Hiểu đúng và đủ về triệu chứng sốt ở trẻ em

Bài được viết bởi Bác sĩ Lê Văn Bình - Bác sĩ Hồi sức tích cực Nhi - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sốt là triệu chứng gặp ở rất nhiều bệnh. Sốt ở trẻ em luôn là biểu hiện được các bậc cha mẹ quan tâm, là một trong những lý do chủ yếu khiến cha mẹ hay người chăm sóc đưa trẻ đi khám, cấp cứu. Hiểu biết và định hướng đúng căn nguyên gây sốt có thể giúp cho chúng ta yên tâm chăm sóc, điều trị trẻ tại nhà hoặc cho trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế để được điều trị bệnh kịp thời.

1. Đặc điểm điều hòa thân nhiệt ở trẻ em

1.1. Sinh lý điều nhiệt của cơ thể

Cơ thể người có thân nhiệt hằng định nhờ cơ chế cân bằng giữa hai quá trình luôn diễn ra song song: Sinh nhiệt và thải nhiệt. Nhiệt lượng được tạo ra chủ yếu do quá trình chuyển hóa (giáng hóa) các chất trong cơ thể và sự hoạt động của hệ cơ. Còn quá trình thải nhiệt chủ yếu qua bức xạ, bốc hơi, đối lưu và truyền nhiệt do tiếp xúc trực tiếp. Điều hòa sự cân bằng sinh nhiệt và thải nhiệt là do trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi – nơi xác định ngưỡng thân nhiệt. Trung tâm điều nhiệt điều hòa quá trình sinh và thải nhiệt thông qua hệ thống thần kinh và thể dịch, trong đó, các nội tiết tố đóng vai trò khá quan trọng (xem sơ đồ 1).


Sinh lý điều nhiệt của động vật máu nóng.
Sinh lý điều nhiệt của động vật máu nóng.

Các nguyên nhân gây sốt như: Nhiễm trùng, bệnh thấp, bệnh ác tính, thuốc,... tác động đến cơ thể gọi là chất gây sốt ngoại sinh. Các chất này tác động vào các đại thực bào, tế bào biểu mô, tế bào lympho và các tế bào khác làm giải phóng các chất gây sốt nội sinh (IL1, IL6...) gây tăng tiết Prostaglandin E2 (PGE2). PGE2 tác động lên các neuron cảm ứng nhiệt ở vùng dưới đồi sẽ tạo ra yếu tố nội tiết tác động lên toàn bộ cơ thể để các bộ phận cơ thể tăng cường tạo nhiệt nhằm đạt được ngưỡng thân nhiệt mới.

Khi ngưỡng thân nhiệt cao (tình trạng sốt), cơ thể phản ứng để tăng thân nhiệt bằng cả hai cách là tăng tạo nhiệt và giữ nhiệt làm cho nhiệt độ cơ thể tăng để đạt ngưỡng thân nhiệt mới. Các mao mạch ngoại vi co lại để giữ nhiệt làm cho trẻ thấy rét, muốn mặc ấm. Gan tăng tạo thêm nhiệt. Nếu vẫn chưa đủ làm nhiệt độ máu qua não lên đến ngưỡng mới thì cơ cũng tăng tạo nhiệt làm cho trẻ run rẩy. Khi hết sốt, ngưỡng thân nhiệt của vùng dưới đồi hạ xuống thì quá trình ngược lại xảy ra (giãn mạch, hết run rẩy, vã mồ hôi và thân nhiệt trở về bình thường).

1.2. Đặc điểm điều hòa thân nhiệt ở trẻ em

Trung tâm điều nhiệt ở trẻ chưa hoàn thiện, dễ bị rối loạn hơn so với người lớn. Diện tích da so với trọng lượng cơ thể lớn, vì vậy, trẻ dễ mất nhiệt cũng như dễ tăng thân nhiệt hơn qua tiếp xúc và bốc hơi. Thải nhiệt qua bốc hơi (thở nhanh, mồ hôi ra nhiều,...) ở trẻ mạnh hơn. Trẻ em luôn hoạt động, vận cơ nên khả năng sinh nhiệt nhiều hơn. Trẻ em dễ có các rối loạn về nội tiết - thần kinh, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì. Trẻ có thể gặp một số bệnh bẩm sinh gây rối loạn thân nhiệt như thiểu sản tuyến mồ hôi, ngoại bì,...

2. Định nghĩa, phân loại và vai trò của sốt ở trẻ em

2.1. Định nghĩa

Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt cơ thể do rối loạn trung tâm điều nhiệt, tạo ra ngưỡng thân nhiệt bất thường. Tuy nhiên trên thực tế, ta thường xác định tình trạng sốt khi thân nhiệt tăng mà không vì các lý do sinh lý (như sau hoạt động gắng sức, thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt,...)

Thân nhiệt người lớn được coi là tăng khi trên 37,5 độ C nhưng thân nhiệt trẻ em được xác định là tăng khi nhiệt độ đo ở trực tràng từ 38 độ C trở lên (tương đương 37,6 độ C đo ở miệng và 37,4 độ C đo ở nách).

Cần phân biệt 3 trạng thái: Tăng thân nhiệt, hạ thân nhiệt và sốt.

  • Tăng thân nhiệt: Thân nhiệt đo được cao trên ngưỡng bình thường. Tình trạng này xảy ra khi nhiệt độ môi trường rất nóng làm tăng nhiệt độ của cơ thể, cơ thể phản ứng bằng cách tăng thải nhiệt và giảm tạo nhiệt để duy trì ngưỡng thân nhiệt bình thường.
  • Hạ thân nhiệt: Thân nhiệt đo được thấp dưới ngưỡng bình thường. Tình trạng này xảy ra khi nhiệt độ môi trường rất lạnh làm giảm nhiệt độ của cơ thể, cơ thể phản ứng bằng cách giảm thải nhiệt và tăng tạo nhiệt để duy trì ngưỡng thân nhiệt bình thường.
  • Sốt: Ngưỡng thân nhiệt ở mức cao (ngưỡng mới), thân nhiệt bình thường trở thành thân nhiệt thấp.

2.2. Phân loại sốt

Theo mức độ (theo nhiệt độ đo ở trực tràng) như sau:

  • Sốt nhẹ: 38,1 độ C đến 39 độ C.
  • Sốt vừa: 39 độ C đến 40 độ C.
  • Sốt cao: 40,1 độ C đến 41,1 độ C.
  • Sốt rất cao: Trên 41,1 độ C. Dù bất cứ do căn nguyên gì, sốt ở mức độ này là tình trạng cấp cứu ưu tiên vì có thể gây tổn thương não và các nội tạng, có thể gây rối loạn tri giác,...

Theo thời gian:

  • Sốt ngắn ngày, do các virus lành tính (thường tự khỏi sau 2 - 3 ngày, không cần điều trị đặc biệt).
  • Sốt kéo dài: Sốt liên tục hàng ngày từ 2 tuần trở lên.
  • Sốt dai dẳng (Concurrent fever): Sốt nhiều ngày nhưng không liên tục, có những ngày không sốt.

Theo tính chất sốt:

  • Sốt cao liên tục (sốt kiểu cao nguyên).
  • Sốt chu kỳ (như sốt rét).
  • Sốt cao dao động: Xen kẽ trong ngày có những lúc sốt cao, có những lúc không sốt.
  • Sốt làn sóng: Thân nhiệt từ từ lên cao, sau đó ít lâu lại từ từ giảm xuống đến mức bình thường. Sau một thời gian dài ngắn tùy trường hợp, sốt lại tái phát (như sốt xoắn khuẩn).
  • Sốt hồi quy: Sau mỗi đợt sốt 3 - 7 ngày, lại có một đợt không sốt, tiếp theo sau là một đợt sốt trở lại.

2.3. Vai trò của sốt

Lợi ích: Thường thì sốt là một phản ứng chống đỡ làm tăng khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng phản ứng miễn dịch (hoạt hoá các tế bào miễn dịch và các phản ứng miễn dịch, xơ hoá, tạo keo,...), tăng huy động tế bào tủy xương, tiêu diệt mầm bệnh.

Các tác dụng xấu: Thường xảy ra khi trẻ sốt cao

  • Tăng phản ứng quá mẫn, shock.
  • Tăng quá trình thoái biến, tiêu huỷ, giảm kẽm và sắt máu,...
  • Mất nước, rối loạn điện giải.
  • Có thể gây co giật do sốt.
  • Các rối loạn thần kinh khác: Nếu sốt rất cao thì có thể gây tổn thương tổ chức não, mê sảng, kích thích, ảo giác,... có thể tổn thương thực thể.
  • Chán ăn, suy kiệt.
  • Suy tim, suy hô hấp,... khi sốt cao kéo dài.

Sốt ở trẻ em có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Sốt ở trẻ em có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.

3. Các phương pháp đo thân nhiệt

Có thể đo thân nhiệt trực tiếp khi đưa các đầu dò vào mạch máu hoặc nội tạng. Thông thường, chỉ sử dụng khi bệnh nhân phải thực hiện những thủ thuật can thiệp. Trên thực tế, thân nhiệt chủ yếu được đo tại 3 vị trí thuận tiện dưới đây:

  • Đo nhiệt độ trực tràng.
  • Đo nhiệt độ miệng.
  • Đo nhiệt độ nách.

3.1. Đo nhiệt độ ở nách

  • Lau khô vùng nách.
  • Vẩy mạnh nhiệt kế sao cho mức thủy ngân ở dưới 35 độ C .
  • Đặt bầu thủy ngân vào giữa vùng hõm nách. Đọc kết quả sau 10 phút.
  • Nhiệt độ bằng hoặc trên 37,4 độ C được coi là sốt.

3.2. Đo nhiệt độ ở miệng

  • Không ăn uống ít nhất 10 phút trước khi cặp nhiệt độ.
  • Kiểm tra mức thủy ngân dưới vạch 35 độ C .
  • Đặt bầu thủy ngân ở dưới lưỡi – với trẻ nhỏ thì ở góc má, ngậm miệng lại nhẹ nhàng (tránh không cắn phải nhiệt kế). Đọc kết quả sau 5 phút.
  • Nhiệt độ bằng hoặc trên 37,6 độ C được coi là sốt.

3.3. Đo nhiệt độ đường hậu môn (nhiệt độ trực tràng)

  • Cặp nhiệt độ được đặt vào ống trực tràng (thường có loại nhiệt kế riêng). Đây là nhiệt độ phản ánh trung thực nhiệt độ cơ thể nhất. Nên thực hiện cẩn thận vì nếu thô bạo có thể làm tổn thương hậu môn hoặc ống trực tràng ở trẻ nhỏ.
  • Đọc kết quả sau 5 phút. Nhiệt độ đo được bằng hoặc trên 38 độ C được xem là sốt.

4. Các căn nguyên gây sốt thường gặp

Có một số nguyên nhân gây sốt thường gặp như:

Do nhiễm khuẩn (hay gặp nhất)

Do các bệnh máu, các bệnh ác tính.

Do các bệnh hệ thống tạo keo.

Do các căn nguyên khác: Dị ứng, thuốc, nguyên nhân thần kinh,...

4.1. Các căn nguyên thường gặp theo thời gian sốt

Sốt cấp tính:

Sốt kéo dài:

  • Các bệnh nhiễm trùng: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, lao, thương hàn, nhiễm CMV, EBV,...
  • Bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,...
  • Bệnh ác tính: Bạch cầu cấp, u lympho,...
  • Các bệnh bẩm sinh, nội tiết, di truyền: Thiểu sản tuyến mồ hôi,...
  • Bệnh khác: Viêm tắc động tĩnh mạch, dị ứng,...

Nguyên nhân sốt ở trẻ em thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân sốt ở trẻ em thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn.

5. Xử lý và chăm sóc trẻ sốt

5.1. Nguyên tắc chung

  • Cho trẻ mặc đồ thoáng, nhẹ nhàng, để trẻ nằm ở nơi thoáng mát.
  • Chườm ấm: Đặt khăn ấm, ẩm ở trán, hõm nách và bẹn của trẻ, thay khăn liên tục
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng (cháo, canh) và uống nhiều nước.
  • Thuốc hạ nhiệt không phải là giải pháp đầu tiên. Mặc dù vậy, cũng cần thiết phải hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt trên 38,5oC. Bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5 độ C.

Chú ý những điều không nên làm sau:

  • Đặt trẻ trước quạt hoặc máy lạnh.
  • Để trẻ rét run, vì điều này có thể làm nhiệt độ tăng cao hơn.
  • Đánh thức trẻ dậy để đo nhiệt độ (trừ khi trẻ ngủ quá lâu một cách bất thường).

5.2. Thuốc hạ sốt

Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên (đo tại nách), cần phối hợp với các biện pháp chăm sóc như trên.

Dùng thuốc hạ sốt đúng giúp cho trẻ tránh được các biến chứng nặng do sốt gây ra như co giật, rối loạn vận mạch và làm cho trẻ dễ chịu hơn. Đặc biệt, cần chú ý hạ sốt ở những trẻ có nguy cơ cao như trẻ mắc bệnh tim mạch, thần kinh, rối loạn chuyển hóa. Sốt > 41 độ C chứng tỏ trẻ có nguy cơ cao của nhiễm trùng nặng, rối loạn vùng dưới đồi, xuất huyết não, cần phải đặc biệt chú ý dùng liệu pháp hạ sốt.

5.2.1. Paracetamol (Acetaminophen)

  • Đường dùng: Uống, đặt hậu môn.
  • Liều lượng: 10 - 15mg/kg/lần, cách mỗi 4 - 6 giờ, tối đa 60mg/kg/24 giờ.
  • Cần đề phòng ngộ độc: Paracetamol có thể gây ngộ độc cho trẻ, làm hủy hoại tế bào gan, gây tăng men gan, hôn mê gan.

Trẻ có nguy cơ ngộ độc paracetamol khi: Dùng Paracetamol ≥ 30mg/kg/lần, hoặc ≥ 60mg/kg/24 giờ, hoặc dùng liều cao kéo dài

5.2.2. Các thuốc hạ sốt khác

  • Acetaminophen, Ibuprofen, Aspirin đều có tác dụng ức chế hypothalamic cyclooxygenase, do đó ức chế tổng hợp PGE2 và có tác dụng hạ sốt như nhau. Tuy nhiên, vì aspirin gây hội chứng Reye ở trẻ em và giảm khả năng tập trung tiểu cầu nên ít được sử dụng.
  • Ibuprofen: Có thể gây chứng khó tiêu, chảy máu dạ dày, giảm tưới máu thận, viêm màng não không nhiễm khuẩn, nhiễm độc gan. Tuy nhiên, biến chứng nặng do quá liều ibuprofen thường ít gặp. Liều dùng 5 - 10mg/kg/lần cách mỗi 6 - 8 giờ. Dùng xen kẽ paracetamol và ibuprofen mỗi 4 - 6 giờ cũng có hiệu quả tốt.

5.3. Thăm khám để xác định căn nguyên

Quan tâm đến các yếu tố dịch tễ và tiền sử khi trẻ bị sốt:

Điều này giúp cho việc định hướng các căn nguyên gây sốt ở trẻ. Nếu trẻ sống trong vùng sốt rét hoặc có đến vùng sốt rét trong vòng 6 tháng qua, cần đặt ra việc xác định nguy cơ mắc sốt rét ở trẻ. Trẻ sống trong vùng sốt xuất huyết hoặc có qua lại vùng sốt xuất huyết trong vòng 2 tuần gần đây là những thông tin quan trọng trong việc xác định nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở trẻ. Nếu trẻ đã mắc sởi trong vòng 3 tháng qua, nay xuất hiện thêm sốt thì cần phải cảnh giác với các biến chứng của sởi,... Quan tâm đến việc trẻ có được dùng thuốc trước khi xuất hiện sốt sẽ giúp cho việc có thêm thông tin để xác định căn nguyên gây sốt.

Xác định các biểu hiện đi kèm với sốt có thể định hướng chẩn đoán căn nguyên gây sốt:

  • Viêm long đường hô hấp.
  • Mệt mỏi, môi khô lưỡi bẩn.
  • Mụn nhọt hoặc các vết đốt trên da.
  • Mẩn đỏ hoặc xuất huyết.
  • Nổi hạch.
  • Đau đầu, đau xương khớp.
  • Tiêu chảy.
  • Rối loạn tiểu tiện.

Nếu có điều kiện, nên cho trẻ xét nghiệm công thức máu, CRP,... để xác định tình trạng nhiễm trùng trước khi cho điều trị đặc hiệu.


Nếu trẻ bị sốt trên 38 độ 5, bạn nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.
Nếu trẻ bị sốt trên 38 độ 5, bạn nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.

5.4. Cần phát hiện các dấu hiệu nặng để gửi đến cơ sở y tế tuyến trên

  • Không uống được hoặc bỏ bú.
  • Chân tay lạnh, mạch nhanh và khó bắt, đái ít.
  • Trẻ khó thở.
  • Nôn trớ nhiều, tiêu chảy nhiều.
  • Co giật.
  • Trẻ li bì hoặc ngủ nhiều một cách khác thường.
  • Nổi ban, mụn phỏng hoặc xuất huyết nhiều.
  • Đau đầu hoặc quấy khóc, kích thích,...

5.5. Điều trị theo căn nguyên

Cần chú ý không dùng kháng sinh nếu chưa xác định được khả năng trẻ bị nhiễm khuẩn.

5.6. Giáo dục, tư vấn và chăm sóc tại hộ gia đình

  • Hướng dẫn cho người chăm sóc trẻ cách phát hiện và xử lý ban đầu khi trẻ sốt.
  • Hướng dẫn cách đo nhiệt độ chuẩn.
  • Đối với những trẻ có tiền sử sốt giật hoặc có bệnh mạn tính, cần có hướng dẫn và theo dõi, phòng bệnh riêng.
  • Giáo dục truyền thông về tiêm chủng phòng bệnh theo lịch.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải như: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh, Vinmec sẽ mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: Gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108,... Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: Phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe