Gây tê ngoài màng cứng có tác dụng gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê được chỉ định phổ biến trong phẫu thuật, trong giảm đau cấp tính và các bệnh mạn tính. Một chỉ định khác của gây tê ngoài màng cứng đang được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây là giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ hay còn gọi là phương pháp “đẻ không đau”.

1. Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Khoang ngoài màng cứng là một khoang ảo, kín, được giới hạn phía trên bởi lỗ chẩm, phía dưới là khe cùng, phía sau là dây chằng vàng và phía trước là dây chằng dọc sau. Khoang ngoài màng cứng chứa toàn bộ các rễ thần kinh chạy ra từ tủy sống, hệ bạch huyết, tổ chức mỡ, tổ chức liên kết lỏng lẻo và các đám rối tĩnh mạch Baston.

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê được tiến hành bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng nhằm mục đích ức chế dẫn truyền thần kinh ở một vùng nhất định do các rễ thần kinh chi phối. Thể tích khoang ngoài màng cứng ở người Việt Nam khoảng 120-140ml, 1-2ml thuốc tê sẽ lan tỏa được 1 khoang đốt sống. Cơ chế để thực hiện gây tê ngoài màng cứng đó là thần kinh chi phối vận động, cảm giác và thần kinh thực vật tới các tạng và da của cơ thể theo phân đoạn. Dựa vào sự phân bố này người gây mê sẽ đánh giá được mức độ tê và dự đoán các biến chứng có thể xảy ra.

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi hiện nay do có nhiều ưu điểm như:

  • Có thể thực hiện ở bất kỳ vị trí nào của tủy sống tùy theo mục đích chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật;
  • Có thể kết hợp với gây mê nội khí quản nên giúp làm ổn định huyết động hơn;
  • Có hiệu quả giảm đau cao trong giai đoạn cấp sau mổ, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn;
  • Giúp giảm đáp ứng sinh lý bất lợi do phẫu thuật gây ra như rối loạn chức năng phổi và hệ miễn dịch, ức chế hệ tim mạch, tổn thương mô,...

2.Gây tê ngoài màng cứng có tác dụng gì?


Gây tê ngoài màng cứng có thể làm giảm đau do thoái hóa cột sống
Gây tê ngoài màng cứng có thể làm giảm đau do thoái hóa cột sống

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi hiện nay với các chỉ định như:

  • Vô cảm trong phẫu thuật ở chi dưới, xương chậu và vùng bụng dưới,...
  • Giảm đau cấp tính sau các phẫu thuật vùng ngực, bụng, chậu hông, chi dưới; đau cấp ở vùng cổ gáy; đau cấp trong zona thần kinh,... Giảm đau trong các bệnh lý mạn tính như đau do thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, đau do xẹp thân đốt sống, viêm đa rễ thần kinh do đái đường, giảm đau do ung thư,...
  • Giảm đau sau mổ vùng ngực và bụng

Gây tê ngoài màng cứng có tác dụng gì? Ngoài các chỉ định trên, sử dụng gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ đẻ cũng là một chỉ định phổ biến hiện nay. Thông thường, gây tê màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung đã mở từ 2-3cm và sản phụ đang chuyển dạ tích cực. Thuốc tê sau khi được đưa vào khoang ngoài màng cứng cạnh ống tủy sẽ phân tán sang các vùng lân cận, làm phong bế các dây thần kinh chi phối cho các bộ phận phải chịu lực nhiều khi chuyển dạ, làm mất đi cảm giác đau. Sản phụ có thể cảm nhận được các cơn gò tử cung nhưng không còn cảm thấy đau. Do thuốc tê chỉ có tác dụng cục bộ nên sản phụ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình sinh nở. Gây tê ngoài màng cứng có thể được sử dụng trong cả sinh mổsinh thường. Nếu chuyển sang sinh mổ, bác sỹ gây mê có thể bơm thêm 1 lượng thuốc tê ( 10 -15ML) qua ống thông nhựa (catheter) là đủ để gây ức chế cảm giác hoàn toàn vùng bụng của sản phụ đảm bảo phẫu thuật thuận lợi mà không bị đau.

*Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau khi sinh còn được gọi là phương pháp “đẻ không đau”, phương pháp này đặc biệt có ích trong các trường hợp khó sinh, chuyển dạ kéo dài khiến sản phụ mất sức hoặc thai có nguy cơ cao như ngôi ngược, thai đôi, tiền sản giật và chuyển dạ kéo dài. Gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp sản phụ giảm đau, hồi sức để tiếp tục cuộc đẻ. Do chỉ gây tê cục bộ, nên sản phụ vẫn nhận biết được toàn bộ quá trình, cảm nhận được cơn gò tử cung và có khả năng tự rặn đẻ. Trong trường hợp sinh khó phải chuyển sang mổ đẻ, thuốc tê vẫn có tác dụng và giúp sản phụ giảm đau sau phẫu thuật. Gây tê ngoài màng cứng không làm tăng tỷ lệ mổ đẻ hoặc can thiệp dụng cụ khi sổ thai. Gây tê màng cứng để mổ lấy thai làm giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ so với gây mê toàn thân.

3.Gây tê ngoài màng cứng cho sản phụ được thực hiện như thế nào?


Để tránh nguy cơ hạ huyết áp ở sản phụ cần phải truyền dịch trước khi gây tê
Để tránh nguy cơ hạ huyết áp ở sản phụ cần phải truyền dịch trước khi gây tê
  • Sản phụ được truyền dịch trước khi gây tê để tránh nguy cơ hạ huyết áp do thuốc tê gây ra.
  • Sản phụ được hướng dẫn ngồi cong lưng tối đa ra sau, cằm gấp vào ngực để giúp mở rộng cột sống và giữ yên tư thế trong suốt quá trình gây tê màng cứng. Ngoài ra, sản phụ có thể nằm nghiêng, cong lưng để thực hiện gây tê.
  • Vùng lưng dưới của sản phụ được sát khuẩn, một vùng nhỏ kích thước bằng đồng xu được gây tê tại chỗ. Kim gây tê ngoài màng cứng được đưa vào khe hở giữa hai đốt sống lưng thuộc vùng đã gây tê và đi vào khoang ngoài màng cứng. Một ống thông được luồn qua kim gây tê. Sau đó kim được rút ra và ống thông được dán cố định vào lưng sản phụ.
  • Một liều nhỏ thuốc gây tê sẽ được truyền qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng. Đây là liều thuốc thử nghiệm giúp bác sĩ theo dõi phản ứng, tác dụng phụ, huyết áp người bệnh. Nếu vị trí gây tê ngoài màng cứng và liều thử nghiệm đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ bổ sung thêm liều thuốc gây tê. Sản phụ sẽ cảm thấy cơn đau giảm đi trong khoảng 10-20 phút. Thuốc tê được pha với nồng độ rất loãng (từ 0,08 đến 0,1%) nên không gây ức chế vận động, không ảnh hưởng đến sức rặn của sản phụ.Liều thuốc gây tê sẽ được tính toán bởi bác sỹ gây mê giàu kinh nghiệm và được tiêm lặp lại bổ sung cho đến khi sản phụ sinh em bé.
  • Đây là phương pháp hiệu quả, an toàn cao, tỷ lệ thành công hơn 95%.

4.Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng gì bất lợi đến sức khỏe sản phụ và thai nhi?


Hệ thống monitor có thể theo dõi tim thai
Hệ thống monitor có thể theo dõi tim thai

Gây tê ngoài màng cứng cũng như các thủ thuật y học khác bên cạnh những ưu điểm sẽ có các nhược điểm nhất định. Một số tác dụng phụ thường gặp là:

  • Thuốc tê gây giãn tĩnh mạch làm tăng nguy cơ hạ huyết áp ở sản phụ. Một số sản phụ sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, vã mồ hôi, run, khó thở... Để hạn chế tình trạng này, sản phụ thường được truyền dịch trước khi gây tê, đồng thời huyết áp của mẹ, tim thai được theo dõi chặt chẽ bằng hệ thống monitor sản khoa.
  • Đau lưng: sau khi sinh, một số sản phụ được gây tê màng cứng có cảm giác đau mỏi vùng lưng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, đau lưng là cảm giác thường có ở phụ nữ mang thai, so với sản phụ sinh thường thì gây tê ngoài màng cứng cũng không gây đau lưng hơn.
  • Đau đầu: sản phụ có thể bị đau đầu vài ngày sau sinh, tình trạng này thường sẽ tự hết sau một vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau, truyền dịch, hướng dẫn tư thế nằm, cách nghỉ ngơi... để giảm đau cho sản phụ. Trường hợp đau đầu do kim chọc thủng màng cứng thường gây đau đầu dữ dội khi vận động, điều này sẽ được xử trí bằng cách tiêm 10 – 20 ML máu của người bệnh vào vị trí đã chọc để gây tê ngoài màng cứng (gọi là kỹ thuật vá máu hay blood patch).

Ngoài ra, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng có thể thất bại hoặc hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe sản phụ do ống thông ngoài màng cứng đặt sai vị trí. Nếu ống thông đi vào mạch máu ở lưng, thuốc tê đi thẳng vào mạch máu gây ngộ độc thuốc tê, sản phụ sẽ cảm thấy vị kim loại trong lưỡi, tê rần ở môi, ù tai,... Tình trạng này gặp ở khoảng 5% trường hợp, lúc này sản phụ phải báo gây với bác sĩ gây mê nếu gặp tình trạng này. Ngoài ra, một số trường hợp hiếm gặp thuốc tê đi vào dịch tủy sống gây các biến chứng do gây tê trên vùng rộng lớn. Người bệnh sẽ được điều trị chuyên sâu trong những trường hợp này.

Nhìn chung, gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau cho sản phụ trong quá trình chuyển dạ là một kỹ thuật được thực hiện rất rộng rãi. Tỷ lệ thành công và mức độ hài lòng của sản phụ với kỹ thuật này rất cao.

Để yên tâm khi bước vào ca sinh thường, hiện nay nhiều sản phụ đã lựa chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng trong chương trình thai sản trọn gói của Vinmec để giảm đau trong quá trình chuyển dạ. Đây là kỹ thuật được tiến hành khi cơn co tử cung trở nên mạnh hơn và người mẹ không có những bất thường trong kết quả xét nghiệm. Phương pháp này giúp cuộc chuyển dạ diễn ra trong điều kiện lý tưởng nhất.

Hiện nay, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng hiện đã được áp dụng tại Vinmec, ngoài việc giúp các sản phụ giảm đau trong quá trình chuyển dạ thì kỹ thuật gây mê này cũng được thực hiện trong các ca phẫu thuật, điều trị khi được chỉ định. Tại Vinmec có đội ngũ bác sĩ gây mê giảm đau chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được tiến hành dưới hướng dẫn siêu âm sẽ giúp hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi sử dụng máy bơm thuốc tự động ngắt quãng kết hợp NB tự kiểm soát (PIEB + PCEA) mang lại hiệu quả giảm đau tốt và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc tê, giúp NB thoải mái, hài lòng khi sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe