụng tóc do di truyền: Rụng tóc do di truyền có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Đàn ông mắc rụng tóc do di truyền còn được gọi là hói đầu và có thể bắt đầu xuất hiện năm 20 tuổi. Đối với phụ nữ, thông thường độ tuổi mắc bệnh này là ngoài 40 tuổi và tóc rụng đều trên toàn bộ da đầu.
- Rụng tóc đột ngột: Là nguyên nhân dẫn đến rụng tóc loang lổ thậm chí rụng toàn bộ tóc ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên khoảng 90% người mắc bệnh này tóc sẽ mọc trở lại trong vài năm sau đó.
- Rụng tóc do sẹo: Tình trạng viêm da đầu (viêm mô tế bào, viêm nang lông, mụn trứng cá...) và các rối loạn da khác như bệnh lupus thường để lại sẹo và phá hủy khả năng tái tạo tóc của da đầu. Ngoài ra sử dụng lược sắc nhọn cũng có thể gây ra những tổn thương có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
2. Những điều cơ bản về rụng tóc
2.1. Nguyên nhân gây rụng tóc
Hiện tại các bác sĩ cũng như chuyên gia về tóc và da đầu vẫn chưa tìm được lý do tại sao một số nang tóc có thời gian phát triển ngắn hơn so với nang tóc khác. Tuy nhiên các nghiên cứu được tiến hành đã chỉ ra một số yếu tố có thể là nguyên nhân gây rụng tóc, bao gồm:
- Rối loạn nội tiết tố: Nồng độ một số loại hormone mà điển hình là androgen bất thường có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc hàng loạt
- Yếu tố di truyền: Một số gen quy định tính trạng hói đầu có thể được di truyền từ bố hoặc mẹ sang con cái của họ
- Tình trạng stress kéo dài, mắc một số bệnh và phụ nữ trong quá trình mang thai và cho con bú có thể gây ra rụng tóc tạm thời. Ngoài ra giun đũa hoặc nấm cũng có thể là tác nhân dẫn tới rụng tóc.
- Một số loại thuốc đặc biệt là thuốc sử dụng trong hóa trị điều trị ung thư, thuốc làm tan máu tụ, thuốc chẹn beta-adrenergic dùng để điều chỉnh huyết áp và thuốc tránh thai có thể gây rụng tóc tạm thời.
- Bỏng, chấn thương hoặc tổn thương do tia X cũng có thể khiến bệnh nhân rụng tóc tạm thời. Trong trường hợp các vết thương không để lại sẹo, tóc có thể sẽ mọc lại sau khi vết thương lành hẳn.
- Bệnh tự miễn: Một số vấn đề liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể khiến chúng tấn công cả những tế bào keratin dẫn đến tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp tóc sẽ mọc trở lại thậm chí đen hơn và dày hơn so với khi chưa bị bệnh.
- Thực hiện các quy trình chăm sóc, làm đẹp như gội đầu, uốn, nhuộm... quá thường xuyên có thể khiến tóc mỏng, yếu và dễ gãy. Tuy nhiên tóc có thể mọc trở lại sau một thời gian ngừng tác động. Cần lưu ý tránh để lại các tổn thương da đầu vì chúng có thể gây ra các mảng rụng tóc vĩnh viễn.
- Một số bệnh lý như suy giáp hay cường giáp, bệnh lupus ban đỏ, đái tháo đường, thiếu máu do thiếu sắt, rối loạn tiêu hóa có thể gây ra rụng tóc.
- Chế độ ăn thiếu hụt protein hoặc năng lượng nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc tạm thời.
2.2. Triệu chứng của rụng tóc
Các dấu hiệu rụng tóc và tình trạng rụng tóc khác nhau giữa nam giới và nữ giới, giữa người lớn và trẻ em. Các dấu hiệu rụng tóc ở nam giới bao gồm: Tình trạng tóc mỏng và thưa, có một số vùng tóc không thể mọc lên được trong khi đó các dấu hiệu của rụng tóc ở nữ giới là tình trạng tóc mỏng và thưa đặc biệt là ở đỉnh đầu.
Các dấu hiệu rụng tóc ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể kể đến như:
- Một mảng tóc rụng hoàn toàn một cách đột ngột
- Rụng tóc và rụng cả lông ở các bộ phận trên cơ thể
- Tóc rụng quá nhiều nhưng không hói hoàn toàn sau khi mắc một số bệnh, điều trị bằng thuốc, giảm cân nhanh, thiếu máu hoặc căng thẳng.
2.3. Điều trị rụng tóc
Mặc dù các biện pháp điều trị chứng rụng tóc đã xuất hiện từ thời cổ đại tuy nhiên hầu hết phương pháp đều không thể điều trị dứt điểm tình trạng này. Vì mục đích thẩm mỹ, nhiều người có thể sử dụng tóc giả, vẽ lông mày và lông mi đã bị rụng.... Một số loại thuốc cũng đã được sử dụng để làm chậm quá trình rụng tóc, có thể kể đến như:
- Minoxidil: Trong một số trường hợp nhất định, chế phẩm dùng cho da này có thể khiến tóc mọc trở lại tuy nhiên hiệu quả không cao. Minoxidil thường được sử dụng cho những người còn ít tuổi mới bắt đầu có dấu hiệu hói đầu hoặc những người đã hình thành những mảng hói nhỏ. Hơn 50% số người đã từng sử dụng cho rằng minoxidil có thể làm dày tóc và giảm gãy rụng tuy nhiên nó lại không mang đến hiệu quả đối với những người đã bị hói. Tác dụng phụ của thuốc là kích ứng da nhưng ở mức độ tương đối nhẹ
- Finasteride: Ban đầu propecia trong finasteride được sử dụng với liều cao để điều trị các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt nhưng dần dần chúng được chuyển qua điều trị chứng hói đầu ở nam giới. Propecia có tác dụng kìm hãm sự sản sinh của nội tiết tố nam trong da gây ra chứng rụng tóc. Propecia được chống chỉ định sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang mang thai vì có khả năng gây ra những dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Cấy tóc: Cấy tóc là phương pháp di chuyển những vùng da đầu chứa nang tóc đang hoạt động đến các khu vực bị hói. Các thủ thuật cấy tóc tương đối phức tạp và cần thực hiện trong nhiều lần tuy nhiên hiệu quả thu được rất khả quan.
- Corticosteroid: Một số trường hợp rụng tóc có liên quan đến bệnh tự miễn có thể được khắc phục bằng các nhỏ thuốc corticosteroid tại chỗ hoặc tiêm trực tiếp steroid vào vùng da đầu bị rụng tóc. Phương pháp này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau và làm mịn vùng da tại các vị trí tiêm
- Prednison: Cũng là một loại steroid nhưng sử dụng theo đường uống là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rụng tóc tuy nhiên mang đến nhiều tác dụng phụ như tăng cân, rối loạn tiêu hóa, mụn trứng cá và rối loạn kinh nguyệt.
- Diphencyprone: Đây là một loại thuốc bôi da trong nhiều trường hợp có thể sử dụng như thuốc kích thích mọc tóc.
- Thuốc ức chế Janus Kinase: Một nhóm các loại thuốc có công dụng điều hòa miễn dịch đang được nghiên cứu và cho thấy kết quả hết sức khả quan trong điều trị chứng rụng tóc, đặc biệt là ở nam giới.
Rụng tóc là tình trạng các nang tóc bước vào trạng thái nghỉ ngơi dẫn đến việc chúng không thể hình thành nên các tế bào keratin – thành phần chính của tóc. Rụng tóc mang lại nhiều phiền toái đặc biệt về mặt thẩm mỹ. Những lý do chính dẫn tới tình trạng rụng tóc chưa được nghiên cứu cụ thể tuy nhiên có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rụng tóc như rối loạn hormone, yếu tố di truyền, chấn thương.... Việc điều trị rụng tóc cũng tương đối khó khăn tuy nhiên thời gian vừa qua, đi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương pháp điều trị mới cũng lần lượt ra đời và mang lại một số kết quả bước đầu tương đối tích cực.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, hairstetics.com, jeancoutu.com
XEM THÊM