HỆ THỐNG MIỄN DỊCH YẾU VÀ BỆNH ZONA

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Bệnh zona là gì?

Bệnh zona thần kinh còn được gọi là giời leo. Đây là bệnh lý được xem như thứ phát sau thủy đậu do virus herpes zoster (varicella-zoster virus – viết tắt là VZV). VZV là nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu ở trẻ em, tuy nhiên sau khi khỏi bệnh chúng không bị hệ thống miễn dịch của cơ thể đào thải hoàn toàn mà có thể trú ngụ bên trong các tế bào thần kinh cảm giác của cơ thể.

Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, virus có thể “thức dậy” di chuyển dọc theo các dây thần kinh cảm giác ở da và tạo nha những nốt hoặc mảng ban gây đau. Thời gian “không hoạt động” của virus có thể kéo dài đến hàng chục năm và thông thường ở cơ địa những người lớn tuổi có hệ thống miễn dịch giảm hơn so với bình thường thì virus mới có khả năng thức dậy hoạt động.

Bệnh zona có tên latin là Shingles, có nghĩa là dây thắt lưng, dây đai. Điều này có ý nghĩa là do hình dạng phân bố thường gặp của các nốt phát ban, thường có dạng dải dài dọc theo đường đi của các dây thần kinh cảm giác. Vị trí chủ yếu bắt đầu ở lưng, ngực và mặt của bạn và lan sang phần còn lại của cơ thể.


Bệnh zona có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể
Bệnh zona có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể

Triệu chứng điển hình của zona là đau tại cái vị trí tổn thương và thường xuất hiện ở một bên của cơ thể. Những người lớn tuổi, bị ung thư, HIV hoặc có cấy ghép mô làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên rất dễ bị zona. Vì vậy, có sự liên quan mật thiết giữa sự đáp ứng miễn dịch với sự tái hoạt động của VZV gây bệnh zona.

2. Yếu tố nguy cơ của bệnh zona là gì?

Nguyên nhân chính xác về cơ chế tái hoạt của VZV vẫn chưa được biết chính xác nhưng thường liên quan đến các yếu tố chính như:

  • Căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên.
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch do các nguyên nhân như: lão hóa, bệnh mãn tính, nhiễm trùng hoặc do thuốc như corticosteroid kéo dài.
  • Các liệu pháp điều trị chống ung thư như hóa trị, xạ trị.
  • Da tại vùng virus cư trú bị tổn thương tạo điều kiện giúp virus tái hoạt.

Quá trình xạ trị có thể tăng nguy cơ mắc bệnh zona
Quá trình xạ trị có thể tăng nguy cơ mắc bệnh zona

3. Đáp ứng miễn dịch của VZV và cơ chế gây bệnh Zona.

Các virus khi xâm nhập vào tế bào vật chủ sẽ bị hệ miễn dịch phát hiện do chúng tổng hợp protein của chính mình, các phân mảnh kháng nguyên sẽ được trình diện lên màng tế bào của vật chủ. Khi đó, các tế bào bạch cầu đặc biệt là các tế bào APC, các tế bào B và T sẽ có thể phát hiện được thông qua các thụ thể chuyên biệt.

Để gây bệnh, một virus phải sinh sản, tạo ra protein của nó và nhanh chóng tái bản do đó không khó khăn để tế bào lympho T phát hiện. Tuy nhiên, một số virus khi xâm nhiễm vào cơ thể lại hoạt động dưới dạng “âm ỷ” – có nghĩa là các virus này không thực hiện hoạt hóa phiên mã để tạo protein. Quá trình nhiễm tiềm tàng này sau này có thể được tái hoạt động và gây bệnh khi có điều kiện thích hợp như hệ thống miễn dịch bị suy giảm.

Virus Herpes là một virus hoạt động theo cơ chế này. Virus VZV, là nguyên nhân của bệnh zona, nhiễm bệnh ở tế bào biểu mô và lan rộng vào các tế bào thần kinh cảm giác, lan nhanh khi bị nhiễm. Sau khi hệ miễn dịch đáp ứng miễn dịch có hiệu quả với khu biểu mô, các virus vẫn tồn tại dai dẳng ở trạng thái âm ỷ ở tế bào thần kinh cảm giác. Khi có các yếu tố làm dễ như tổn thương tại tế bào da, sự nhiễm khuẩn da, hay sự thay đổi các phản ứng hormone có thể tới tái phát bệnh.

Lúc này đáp ứng miễn dịch được kích hoạt và điều hòa trở lại các vùng bị nhiễm bằng cách giết chết các tế bào biểu mô, tạo ra các vị trí đau mới. Chu kỳ này được lặp lại liên tục trong nhiều lần.


Virus Herpes gây ra bệnh zona và tồn tại âm ỷ ở tế bào thần kinh cảm giác
Virus Herpes gây ra bệnh zona và tồn tại âm ỷ ở tế bào thần kinh cảm giác

Có hai lý do tại sao hệ thần kinh cảm giác là nơi cư ngụ của VZV. Đầu tiên, các virus VZV tồn tại dưới trạng thái không hoạt động trong hệ thần kinh và do vậy chỉ một số hay không có protein virus trình diện MHC lớp I trên màng tế bào.Thứ hai, hệ thần kinh mang ít phân tử MHC lớp I, chính điều này làm cho việc các tế bào CD8 T khó khăn khi nhận ra các tế bào nhiễm bệnh và tấn công chúng. Biểu hiện mức độ MHC lớp I thấp có lợi vì chúng làm giảm mức độ ảnh hưởng tới hệ thần kinh, vì ta biết các tế bào thần kinh thì không có khả năng sinh sản và thật nguy hiểm khi nó sẽ bị tấn công bởi tế bào CD8 T. Và nó cũng làm cho hệ thần kinh thường xuyên bị tổn thương khi bệnh mãn tính.

Đa số bệnh nhân mắc bệnh zona không phải do tiếp xúc với người đã bị nhiễm bệnh mà là do sự tái hoạt hóa của virus tiềm ẩn. Sau khi nhiễm lần đầu varicella – zoster, chúng di chuyển đến hệ thần kinh tủy sống và tiềm ẩn trong hệ thần kinh tủy sống. Khi tái hoạt hóa (thường là nhiều năm sau đó), virus di chuyển đến da để gây ban.

Biến chứng nặng nề của bệnh zona là đau do viêm dây thần kinh sau nhiễm. Cũng như bệnh thủy đậu, bệnh zona ở bệnh nhân rối loạn miễn dịch sẽ nặng hơn so với người bình thường. Song những người khi còn nhỏ đã bị bệnh thì sẽ được miễn dịch trong thời gian rất lâu. Khi cơ thể stress, suy nhược thần kinh, lo lắng, trong thời gian chữa bệnh, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hay khi hệ miễn dịch hoạt động yếu thì có thể tái phát bệnh, bệnh sẽ lan xuống theo hệ thần kinh và biểu hiện ở khắp da. Quá trình tái phát bệnh này cũng giống như lần phát bệnh trước đó, các vùng da như thủy đậu lan rộng trên bề mặt da.

3. Các triệu chứng của bệnh zona?

Trước khi thấy được những mẩn đỏ, bệnh nhân có thể có cảm giác đau rát và nhạy cảm vùng da trước đó vài ngày đến 1 tuần. Bệnh zona khởi đầu là những mụn rộp (mụn nước) trên nền da màu đỏ, những mụn nước mới tiếp tục hình thành từ 3-5 ngày. Mụn nước này thường đi theo đường dây thần kinh của tuỷ sống.

Toàn bộ dây thần kinh liên quan có thể bị, hay những vùng khác không có liên quan đến phân bố dây thần kinh cũng có thể bị. Thường thì bệnh zona chỉ ăn theo một dây thần kinh, hiếm khi bị nhiều hơn một dây thần kinh.

Phụ thuộc vào vị trí của dây thần kinh cảm giác mà VZV đã cư ngụ mà các triệu chứng phát ban và phỏng nước sẽ xuất hiện. Vì vậy, bệnh Zona có thể xuất hiện ở nhiều khu vực, thông thường ở phần lưng, ngực, cánh tay và mặt.

Tăng cảm giác da hoặc cảm giác đau ở một vị trí da nhất định, thường đau dọc theo đường đi của dây thần kinh. Đây là những triệu chứng đầu tiên của bệnh zona. Sau đó, có thể xuất hiện cảm giác ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói. Sau một đến ba ngày, các dải ban đỏ bắt đầu nổi lên sẽ nổi lên, tấy đỏ, có các nốt phồng nước tại vị trí đau. Cuối cùng, nốt phỏng sau đó sẽ tụ mủ hoặc các mụn nước này vỡ ra, bề mặt bên trên khô đi và hoá sẹo. Quá trình này có thể kéo dài 3-4 tuần từ khi bắt đầu bị bệnh đến khi khỏi. Thỉnh thoảng, đau vẫn còn mặc dù không bao giờ nhìn thấy mụn nước, làm dễ lầm lẫn với nguyên nhân đau tại chỗ.


Đau ở vị trí zona là triệu chứng phổ biến của bệnh zona
Đau ở vị trí zona là triệu chứng phổ biến của bệnh zona

4. Các biến chứng của bệnh zona

Zona thường sẽ tự khỏi và ít để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó, mụn nước có thể bị nhiễm thêm một loại vi khuẩn sẽ gây ra nhiễm trùng da thứ phát, vùng da trở nên đỏ hơn, nóng, sưng bóng lên và rất đau.

Bạn cũng có thể thấy vệt màu đỏ xung quanh vết thương. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, bạn hãy liên hệ đến bác sĩ của bạn để được chăm sóc. Kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị trong những trường hợp này.

Một biến chứng nữa cũng làm cho người bệnh lo lắng là khi bị zona ở mặt, đặc biệt ở trán và mũi. Trong những trường hợp này, zona có thể làm giảm thị lực. Nếu bạn bị zona ở trán hay ở mũi thì bạn cũng cần được chăm sóc y tế. (xem thêm: Bệnh zona ở mặt và những điều cần biết)


Zona ở vị trí mắt có thể gây biến chứng giảm thị lực
Zona ở vị trí mắt có thể gây biến chứng giảm thị lực

5. Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Khi có các triệu chứng đau hoặc nổi ban có dạng dải dài ở một bên của cơ thể. Bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì những thuốc kháng virus chỉ hiệu quả khi được sử dụng sớm.

  • Nếu vết ban và vết phồng nổi lên ở mũi hoặc gần mắt, bạn cần phải đi khám ngay lập tức vì virus có thể lan đến mắt làm tổn thương thần kinh thị giác và thậm chí gây mù.
  • Đối với những bệnh nhân có tình trạng suy giảm sức miễn dịch của cơ thể thì cần đến khám ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình đang bị mắc zona đề phòng tránh được các biến chứng này.

Bạn cần đến ngay phòng cấp cứu nếu như có các dấu hiệu:

  • Bệnh Zona kèm với sốt cao hoặc mệt mỏi.
  • Vết phồng lan ra nhiều khu vực của cơ thể.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe