Phản ứng sợ hãi ở trẻ em là một cảm xúc bình thường, nó giúp trẻ thận trọng với những điều mới, ồn ào, to lớn, hoặc khác biệt. Tuy nhiên, nếu trẻ hay hoảng sợ thì cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi và cách khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt.
1. Trẻ hay sợ hãi điều gì?
Trẻ thường có tâm hồn ngây thơ, trong sáng nên những điều mới, ồn ào có thể khiến trẻ bị sợ hãi.
Một số nỗi sợ hãi phổ biến theo độ tuổi nhất định ở trẻ có thể kể đến như:
- Trẻ từ 5 -12 tháng tuổi thường hay sợ những đồ vật tiến về phía mình và những tiếng động đột ngột. Trẻ cũng sợ người lạ, có thể khóc, bám vào bố mẹ để cảm thấy an toàn.
- Trẻ mới biết đi thường cảm thấy lo lắng về sự chia ly. Vào khoảng thời gian từ 10 tháng cho đến 2 tuổi, nhiều trẻ bắt đầu sợ phải xa cách bố mẹ. Trẻ không muốn bố mẹ đưa đi nhà trẻ hoặc đi ngủ. Trẻ có thể khóc, bám lấy và cố gắng ở gần cha mẹ.
- Đối với trẻ em từ 3 - 6 tuổi thường có nỗi sợ hãi về động vật như chó, mèo, rắn, bóng tối và quái vật. Ở giai đoạn này, không phải lúc nào trẻ cũng có thể phân biệt được đâu là hiện thực và đâu là tưởng tượng. Đối với trẻ, những con quái vật đáng sợ mà trẻ đang tưởng tượng dường như có thật. Trẻ sợ những gì có thể nằm dưới gầm giường hoặc trong tủ quần áo. Nhiều trẻ sợ bóng tối khi đi ngủ, một số trẻ lại sợ những giấc mơ. Trẻ nhỏ cũng có thể sợ những tiếng động lớn như tiếng sấm sét hoặc pháo hoa.
- Những đứa trẻ lớn hơn thường hay sợ những nguy hiểm trong cuộc sống. Với trẻ từ 7 tuổi trở lên, những suy nghĩ về quái vật dưới gầm giường không thể khiến trẻ sợ vì bé biết chúng không có thật. Nhưng trẻ có thể sợ hãi khi “kẻ xấu” đột nhập vào nhà, trẻ cũng có thể cảm thấy sợ hãi về những thảm họa thiên nhiên mà bé nghe được. Trẻ sợ bị thương, sợ bệnh tật hoặc mất người thân. Trẻ cũng có thể cảm thấy lo lắng về bài tập, điểm số hoặc sự hòa nhập với bạn bè.
- Trẻ 10 - 12 tuổi thường sợ độ cao, sợ sự tức giận của bố mẹ, sợ việc học tập, sợ mối quan hệ bạn bè và khả năng xảy ra thảm họa.
Thanh thiếu niên lớn hơn thường có xu hướng bày tỏ nỗi sợ hãi về những thay đổi trong cơ thể, ngoại hình của bản thân, sợ sự cô lập, tình dục và các sự kiện trên thế giới. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi bắt đầu tham gia môi trường mới, khi tham gia một kỳ thi lớn hoặc những trò chơi mang tính chất thử thách.
2. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ hay hoảng sợ?
Khi trẻ sợ hãi, cha mẹ có thể giúp trẻ bằng những điều sau đây:
- Hãy an ủi những đứa trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi hoặc trẻ nhỏ bằng cách nói với trẻ: “Không sao đâu, con an toàn rồi, bố/mẹ ở đây.” Bạn hãy cho trẻ biết bạn đang ở bên cạnh để bảo vệ trẻ. Bạn cần giúp trẻ làm quen với người lạ khi bạn bế bé. Hãy ôm trẻ và thủ thỉ những lời dịu dàng để giúp trẻ cảm thấy an toàn.
- Với trẻ lớn hơn, bạn hãy lắng nghe và trao đổi về điều trẻ đang gặp phải, giúp trẻ diễn đạt cảm xúc của bản thân và đưa ra gợi ý để trẻ vượt qua điều đó.
- Hãy để trẻ xa bố mẹ trong một thời gian ngắn. Khi bạn tạm chia tay trẻ, hãy nói bạn sẽ quay lại, mỉm cười và ôm trẻ. Hãy để trẻ cảm nhận bạn luôn quay trở lại.
- Đối với đứa trẻ sợ bóng tối, bạn hãy chuẩn bị thói quen đi ngủ lành mạnh. Bạn có thể đọc truyện hoặc hát cho trẻ nghe. Hãy để cho trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương.
- Giúp trẻ từ từ đối mặt với nỗi sợ: Như việc bạn cùng trẻ kiểm tra những con quái vật dưới gầm giường. Khi có bạn ở bên để hỗ trợ, hãy để trẻ tự quan sát, giúp trẻ cảm nhận được sự can đảm của mình. Dù bạn làm gì, cũng không nên ép trẻ phải đối mặt với nỗi sợ, trừ khi trẻ muốn làm điều đó.
- Kiểm soát những hình ảnh, phim hoặc chương trình mà trẻ xem. Những nội dung đáng sợ có thể gây ra nỗi sợ cho trẻ.
- Giúp trẻ em và thanh thiếu niên học cách chuẩn bị đối mặt với các thử thách như bài kiểm tra hoặc báo cáo trước lớp học. Hãy cho trẻ biết bạn tin tưởng vào trẻ.
Hầu hết trẻ em ứng phó với nỗi sợ bằng sự hỗ trợ của bố mẹ. Khi lớn lên, trẻ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi khi còn nhỏ. Một số trẻ có thể gặp khó khăn và cần được giúp đỡ nhiều hơn với nỗi sợ. Nếu nỗi sợ hãi nghiêm trọng hoặc khiến trẻ không thể tham gia những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn lo âu. Cha mẹ cần trao đổi để nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia tâm lý nếu nỗi sợ của trẻ khiến cho:
- Trẻ rất khó chịu hoặc nổi cơn thịnh nộ.
- Trẻ không muốn đi học, trẻ gặp ác mộng, không dám ngủ một mình.
- Trẻ có các triệu chứng về thể chất như là đau đầu, đau bụng hoặc tim đập nhanh hoặc trẻ cảm thấy khó thở,...
Trẻ hay hoảng sợ có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ. Vì thế, khi trẻ sợ hãi cha mẹ hãy áp dụng các cách trong bài viết trên để xoa dịu cho trẻ, dần dần dạy trẻ cách đối mặt với sự sợ hãi, tăng thêm niềm tin, đảm bảo tâm lý tốt hơn cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.