Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Hồ Thị Hồng Tho, Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Phú Quốc
Có lẽ bố mẹ cảm thấy thật mệt mỏi mỗi khi các vấn đề về hệ tiêu hoá của con không khoẻ mạnh? Vậy hôm nay bố mẹ hãy cùng con và BS Hồ Thị Hồng Tho, Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Phú Quốc khám phá về cách thức hoạt động của hệ tiêu hoá của của con, điều này sẽ giúp bố mẹ phòng ngừa cũng như xử trí hiệu quả các vấn đề tiêu hoá xảy ra ở con.
1. Hiểu về hoạt động hệ tiêu hóa ở trẻ
Bố mẹ có biết không, để một quá trình tiêu hoá của con xảy ra hoàn thiện thì con cần các bộ phận phối hợp thực hiện từng chức năng riêng, bao gồm: miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan và tụy.
Mỗi khi mẹ cho con bú, khoang miệng và lưỡi sẽ có tác dụng tương tự như một pít tông để hút sữa từ mẹ nhiều nhất có thể. Tuy nhiên khi con ở độ tuổi này, niêm mạc miệng của con khá mềm mại, khô, có nhiều mạch máu nên dễ bị tổn thương, dễ bị các bệnh nấm ở miệng.
Khi con lớn hơn một chút nữa con bắt đầu hình thành răng, răng sẽ giúp cho cắn và nghiền nát thức ăn. Bởi vậy, khi con bắt đầu mọc răng bố mẹ hãy cho con ăn thức ăn đặc và cứng tăng dần nhé.
Sau khi nhai thức ăn thật kỹ theo như hướng dẫn của bố mẹ, con sẽ nuốt thức ăn qua thực quản để xuống dạ dày. Sau đó, thức ăn bắt đầu tiếp tục quá trình tiêu hoá tại dạ dày.
Dạ dày của con sẽ có nhiều biến đổi trong quá trình phát triển của trẻ. Khi mới sinh, dạ dày của trẻ hình tròn, nằm cao và ngang. Chính vì thế, cơ dạ dày của con khi còn nhỏ phát triển yếu, nhất là cơ thắt tâm vị, dạ dày dễ bị biến dạng sau ăn trong khi cơ thắt môn vị phát triển khá tốt và đóng chặt nên trẻ rất dễ nôn trớ sau khi ăn đặc biệt trong 6 tháng đầu đời.
Sau khi dạ dày đảm nhận và thực hiện xong chức năng của mình, ruột non sẽ đón nhận các chất tiếp theo của thức ăn. Bố mẹ nhìn thấy không, ruột non của con khá dài, niêm mạc ruột có nhiều nếp nhăn, vi nhung mao và mạch máu nên con dễ hấp thu các chất dinh dưỡng nhưng sự kết nối giữa các tế bào biểu mô ruột lỏng lẻo nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh lý rối loạn tiêu hóa. Hơn thế nữa, trực tràng của con dài, cơ yếu và niêm mạc lỏng lẻo nên dễ bị sa trực tràng khi con ho nhiều, rặn nhiều.
Tiếp theo, thức ăn được tiêu hoá ở ruột nhờ tác dụng của các men trong dịch ruột, dịch tụy, mật; tuy nhiên, hàm lượng các men này ở con đều thấp hơn người lớn nên con dễ bị rối loạn tiêu hoá và kém hấp thu khi mắc bệnh.
2. Chăm sóc hệ tiêu hóa ở trẻ
Trong giai đoạn con bú mẹ và mẹ chăm sóc vệ sinh tốt thì vi khuẩn Bifidus, B.lactis aerogenes, B.acidophilus chiếm ưu thế do trong sữa mẹ có đường b lactose có tác dụng tốt đối với trực khuẩn bifidus và ức chế vi khuẩn E.coli. Còn nếu mẹ cho con bú sữa ngoài thì vi khuẩn E.coli phát triển nhiều hơn do trong sữa bò có loại đường a lactose thích hợp cho vi khuẩn E. coli phát triển. Tác dụng tích cực của lợi khuẩn là làm thành hàng rào ngăn các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, làm tăng quá trình tiêu hóa chất đạm, mỡ, đường, tham gia vào sự tổng hợp vitamin nhóm B, vitamin K.
Thêm một bộ phận nữa trong quá trình tiêu hoá của con chính là gan. Gan của con có kích thước lớn, chiếm đến 4.4% trọng lượng cơ thể. Vì cấu tạo gan của con chưa hoàn chỉnh, chính vì thế gan của con sẽ:
● Dễ bị xê dịch nếu có khối u hoặc có dịch màng phổi.
● Tổ chức gan có nhiều mạch máu, còn nhiều hốc và các tế bào phát triển chưa toàn diện.
Chức năng gan hoạt động kém, dễ có kích ứng khi trẻ bị nhiễm trùng, ngộ độc và gan ở trẻ cũng dễ bị thoái hóa mỡ.
Để bảo vệ sức khỏe cho bé toàn diện, phụ huynh nên cho bé đi khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để sớm phát hiện ra các vấn đề sức khỏe của bé, từ đó có những phương hướng can thiệp, điều trị sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.