Gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu thủng cơ hoành

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bình - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Phẫu thuật khâu để phục hồi cơ hoành là một loại phẫu thuật lớn, cần gây mê nội khí quản hai nòng kết hợp với làm xẹp phổi để kiểm soát được hô hấp của người bệnh trong quá trình phẫu thuật và hồi sức sau khi kết thúc phẫu thuật.

1. Chỉ định gây mê với những trường hợp nào?

Khi người bệnh nhận được chỉ định phẫu thuật nội soi khâu thủng cơ hoành. Nguyên nhân phẫu thuật do thủng, vỡ cơ hoành hoặc do những chấn thương hoặc thoát vị hoành gây ra.

Tác nhân gây ra vết thương có thể là:

  • Qua chỗ rách của cơ hoành, các tạng nằm trong ổ bụng chui lên lồng ngực sau tai nạn hoặc là sau một thời gian, gây ra thoát vị cơ hoành.
  • Bị thủng cơ hoành do những vết thương ngực bụng, nó có thể kèm theo những tổn thương khác tại ổ bụng và lồng ngực.

Các trường hợp chống chỉ định gây mê tương đối:

  • Người bệnh không đồng ý thực hiện phẫu thuật.
  • Không đảm bảo đầy đủ những phương tiện phẫu thuật cũng như thiết bị gây mê, hồi sức.
  • Kỹ thuật viên không thành thạo các thao tác phẫu thuật.

2. Chuẩn bị gây mê

2.1. Người thực hiện

Người thực hiện là những bác sĩ chuyên khoa và điều dưỡng có kinh nghiệm thuộc khoa hồi sức cấp cứu.

2.2. Phương tiện thực hiện

Hệ thống các loại máy giúp gây mê và hỗ trợ thở cho người bệnh, máy theo dõi chức năng sống, nguồn oxy bóp tay, máy phá rung tim, máy hút,...


Máy theo dõi chỉ số sinh tồn cần được chuẩn bị trong quá trình gây mê
Máy theo dõi chỉ số sinh tồn cần được chuẩn bị trong quá trình gây mê

Ngoài ra, không thể thiếu đèn soi thanh quản, và ống nội khí quản loại 2 nòng cỡ 32F đến 39F, mặt nạ, ống hút, bóng bóp, kìm Magill, canul miệng hầu, mandrin mềm.

Lidocain 10% dạng xịt và Salbutamol dạng xịt.

Những phương tiện sử dụng cho các trường hợp đặt ống nội khí quản gặp khó khăn: mask thanh quản, ống Cook, ống soi phế quản mềm, kìm mở miệng, bộ mở khí quản,...

Những phương tiện được dùng để đặt huyết áp động mạch hoặc đặt catheter tĩnh mạch vùng trung tâm.

2.3. Người bệnh

Những người bệnh bị thủng cơ hoành cần được tiến hành gây mê nội khí quản để đảm bảo tránh được các biến chứng phổi bị chèn ép, do không khí tràn vào trong màng phổi qua khu vực lỗ thủng của cơ hoành khi mổ bụng.

Bệnh nhân cần được thăm khám gây mê trước khi phẫu thuật để phát hiện và phòng tránh những nguy cơ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, cần phải giải thích cho bệnh nhân và người nhà để cùng hợp tác.

Đánh giá trường hợp đặt ống nội khí quản khó, và những chấn thương ngực kèm theo, tràn khí màng phổi, tràn dịch. Sử dụng thuốc an thần vào buổi tối trước khi phẫu thuật nếu bệnh nhân thực hiện mổ phiên.

3. Các bước tiến hành gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu thủng cơ hoành

  • Kiểm tra hồ sơ của người bệnh: Các xét nghiệm đã thực hiện phải nằm trong giới hạn cho phép được phẫu thuật (chú ý đến xét nghiệm đánh giá tình trạng hô hấp như: thông khí phổi, khí máu).
  • Kiểm tra người bệnh: Đảm bảo đúng tên tuổi của người bệnh, khoa, phẫu thuật loại gì, mổ bên nào...
  • Thực hiện kỹ thuật:

Chuẩn bị cho bệnh nhân:

  • Lắp đặt thiết bị theo dõi gồm: HA, điện tim, SpO2...
  • Chuẩn bị đầy đủ ống nghe, và máy hút.
  • Làm những đường truyền ngoại vi với tối thiểu kim là 18G.
  • Trước đó nên đặt thêm dẫn lưu màng phổi vào bên có những tổn thương để bảo đảm được an toàn cho người bệnh trong khi khởi mê.
  • Chuẩn bị các loại thuốc mê, thuốc hồi sức.
  • Cho người bệnh thở oxy 100% trước khi phẫu thuật, tối thiểu 3 phút.

Cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc sử dụng trong quá trình gây mê
Cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc sử dụng trong quá trình gây mê

Khởi mê:

  • Thuốc giảm đau cho người bệnh: fentanyl, sufentanil, alfentanil...
  • Thuốc gây buồn ngủ (thiopental, propofol, ketamin).
  • Thuốc giãn cơ (succinylcholin, pavulon, arduan, tracrium) chú ý chỉ tiêm thuốc giãn cơ cho người bệnh khi hô hấp bằng mặt nạ đã có hiệu lực.

Kĩ thuật:

  • Sau khi thực hiện khởi mê với điều kiện độ sâu và giãn cơ đủ thì giúp người bệnh nằm ngửa.
  • Đưa đèn nội khí quản lên trên cao và tiến về phía trước để gạt lưỡi bệnh nhân sang bên trái, nếu nhìn thấy được lỗ thanh môn thì gây tê tại chỗ bằng cách sử dụng xylocain 5% phun từ 3-5 lần vào trong khí quản.
  • Dùng tay phải để đưa ngay ống nội khí quản 2 nòng cùng với cựa gà hướng về phía sau để luồn trực tiếp vào qua lỗ thanh môn. Nếu thấy đầu ống và cựa gà đều đi qua hai dây thanh thì rút Mandrin và xoay ống nội khí quản 90o ngược chiều với chiều kim đồng hồ.
  • Tiến hành bơm bóng hai Cuff, chú ý không nên bơm nhiều hơn 5ml khí đối với những trường hợp Cuff phế quản. Nối 2 nòng của ống nội khí quản cùng với raccord chữ Y giúp thông khí.
  • Lần lượt thực hiện kẹp 2 nhánh chữ Y giúp kiểm soát được thông khí từng phổi. Có thể sử dụng ống nội soi mềm giúp kiểm tra được vị trí ống nội khí quản.
  • Cố định ống nội khí quản bằng hai băng dính.
  • Đặt canuyn vào miệng bệnh nhân để tránh cắn ống, và đặt sonde dạ dày.

Duy trì mê:

Gây mê nội khí quản khi hô hấp được điều khiển. Duy trì tình trạng thông khí tại hai phổi một cách tối đa khi có thể.

Hô hấp bằng loại máy giúp duy trì tình trạng mê bằng các loại thuốc mê cho đường hô hấp, thuốc giãn cơ bằng cách tiêm hoặc duy trì bằng bơm tiêm điện truyền liên tục.

Trước khi kết thúc ca phẫu thuật, phải giảm liều lượng thuốc mê bốc hơi đang truyền vào cơ thể bệnh nhân. Hút sạch tất cả đờm dãi ở cả 2 nhánh của ống nội khí quản, và làm nở phổi một cách hoàn toàn trước khi thực hiện đóng ngực.

Nếu sử dụng các loại thuốc mê cho đường hô hấp thì phải cho dừng thuốc lại lúc kết thúc ca phẫu thuật, tiến hành thao tác mở van hết cỡ, gia tăng thông khí, và bóp bóng dự trữ nhằm xả lượng thuốc mê trong vòng mê.

Ngoài ra cần theo dõi những thông số khi cần duy trì mê: huyết áp, mạch, SpO2, EtCO2, khí máu và đề phòng các trường hợp bị tụt ống nội khí quản, hoặc gập ống, và ống bị đẩy sâu.


Gây mê nội khí quản được duy trì khi hô hấp được điều khiển
Gây mê nội khí quản được duy trì khi hô hấp được điều khiển

4. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật

Sau khi hoàn thành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu để tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe. Chú ý:

  • Giữ ấm cơ thể, nằm đầu cao và hỗ trợ hô hấp nếu cần.
  • Sử dụng kháng sinh tĩnh mạch trong khoảng 7 - 10 ngày.
  • Nhịn ăn để đường tiêu hóa hồi phục, tiến hành nuôi tĩnh mạch hoàn toàn trong 2 - 3 ngày, sau đó ăn uống qua đường miệng hoặc sử dụng ống thông dạ dày.

Chăm sóc vết thương mỗi ngày, có thể tiến hành cắt chỉ sau 7 ngày.

5. Những điều cần lưu ý sau phẫu thuật

Nếu sau phẫu thuật xảy ra những biến chứng sau, cần nhanh chóng xử trí an toàn:

  • Tràn khí màng phổi: cho bệnh nhân thở máy, dẫn lưu khí khoang màng phổi.
  • Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu,... thì cần được tiến hành làm kháng sinh đồ hoặc điều trị kháng sinh kịp thời.
  • Chảy máu, bị rỉ ra trong ổ bụng người bệnh: tiến hành mở thành bụng nhằm khảo sát lại và cầm máu.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Bác sĩ Nguyễn Bình đã có hơn 20 năm kinh trong lĩnh vực gây mê- hồi sức trong phẫu thuật lồng ngực, gây mê hồi sức bệnh nhân cao tuổi... Hiện là Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe