Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gây mê qua mặt nạ là phương pháp chủ yếu được áp dụng ở trẻ nhỏ. Bởi đây là đối tượng thường chỉ định thực hiện các cuộc tiểu phẫu nhỏ, thời gian ngắn và ít gây đau đớn.
1. Gây mê qua mặt nạ là gì?
Gây mê là phương pháp đưa thuốc gây mê vào cơ thể nhằm mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác và các phản xạ.
Gây mê qua mặt nạ là kết nối mặt nạ (mask) với máy gây mê để đưa thuốc mê vào cơ thể qua đường mũi, miệng. Trong đó, người bệnh có thể tự hô hấp trong quá trình gây mê.
2. Chỉ định gây mê qua mặt nạ
- Gây mê toàn thân ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trong các trường hợp phẫu thuật ít có nhu cầu giảm đau và giãn cơ.
- Phối hợp với gây tê vùng như gây tê xương cùng, gây tê dây thần kinh ở trẻ em.
- Áp dụng cho các phẫu thuật thời gian ngắn, ở vị trí ngoại vi.
3. Chống chỉ định gây mê qua mặt nạ
- Dạ dày đầy hơi
- Các trường hợp không điều khiển được hoạt động hô hấp
- Phẫu thuật ở các cơ quan nội tạng, yêu cầu giãn cơ và giảm đau nhiều.
4. Quy trình gây mê qua mặt nạ
Quy trình gây mê qua mặt nạ được thực hiện qua các bước sau:
- Đảm bảo thông suốt đường hô hấp trên bằng cách đặt người bệnh nằm ngửa, cổ ưỡn, góc hàm dưới đẩy ra trước, có canuyn chống không tụt lưỡi
- Để người bệnh tự thở: Khi đặt mặt nạ gây mê (mask) úp kín vào mũi, miệng không thấy các dấu hiệu bất thường ở bóng dự trữ. Không nghe thấy tiếng thở bất thường. Đặt ống nghe lên vùng trước tim và thực quản không nghe thấy âm thanh hoặc tiếng ngáy của tắc nghẽn đường hô hấp.
- Hô hấp nhân tạo bằng mặt nạ: Hô hấp nhân tạo với áp lực dương, tránh làm dạ dày trở nên đầy hơi. Đảm bảo thông khí đường hô hấp, không để tụt lưỡi; hô hấp áp lực dưới 20cmH2O nhằm giảm nguy cơ tai biến.
- Trên người bệnh khó giữ cho mặt nạ gây mê kín, có thể sử dụng băng cao su giữ chặt đầu với mặt nạ.
- Tránh gây mê qua mask nồng độ thấp vì dễ gây kích thích đường hô hấp. Gây mê sâu theo yêu cầu của ca phẫu thuật.
- Thuốc mê nhóm halogen đều phải sử dụng qua bình bốc hơi chuyên dụng.
- Thuốc mê có thể sử dụng: thiopental, ketamin, halogen, các thuốc giảm đau trung ương tác dụng ngắn, phối hợp thuốc gây tê cùng với thuốc mê đường hô hấp. Liều lượng cho gây mê qua mặt nạ tùy theo cân nặng và yêu cầu của cuộc phẫu thuật.
5. Theo dõi và xử trí tai biến
- Co thắt thanh quản có thể xảy ra nếu gây mê qua mask nông. Trường hợp nhẹ thì nghe tiếng thở khò khè, thở rít, trường hợp nặng thì xảy ra hô hấp đảo ngược, không thể tiếp tục hô hấp bằng mặt nạ gây mê. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây thiếu oxy máu, toan hỗn hợp, dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim chậm, ngừng tim. Do đó, điều quan trọng là cần cho bệnh nhân ngủ sâu và xử lý cơn co thắt.
- Tắc nghẽn đường thở do tư thế: Cần điều chỉnh lại tư thế người bệnh, làm thông đường thở, trường hợp cần thiết cần đặt ống nội khí quản.
- Ức chế hô hấp: Sử dụng hô hấp hỗ trợ và nhân tạo để hồi phục khả năng hô hấp cho người bệnh.
Gây mê qua mặt nạ là kết nối mặt nạ (mask) cùng máy gây mê để đưa thuốc mê vào cơ thể qua đường mũi, miệng. Hầu hết, thủ thuật gây mê này được áp dụng cho trẻ nhỏ, các cuộc tiểu phẫu. Tuy nhiên để hạn chế tối đa biến chứng thì người bệnh cần chọn một cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để thực hiện.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.