Giảm phù chân khi mang thai những tháng cuối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Văn Lịnh - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc và Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Lâm Khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Giảm phù chân khi mang thai những tháng cuối là điều mà hầu hết các thai phụ quan tâm, bởi chúng không chỉ gây ra tình trạng khó chịu mà còn có thể là nguyên nhân báo hiệu một số bệnh lý.

1. Phù chân khi mang thai?

Phù chân khi mang thai là hiện tượng bình thường, mặc dù gây khó chịu cho nhiều thai phụ. Khi mang thai, chất lỏng dư thừa trong cơ thể và áp lực từ tử cung đang phát triển có thể gây sưng (hoặc phù) ở mắt cá chân và bàn chân của thai phụ. Sưng phù có xu hướng trở nên nặng hơn khi càng gần ngày lâm bồn.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nồng độ hoóc môn progesterone tăng nhanh làm chậm quá trình tiêu hóa của thai phụ. Điều này có thể gây đầy hơi bụng trước khi bạn bị phù nhiều. Bạn có thể nhận thấy có bọng mắt ở tay, chân hoặc mặt, nhưng không nhiều. Nếu bạn nhận thấy hiện tượng sưng phù xuất hiện sớm, đặc biệt là nếu kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, đau đầu hoặc chảy máu thì nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu từ tuần thứ 14 của thai kỳ, lúc này thai phụ bắt đầu nhận thấy bàn chân sưng phù vào khoảng tháng thứ năm của thai kỳ, đặc biệt là nếu đi lại nhiều hoặc thời tiết nóng. Hiện tượng phù xảy ra do lượng máu và chất lỏng trong cơ thể tăng lên. Mặc dù điều này khiến cho bạn cảm thấy khó chịu nhưng việc tăng lượng chất lỏng sẽ giúp làm mềm cơ thể của bạn và chuẩn bị tốt cho việc sinh nở.


Tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai tháng cuối
Tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai tháng cuối

Tam cá nguyệt thứ ba bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ, đây là khoảng thời gian mà mẹ bầu sẽ thường bị phù chân nhiều nhất, lúc này cơ thể thai phụ đang tiếp tục được cung cấp máu và chất lỏng. Tử cung cũng ngày càng nặng hơn khi thai nhi đang lớn lên, điều này có thể làm chậm lưu lượng máu từ chân trở về tim. Tuy nhiên không phải là tình trạng nghiêm trọng nên thai phụ không nên quá lo lắng.

Các yếu tố khác có thể là nguyên nhân gây sưng phù chân khi mang thai như:

  • Thời tiết nóng
  • Chế độ ăn uống không hợp lý
  • Sử dụng caffein
  • Không uống đủ nước
  • Đứng quá lâu

2. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Phù chân khi mang thai những tháng cuối là hiện tượng sinh lý bình thường của thai kỳ mà rất nhiều bà bầu gặp phải tình trạng này, đây được xem như một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn phải trải qua nhiều khó khăn để chuẩn bị thiên chức làm mẹ.

Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, việc bị sưng phù chân cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hơn. Một trong số đó là tiền sản giật, đây là tình trạng có thể xuất hiện trong thai kỳ và gây ra huyết áp cao nguy hiểm.

Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường như:

  • Sưng đột ngột ở tay, chân, mặt hoặc quanh mắt
  • Sưng phù nặng hơn
  • Chóng mặt hoặc mờ mắt
  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở

Bà bầu bị đau đầu dữ dội nên đến gặp bác sĩ
Bà bầu bị đau đầu dữ dội nên đến gặp bác sĩ

Nếu bạn bị sưng, phù chỉ một bên chân kèm theo đau, nóng, đỏ, điều này có thể là dấu hiệu bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là hiện tượng cục máu đông thường xảy ra ở chân, bạn cần đi khám ngay nếu nhận thấy những triệu chứng này vì phụ nữ mang thai có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn so với người bình thường.

Trắc nghiệm: Tìm hiểu về tình trạng tê tay khi mang thai tháng cuối

Bà bầu bị tê chân tay thường không phải vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Bài trắc nghiệm sau sẽ phần nào giúp mẹ bầu nhận biết cũng như có hướng xử trí thích hợp khi gặp phải tình trạng này.

3. Làm gì để giảm phù chân khi mang thai?

Phù chân có thể gây đau hoặc không, nhưng chắc chắn chúng sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Có một số cách đơn giản để làm giảm bớt các triệu chứng của phù chân thai kỳ như:

  • Giảm tiêu thụ muối: Một cách để giảm phù khi mang thai là giảm lượng muối trong thức ăn, muối là nguyên nhân khiến cơ thể bạn tích nhiều nước hơn, nên tránh sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn vì chúng chứa hàm lượng muối cao, sử dụng các loại thảo mộc thơm như hương thảo, húng,.. là một cách dễ dàng để tăng hương vị vào công thức nấu ăn của bạn mà không cần sử dụng nhiều muối.
  • Tăng lượng kali: Không cung cấp đủ kali cũng có thể khiến phù nề nặng hơn, kali giúp cơ thể cân bằng lượng chất lỏng, bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn như khoai tây, khoai lang (ăn cả vỏ), chuối, rau chân vịt, các loại đậu, nước ép trái cây (mận, lựu, cam, cà rốt, chanh dây), sữa chua, củ cải đường, cá hồi, đậu lăng.
  • Hạn chế sử dụng caffein: Mặc dù thỉnh thoảng sử dụng cafe khi mang thai không có hại nhưng nếu uống quá nhiều có thể khiến tình trạng phù nặng hơn. Caffeine là một chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, điều đó khiến cho cơ thể bạn nghĩ rằng nó cần phải giữ chất lỏng nhiều hơn.
  • Uống nhiều nước hơn: Nghe có vẻ kỳ lạ khi uống nhiều nước hơn để chống phù, nhưng điều này thực sự có tác dụng. Nếu cơ thể bạn bị mất nước, nó sẽ giữ nước nhiều hơn bù vào lượng nước bị thiếu. Vì vậy, hãy cố gắng uống ít nhất 10 ly nước mỗi ngày để giúp cho thận thải trừ những chất độc và cơ thể bạn luôn đủ nước.

Mẹ bầu cố gắng uống 10 ly nước mỗi ngày
Mẹ bầu cố gắng uống 10 ly nước mỗi ngày
  • Kê cao chân và nghỉ ngơi hợp lý: mặc dù khi mang thai bạn có hàng trăm việc phải hoàn thành để chào đón em bé ra đời nhưng hãy cố gắng dành thời gian để ngồi và kê chân lên cao bất cứ khi nào có thể. Ngồi quá lâu hay đứng quá lâu đều không tốt cho việc lưu thông máu trong cơ thể. Bạn hãy ngồi và nâng cao chân trong một khoảng thời gian ngắn, đặc biệt vào cuối ngày, để giúp lưu thông lượng chất lỏng đã dồn vào chân bạn suốt cả ngày.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái: Mặc quần áo chật, đặc biệt là quanh cổ tay, thắt lưng và mắt cá chân, có thể làm cho sưng nặng hơn do máu khó lưu thông. Cố gắng mặc quần áo rộng, thoải mái - hoặc ít nhất là tránh các dây chun chật.
  • Mang giày thoải mái: Mang giày thoải mái, vừa vặn là chìa khóa để giảm sưng chân, cũng như ngăn ngừa các vấn đề về hông và lưng có thể phát sinh do khi mang thai trọng tâm của cơ thể thay đổi và trọng lượng của bạn cũng tăng lên. Ngoài việc chân bị sưng, dây chằng trong cơ thể bạn (bao gồm cả bàn chân) thực sự căng ra khi mang thai, do đó bàn chân của bạn có thể thay đổi kích thước.
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục trong thai kỳ vì điều này sẽ giúp giảm phù nề. Một số hoạt động được coi là an toàn cho thai phụ như đi bộ, bơi lội, aerobic, tập yoga,...
  • Bơi lội: Không có nghiên cứu chứng minh rằng áp lực nước làm giảm sưng khi mang thai, nhưng nhiều phụ nữ cảm thấy giảm bớt sưng phù khi họ dành thời gian trong hồ bơi. Hãy thử đứng hoặc bơi trong hồ bơi có độ sâu gần đến cổ của bạn. Ít nhất, bạn sẽ cảm thấy nhẹ hơn, mát hơn và cảm giác thư giãn. Bạn cũng có thể thấy rằng bàn chân và chân của bạn ít bị sưng hơn.
  • Mát xa: Massage giúp lưu thông các chất lỏng có xu hướng tích tụ trong bàn chân của bạn, từ đó sẽ làm giảm sưng.
  • Ngủ nghiêng về bên trái khi có thể giúp cải thiện lưu lượng máu, làm giảm sưng bàn chân. Nằm nghiêng về bên trái làm giảm áp lực tử cung của bạn lên khỏi tĩnh mạch chủ dưới, đó là mạch máu lớn đưa máu về tim.

Mẹ bầu tập Yoga
Mẹ bầu tập Yoga

Phù chân khi mang thai là một tác dụng phụ rất phổ biến của thai kỳ. Phù chân là do sự tăng lượng chất lỏng trong cơ thể của bạn, cũng như giảm lưu thông. Nếu bạn bị sưng đột ngột hoặc nghiêm trọng, cần đi khám ngay, còn nếu phù một chút thì chắc chắn là bình thường. Bạn có thể ngăn ngừa phù chân bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, uống nhiều nước, nghỉ ngơi và ăn một chế độ ăn uống cân bằng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe