Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bánh rau và dây rốn là một trong những phần phụ quan trọng khi siêu âm thai cần được đánh giá để phát hiện những bất thường của thai nhi. Khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ mắc bệnh có thể giúp kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ trong cuộc chuyển dạ, hạn chế tai biến xảy ra cho mẹ và thai nhi.
1. Vai trò của bánh nhau và dây rốn
Bánh nhau là phần kết nối giữa mẹ và thai nhi, thường có hình tròn và nằm bám vào cơ tử cung. Bánh nhau đảm bảo nhiệm vụ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bánh nhau còn giúp cho bảo vệ thai nhi tránh khỏi nguy cơ bị tác động của nhiều yếu tố từ trong cơ thể mẹ và từ ngoài môi trường.
Dây rốn là một cấu trúc giống như ống hẹp, kết nối giữa thai đang phát triển với nhau thai, đưa máu trao đổi qua lại giữa thai và bánh rau để cung cấp chất dinh dưỡng, oxy, đồng thời loại bỏ các chất thải của thai. Dây rốn gồm một tĩnh mạch mang oxy và chất dinh dưỡng từ nhau thai cho thai và hai động mạch vận chuyển chất thải từ thai đến nhau thai (nơi chất thải được chuyển vào máu của người mẹ và được xử lý bởi thận của mẹ.
Như vậy, chức năng của bánh nhau và dây rốn rất quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Nếu một bất thường của hai thành phần này sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới thai nhi.
2. Giá trị siêu âm bánh nhau
Khi siêu âm bánh nhau giúp đánh giá tình trạng bình thường hay bất thường của bánh rau, từ đó giúp tiên lượng và tư vấn phù hợp cho thai phụ.
2.1 Bánh rau bình thường
- Bánh nhau bình thường có hình bán nguyệt, kế cận với thành tử cung và trên siêu âm có thể được xác định rõ từ khoảng tuần thứ 11.
- Vị trí bám nhau có thể là bám đáy, bám mặt trước, mặt sau, mặt bên phải hoặc bên trái. Khi siêu âm thấy cấu trúc của bánh nhau và thành tử cung tách biệt với nhau. Bề dày bánh nhau tăng dần theo tuổi thai.
2.2 Những bất thường bánh nhau
- Nhau tiền đạo: Nhau tiền đạo là tình trạng khi mép dưới bánh nhau bám gần, hay che phủ cả lỗ trong của cổ tử cung. Phân chia rau tiền đạo bởi vị trí bám của nhau gồm nhau tiền đạo trung tâm (khi nhau che phủ hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung) và nhau tiền đạo bán trung tâm (khi bánh nhau che phủ không hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung). Xác định vị trí bám của mép dưới bánh nhau sau 28 tuần. Tình trạng này cần theo dõi chặt vì nguy cơ chảy máu khi chuyển dạ.
- Nhau cài răng lược: Nhau cài răng lược là tình trạng vị trí bám bánh nhau bất thường. Trong đó các lông của nhau thai có thể xuyên qua lớp niêm mạc vào trong lớp cơ tử cung. Khoảng 5-10% các trường hợp nhau tiền đạo xuất hiện cùng nhau cài răng lược. Nhau cài răng lược rất khó có thể bong rau sạch sau khi sinh, gây sót rau, nguyên nhân gây chảy máu sau sinh và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thường phải mổ cắt tử cung để loại trừ nguy cơ chảy máu, không những thế tình trạng này có thể xâm lấn vào các cơ quan lân cận.
- Chửa trứng: Khi một phần hoặc toàn bộ các gai rau thoái hóa thành các nang trứng, không thấy các hình ảnh của thai. Hình ảnh siêu âm bánh nhau thấy bánh nhau phì đại và có nhiều hình ảnh túi nước rải rác. Thai hiện diện thường kém phát triển và đôi khi có dị dạng trong trường hợp chửa trứng bán phần.
- U máu ở bánh nhau: Rất ít khi gặp, khối u mạch máu do tăng sinh bất thường tạo thành một khối ở màng đệm của bánh nhau. Khối u này thường không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai, tuy nhiên nếu kích thước lớn có thể gây ra biến chứng ở cả mẹ và bé. Siêu âm bánh nhau có thể giúp theo dõi và tiên lượng tình trạng bất thường.
- Tụ máu dưới màng đệm ở bánh nhau: Siêu âm bánh nhau thấy khối tụ máu dưới màng đệm chứa máu và thường nằm cạnh dây rốn, đây là hậu quả của vỡ mạch máu đi ra từ màng đệm.Tình trạng này có thể gây ra sinh non.
- Nhau bong non: Sau một chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp, sản phụ thấy đau bụng, có xuất huyết âm đạo hoặc không, thành tử cung căng cứng, có dấu chuyển dạ sanh non và choáng, ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Đây có thể là một dấu hiệu của tình trạng rau bong non, tình trạng này có thể phát hiện thông qua siêu âm.
3. Giá trị siêu âm đánh giá dây rốn
3.1 Dây rốn bình thường
- Vị trí nằm ở trung tâm bánh nhau, đôi khi có thể nằm cạnh trung tâm hoặc mép bánh nhau.
- Cấu trúc dây rốn gồm có 3 mạch máu, 2 động mạch và 1 tĩnh mạch tạo nên các vòng xoắn.
- Dây rốn hình thành tuần thứ 5 sau khi thụ thai và phát triển dần dần dài hơn, đạt chiều dài nhất vào tuần thứ 28 của thai kỳ, chiều dài trung bình của dây rốn khoảng 50-60cm.
3.2 Những bất thường của dây rốn
- Dây rốn một động mạch: Chiếm khoảng 1% trong thai đơn và khoảng 5% trong trường hợp đa thai. Dây rốn chỉ chứa hai mạch máu, thay vì ba như bình thường. Những thai nhi có một động mạch rốn có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn như dị tật tim, hệ thần kinh, hệ tiết niệu và những bất thường nhiễm sắc thể. Nên khi được chẩn đoán một động mạch rốn, thai phụ nên làm một số xét nghiệm trước sinh chuyên sâu để chẩn đoán hoặc loại trừ dị tật bẩm sinh kết hợp.
- Dây rốn dài: Khi chiều dài của dây rốn lớn hơn 80cm thì được chẩn đoán là dây rốn dài. Tình trạng này dẫn đến dây rốn quấn quanh cơ thể, cổ thai nhi, nếu quấn chặt có thể gây ra thiếu máu thai nhi.
- Dây rốn ngắn: Chiều dài dây rốn nhỏ hơn 35cm. Đôi khi chỉ dài 10cm là dây rốn rất ngắn. Thường hay liên quan đến bất thường nghiêm trọng khác của cơ thể.
- Dây rốn mảnh: Siêu âm dây rốn đo được đường kính dây rốn giảm, từ 5 - 6mm, thường gặp trong trường hợp thiểu dưỡng thai.
- Dây rốn bám mép: Đây là tình trạng dây rốn không bám vào trung tâm của bánh rau mà bám vào rìa bánh rau. Có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm phát triển thai trong tử cung.
- Dây rốn bám màng: Tức là mạch máu dây rốn không bám vào bánh rau như bình thường mà chỉ bám vào màng ối rồi mới vào bánh rau. Các mạch máu lưu thông trong màng tự do không được bảo vệ bởi chất keo, có thể bị chèn ép hoặc gây vỡ đoạn trong màng khi chuyển dạ, làm tăng tỷ lệ tử vong khi sinh.
- U nang dây rốn: U nang cơ năng có thể nhìn thấy ngay trong 3 tháng đầu thai kỳ, và thường mất đi trong 3 tháng giữa. Trường hợp u nang thực thể tồn tại sau 14 tuần thì thường sẽ không mất đi trong suốt thai kỳ. Hiện tại, ý nghĩa tiên lượng của vị trí và kích thước của khối u nang vẫn chưa rõ ràng.
Siêu âm đánh giá dây rốn và bánh nhau rất có ý nghĩa trong chẩn đoán trước sinh, giúp đánh giá nguy cơ và tiên lượng cho thai. Nên khi có thai cần thường xuyên kiểm tra định kỳ để phát hiện bất thường của thai cũng như phần phụ của thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.