Nhiều bệnh nhân thường có cảm giác tê rần ở da đầu, gây khó chịu, giảm khả năng tỉnh táo và sự tập trung. Hiện tượng tê da đầu xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm.
1. Bị tê đầu là bệnh gì?
Tê bì là hiện tượng da bị tê rần nhưng vẫn còn cảm nhận được với các kích thích. Tê bì là một triệu chứng rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều bệnh lý khác nhau. Thông thường, tê có thể khởi phát rất nhẹ nhàng như tê rần ở các đầu ngón tay, cảm giác như châm chích.
Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở đỉnh đầu hoặc một nửa đầu (kèm theo nhức đầu hoặc không), khiến bệnh nhân có cảm giác tê rần ở da đầu. Đôi khi bệnh nhân cũng có thể bị tê luôn một vùng mặt, mất khả năng biểu đạt cảm xúc do tổn thương thần kinh.
Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tê đầu, bao gồm:
- Thiểu năng tuần hoàn não
- Rối loạn do mất myelin
- Chèn ép cơ học dây thần kinh (ví dụ do khối u)
- Nhiễm trùng
- Chất độc hoặc các loại thuốc (ví dụ, kim loại nặng, một số loại thuốc hóa trị liệu)
- Rối loạn chuyển hóa (ví dụ như đái tháo đường, thiếu vitamin)
- Các bệnh thoái hóa thần kinh
- Tổn thương dây thần kinh.
2. Cách để phòng ngừa tê đầu
Đầu bị tê, đau nhức sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó nên điều trị càng sớm càng tốt.
Việc điều trị tê đầu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Bệnh nhân có thể phòng ngừa và cải thiện tình trạng này bằng cách chủ động thay đổi lối sống và áp dụng một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên bổ sung các nguyên tố vi lượng, protein, vitamin, sắt để hỗ trợ tạo máu và ăn thêm các loại thịt, gan, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả tươi...
- Tăng cường các hoạt động thể lực, luyện tập yoga, dưỡng sinh, thiền, đi bộ, bơi lội để hỗ trợ máu lưu thông lên não dễ dàng hơn.
- Dành nhiều thời gian thư giãn, loại bỏ những vấn đề khiến đầu óc căng thẳng, giải tỏa áp lực để giúp giảm tăng sinh gốc tự do phá hoại mạch máu não, làm chậm quá trình thoái hóa của hệ thần kinh.
- Bệnh nhân có thể sử dụng các loại dược thảo có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, châm cứu, massage để điều trị triệu chứng tê da đầu rất hiệu quả.
Tóm lại, tê da đầu có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Nếu tình trạng tê da đầu không thuyên giảm hoặc nặng hơn sau khi bệnh nhân đã điều chỉnh lối sống, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.