Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hàm duy trì là 1 khí cụ được bác sĩ yêu cầu người sau khi tháo niềng răng. Hàm duy trì có tác dụng để đảm bảo sự ổn định tại vị trí mới của răng, tránh bị xô lệch và trở về vị trí ban đầu. Tùy vào từng tình trạng mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân đeo các loại hàm duy trì phù hợp.
1. Vì sao cần phải đeo hàm duy trì sau niềng răng?
Sau khi kết thúc giai đoạn niềng răng, bác sĩ vẫn yêu cầu cần phải đeo máng duy trì một thời gian nữa bởi vì răng và xương hàm sau khi niềng răng xong, phải trải qua sự tác động rất lớn để điều chỉnh, tổ chức quanh răng chưa ổn định chắc chắn, cố định, chúng rất dễ bị dây chằng có xu hướng lôi kéo về vị trí ban đầu .
Hơn nữa, mô nướu và mô nha chu vẫn cần thêm thời gian để tổ chức lại cấu trúc sau khi niềng răng. Do đó, cần phải dùng 1 khí cụ nhằm giữ nguyên vị trí của răng tại thời điểm tháo mắc cài niềng răng để duy trì kết quả đó.
2. Hàm duy trì có mấy loại?
Duy trì có hai phương pháp:
- Duy trì cố định: dùng đoạn thanh kim loại hoặc dây duy trì gắn vào mặt trong răng ( duy trì mặt lưỡi) bằng Composite. Tuy nhiên trường hợp duy trì này không phải ca lâm sàng nào cũng làm được vì nó phụ thuộc vào khớp cắn của khách hàng.
- Duy trì tháo lắp, khách hàng sẽ được lấy mẫu và gửi xưởng để làm hàm tháo lắp, hàm tháo lắp có thể dạng máng trong suốt hay dạng nhựa dẻo kết hợp cung kim loại ôm cung răng.
Ưu điểm của hàm duy trì cố định
Khách hàng được cố định liên tục, không bị quên mang theo, quên sử dụng.
Nhược điểm của hàm duy trì cố định:
- Không phải trường hợp nào cũng làm được hàm cố định.
- Luôn gắn chặt nên khó vệ sinh các kẽ răng, dễ dẫn đến sâu kẽ nếu không biết cách vệ sinh tốt.
- Không được cắn trực tiếp vào vùng mang dây duy trì nó sẽ gây bong ( do cơ chế dán dính nên có nguy cơ bong cao).
3. Hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt
Bác sĩ Chỉnh nha sẽ kiểm tra, lấy mẫu hàm và gửi Labo răng giả sẽ ép cho khách hàng hai hàm đeo duy trì.
Hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt đem lại tính thẩm mỹ cao, rất phù hợp cho đối tượng người đi làm, đi học do khay là nhựa trong suốt, khó phát hiện, có thể tự tin đeo máng trong suốt 24 giờ mà không lo ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt còn có thể tháo lắp dễ dàng, nên dễ dàng vệ sinh răng miệng và vệ sinh hàm.
Khi ăn nhai được tháo hàm ra nên ăn nhai thoải mái.
Nhược điểm của hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt cũng chính từ ưu điểm dễ dàng tháo lắp do người đeo có thể quên đeo làm ảnh hưởng tới kết quả. Do vì tính trong suốt nên khi ăn nhai quên bỏ hàm ra dẫn đến gãy vỡ và cần làm lại nên tốn về kinh tế.
4. Hàm duy trì tháo lắp kim loại
Ưu điểm: Hàm duy trì tháo lắp kim loại được làm bằng kim loại. Loại hàm này giống hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt là có thể dễ dàng tháo lắp, nên khi ăn nhai sẽ dễ dàng, dễ dàng vệ sinh răng miệng và hàm duy trì.
Nhược điểm : Kém tính thẩm mỹ hơn do lộ dây cung kim loại ra mặt ngoài cung răng.
- Do có khả năng tháo ra nên khách hàng có thể quên đeo, nếu quên sảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng kết quả sau điều trị.
- Khách hàng quên tháo ra khi ăn nhai nên có thể gây tình trạng gãy, vỡ hàm. Việc làm lại có thể tốn thêm về kinh tế.
Hàm duy trì kim loại rất hữu ích cho những cho mọi trường hợp chỉnh nha vì nó quyết định duy trì kết quả điều trị lâu dài cho bệnh nhân, tránh tái phát.
Tùy với lâm sàng bệnh nhân, kinh tế bệnh nhân mà Bác sĩ quyết định dùng duy trì loại gì.
5. Cần phải đeo hàm duy trì trong bao lâu?
Thông thường, bệnh nhân cần đeo máng duy trì gần như là mãi, có điều thời gian càng xa bệnh nhân có thể đeo ngắn thời gian hơn ( ví dụ tuần đeo hai buổi tối).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.