Viêm hạch là hiện tượng các hạch lympho bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Bệnh lý này có thể điều trị được điều trị khỏi bằng kháng sinh hoặc kháng viêm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì có thể gây ra các tình trạng như nhiễm trùng huyết hoặc suy nội tạng.
1. Hạch viêm là gì?
Viêm hạch là một tình trạng bệnh lý xuất hiện do các hạch lympho của hệ bạch huyết bị nhiễm trùng. Trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, hạch lympho đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra các kháng thể giúp cơ thể chống lại với các tác nhân xâm nhập là các siêu vi hoặc vi trùng. Một khi các tác nhân này tấn công vào các hạch lympho thì các phản ứng viêm và tình trạng viêm hạch cũng từ đó mà xuất hiện.
Hạch lympho nằm rải rác nhiều nơi trong toàn bộ cơ thể, tuy nhiên, các hạch bị viêm thường nằm ở các vị trí như cổ, nách và bẹn. Viêm hạch có thể là kết quả của các nhiễm khuẩn ở các vùng xung quanh ví dụ như hạch cổ bị viêm do mũi hoặc ổ răng bị viêm. Ngoài ra, tình trạng viêm hạch cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý ác tính đang tiềm ẩn trong cơ thể.
2. Dấu hiệu của viêm hạch
Viêm hạch xuất hiện với các dấu hiệu ban đầu là sự xuất hiện của khối cứng, đau ở vùng bị viêm, đôi khi viêm hạch có thể gây ra tình trạng sốt cho cơ thể.
Hạch có thể bị viêm cấp nếu bệnh nhân mắc một số bệnh truyền nhiễm như bạch cầu, sởi, dịch hạch thể hạch, xoắn khuẩn lepto và tăng bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm.
Nhìn chung, ở trẻ em thì các ca viêm hạch thường là hạch lành tính do nhiễm vi khuẩn, vi rút nên hạch thường mềm hoặc chắc, kích thước nhỏ, phát triển chậm. Hạch ác tính thường hay gặp ở đối tượng là người lớn tuổi và hạch thường rắn hoặc chắc, kém di động, hay có hạch ở sâu, phát triển nhanh.
Nếu bị viêm hạch bạch huyết thì cơ thể có thể có các vệt đỏ kéo dài từ vị trí chấn thương đến các khu vực có nhiều tuyến bạch huyết, chẳng hạn như nách hoặc háng.
Các triệu chứng khác viêm hạch này có thể bao gồm vết thương khó lành, sức khỏe không tốt, ốm yếu., sốt, ớn lạnh, đau đầu, sưng gần khu vực chấn thương, ở háng hoặc nách
3. Điều trị viêm hạch
Cũng giống như cách thức điều trị của các chứng viêm khác, viêm hạch có thể được chữa khỏi bằng cách uống thuốc kháng sinh hoặc tiêm tĩnh mạch. Nếu các hạch bị sưng có mủ thì có thể cần được rạch dẫn lưu các ổ viêm.
Thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng để giảm các cơn đau do viêm hạch gây ra. Ngoài ra, người bị viêm hạch có thể giảm đau bằng cách chườm nóng tại nhà 3 lần mỗi ngày. Chườm nóng sẽ thúc đẩy lưu lượng máu và hỗ trợ quá trình chữa bệnh.
Các trường hợp viêm hạch phản ứng thì chỉ cần dùng kháng viêm và giảm đau kết hợp uống nhiều nước thì hạch sẽ nhỏ lại.
Cắt bỏ hạch có thể sẽ được áp dụng nếu nó gây ra tình trạng tắc nghẽn
Nếu người bị viêm hạch là trẻ nhỏ và đang sốt cao, thì việc đầu tiên cần làm là hạ sốt cho trẻ trước khi đưa trẻ đi khám để tránh trường hợp trẻ sốt cao quá có thể gây co giật. Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C, khó nuốt hoặc khó thở, hạch to nhanh và căng bóng như sắp vỡ thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khẩn cấp.
Trẻ bị viêm hạch cần được uống nhiều nước đặc biệt là các loại nước có nhiều vitamin như cam, chanh để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Kích thước đường kính của hạch cần được theo dõi sát sao. Nếu các phương pháp điều trị không có kết quả thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị chính xác. Nếu điều trị không hiệu quả, thì cơ thể sẽ xuất hiện nhiều vết đỏ, vết thương có thể trở nên tồi tệ hơn
Sau quá trình điều trị, người bị viêm hạch có thể cần mất vài ngày hoặc vài tháng để phục hồi. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý cũng như thể trạng của người bệnh, trẻ nhỏ và người già có thể mất nhiều thời gian hơn để khôi phục
4. Nguyên nhân gây ra viêm hạch
Viêm hạch xuất hiện khi cơ thể bị các vi khuẩn hoặc virus xâm nhập qua vết cắt hoặc vết thương trên da hoặc phát triển từ nhiễm trùng hiện có như nhiễm liên cầu khuẩn cấp tính hoặc nhiễm trùng tụ cầu khuẩn.
Viêm hạch cũng có thể xảy ra nếu hiện tượng nhiễm trùng da nghiêm trọng xảy ra
Một số tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ viêm hạch như mắc bệnh tiểu đường, bị suy giảm miễn dịch, hoặc mất chức năng miễn dịch, lạm dụng steroid trong thời gian dài, bị thủy đậu
Ngoài ra, viêm hạch cũng có thể xảy ra do các bệnh lý khác như một số bệnh ung thư như ung thư vú, phổi, dạ dày, tuyến tụy, trực tràng và tuyến tiền liệt, bệnh Crohn gây ra.
Bệnh viêm hạch nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các hiện tượng bệnh lý khác như: Viêm mô tế bào, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như cơn đau ngày càng tăng hoặc đỏ tại vị trí nhiễm trùng, xuất hiện mủ hoặc dịch ở các hạch, sốt trên 38,3°C trong hơn 2 ngày thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.