Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức.
Phẫu thuật bướu cổ là phương pháp hữu hiệu trong điều trị bệnh bướu cổ. Khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê nội khí quản để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra suôn sẻ, nâng cao tỷ lệ thành công.
1. Sơ lược về bướu cổ
Bướu cổ là bệnh lý phổ biến ở tuyến giáp, hay gặp ở nữ giới hơn nam giới với biểu hiện cơ bản là vùng cổ bệnh nhân bị lồi lên do sự ảnh hưởng bởi kích thước tuyến giáp. Có 5 loại bướu cổ là:
- Bướu giáp đơn thuần
- Bướu giáp độc tính
- U lành tuyến giáp
- Viêm tuyến giáp có triệu chứng bướu giáp
- Ung thư tuyến giáp.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bướu cổ là do cơ thể thiếu hụt i-ốt. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao nếu sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc cản quang... gây ức chế khả năng tổng hợp hormon của tuyến giáp; yếu tố bẩm sinh; hút thuốc lá, viêm giáp, thay đổi nội tiết tố,...
Triệu chứng của bệnh nhân bướu cổ là tuyến giáp phình to ra, khó nuốt, khó thở khi nằm, hay bị hồi hộp, đổ mồ hôi nhiều, giảm cân, thường xuyên căng thẳng, da khô nẻ, trí nhớ giảm sút, hay bị táo bón hoặc cảm thấy lạnh,... Các phương pháp điều trị bệnh bướu cổ gồm: Theo dõi định kỳ (khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp), điều trị nội khoa (sử dụng thuốc đưa hormone tuyến giáp về trạng thái bình thường), xạ trị tuyến giáp (sử dụng i ốt phóng xạ nhằm làm giảm kích thước tuyến giáp) và phẫu thuật tuyến giáp (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp).
2. Phương pháp gây mê nội khí quản phẫu thuật bướu cổ
Gây mê nội khí quản là kỹ thuật gây mê toàn thân, đặt ống nội khí quản nhằm mục đích kiểm soát hô hấp cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật và hồi sức sau phẫu thuật.
Bệnh nhân phẫu thuật bướu cổ được chỉ định phương pháp gây mê. Kỹ thuật này chống chỉ định tương đối nếu bệnh nhân không đồng ý điều trị, nơi thực hiện không có đủ phương tiện gây mê, hồi sức hoặc người thực hiện không thành thạo kỹ thuật.
2.1 Chuẩn bị gây mê
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa gây mê hồi sức;
- Phương tiện kỹ thuật: Hệ thống máy gây mê kèm thở, máy theo dõi chức năng sống, máy phá rung tim, nguồn oxy bóp tay, máy hút, đèn soi thanh quản, ống nội khí quản các cỡ, mặt nạ, ống hút, bóng bóp, canul, kìm Magill, mandrin mềm, Salbutamol dạng xịt, Lidocain 10% dạng xịt, phương tiện dự phòng đặt nội khí quản khó;
- Bệnh nhân: Được thăm khám gây mê trước mổ (nhằm phát hiện và phòng ngừa nguy cơ tai biến); được giải thích về tiến trình thủ thuật, lợi ích và nguy cơ; được đánh giá đặt ống nội khí quản khó; có thể được sử dụng thuốc an thần từ tối hôm trước phẫu thuật nếu cần thiết;
- Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện theo đúng quy định.
2.2 Tiến hành kỹ thuật
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ và bệnh nhân.
Bước 2: Tiến hành chung: Cho bệnh nhân nằm ngửa, thở oxy 100% lưu lượng 3 - 6 lít/phút trước khi khởi mê tối thiểu 5 phút. Đồng thời, thực hiện lắp máy theo dõi, thiết lập đường truyền có hiệu quả và tiền mê nếu cần thiết.
Bước 3: Khởi mê: Cho bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ (gồm thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi), thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ nếu cần. Điều kiện đặt ống nội khí quản được thỏa mãn khi bệnh nhân ngủ sâu và đủ độ giãn cơ.
Bước 4: Đặt ống nội khí quản: Lựa chọn 1 trong 2 kỹ thuật sau:
Đặt ống nội khí quản đường mũi:
- Chọn bên mũi thông và thực hiện nhỏ thuốc co mạch mũi;
- Chọn ống nội khí quản có kích cỡ nhỏ hơn so với ống đặt đường miệng. Sau đó, luồn ống đã được bôi trơn bằng mỡ Lidocain qua lỗ mũi;
- Mở miệng bệnh nhân, đưa đèn soi thanh quản vào miệng, phối hợp thao tác để tìm nắp thanh môn và lỗ thanh môn;
- Trong trường hợp thuận lợi, nhẹ nhàng luồn ống nội khí quản qua lỗ thanh môn, dừng lại nếu bóng của ống đi qua dây thanh khoảng 2 - 3cm. Sau đó, dùng kìm Magill hướng đầu ống nội khí quản vào đúng lỗ thanh môn, phối hợp đẩy ống vào từ bên ngoài trong trường hợp khó. Sau đó, rút đèn soi thanh quản, bơm bóng nội khí quản, nghe phổi và dựa vào kết quả EtCO2 để kiểm tra vị trí chính xác của ống nội khí quản; cố định ống nội khí quản bằng băng dính;
- Trường hợp đặt ống nội khí quản khó thì áp dụng quy trình đặt ống khó.
Đặt ống nội khí quản đường miệng:
- Mở miệng bệnh nhân, đưa đèn soi thanh quản vào miệng, phối hợp thao tác để tìm nắp thanh môn và lỗ thanh môn;
- Khởi mê nhanh và thực hiện thủ thuật Sellick (nếu dạ dày bệnh nhân đầy);
- Luồn ống nội khí quản nhẹ nhàng qua lỗ thanh môn và dừng lại khi bóng của ống đi qua dây thanh âm khoảng 2 - 3cm;
- Nhẹ nhàng rút đèn soi thanh quản, bơm bóng nội khí quản;
- Kiểm tra vị trí của ống nội khí quản thông qua nghe phổi và kết quả EtCO2; cố định ống bằng băng dính, đặt canul vào miệng để tránh bệnh nhân cắn ống nội khí quản nếu cần thiết.
Bước 5: Duy trì mê bằng thuốc mê bốc hơi hoặc thuốc mê tĩnh mạch, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ (nếu cần thiết). Đồng thời, kiểm soát hô hấp cho bệnh nhân bằng máy hoặc bóp tay.
Bước 6: Theo dõi độ sâu của gây mê dựa trên tình trạng vã mồ hôi, huyết áp, nhịp tim, chảy nước mắt. Đồng thời, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, thân nhiệt, huyết áp, SpO2 và EtCO2); đề phòng ống nội khí quản sai vị trí hoặc gập, tắc.
Bước 7: Tiêu chuẩn rút ống nội khí quản: Bệnh nhân tỉnh táo, có thể làm theo yêu cầu của bác sĩ; nâng đầu trên 5 giây, tự thở đều, tần số thở trong mức giới hạn bình thường, thân nhiệt trên 35°C, mạch và huyết áp ổn định, không có biến chứng gây mê, phẫu thuật.
2.3 Nguy cơ tai biến và cách xử trí
- Rối loạn huyết động: Bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Việc xử trí sẽ tùy nguyên nhân và triệu chứng, tuân thủ đúng phác đồ điều trị tiêu chuẩn;
- Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: Biểu hiện bởi tình trạng có dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở của bệnh nhân. Biện pháp can thiệp phù hợp là hút sạch dịch, cho người bệnh nằm đầu thấp và nghiêng đầu sang bên; đặt nhanh ống nội khí quản rồi hút sạch dịch trong đường thở. Tiếp theo, theo dõi và đề phòng nhiễm trùng phổi sau phẫu thuật bướu cổ;
- Các tai biến do đặt nội khí quản: Gồm không đặt được ống nội khí quản, đặt nhầm ống vào dạ dày, co thắt thanh - khí - phế quản, chấn thương khi đặt ống,... Việc xử trí sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng tổn thương;
- Biến chứng hô hấp: Gồm gập, tụt ống, ống bị đẩy sâu vào 1 phổi, hết nguồn oxy, thiếu oxy, ưu thán,... Nên can thiệp bằng cách đảm bảo thông khí, cung cấp oxy 100% cho bệnh nhân và tìm nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp;
- Biến chứng sau rút ống nội khí quản: Đau họng, khàn tiếng, suy hô hấp, co thắt thanh - khí - phế quản, hẹp thanh - khí quản, viêm đường hô hấp trên,... Việc xử trí sẽ tùy thuộc triệu chứng và nguyên nhân, thực hiện đúng theo phác đồ chuẩn.
Bướu cổ hầu hết là bệnh lành tính, có tỷ lệ khỏi bệnh cao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi được chỉ định gây mê nội khí quản phẫu thuật bướu cổ, bệnh nhân cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình thực hiện kỹ thuật diễn ra suôn sẻ, giảm nguy cơ phát sinh tai biến.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM