Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phẫu thuật tim mạch là một trong những phẫu thuật khó và phức tạp nhất trong việc điều trị bệnh lý tim mạch. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình thực hiện thủ thuật các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc gây mê giảm đau phù hợp.
1. Tiến trình gây mê trong phẫu thuật tim mạch
Phương pháp gây mê giúp bệnh nhân nằm yên, không lo lắng, không cảm thấy đau đớn và quan trọng để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật. Đau đớn và sợ hãi quá mức chịu đựng sẽ dẫn đến phản xạ ngưng tim gây tử vong.
Các tiến trình trong gây mê phẫu thuật tim mạch như sau:
- Thuốc tiền mê: Được sử dụng 30-60 phút trước khi chuyển bệnh nhân vào phòng mổ, thuốc tiền mê giúp giảm bớt sự lo lắng của bệnh nhân, cho phép tiến hành đặt các thiết bị theo dõi mà không gây ra ảnh hưởng bất lợi đến tình trạng huyết động của bệnh nhân.
- Khởi mê: Các thuốc sử dụng trong gây mê phẫu thuật tim là sự phối hợp của các thuốc đường tĩnh mạch dùng để khởi mê bao gồm: thuốc giảm đau dòng họ Morphin ( Fentanyl, Sufentanyl), thuốc ngủ ( Propofol, Etomidat), các thuốc giãn cơ (Esmeron, Arduan) và các thuốc mê bốc hơi ( Sevoran, Desfluran). Việc lựa chọn thuốc gây mê phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý tim, tuổi và các yếu tố tăng nặng. Thuốc mê được lựa chọn cần tránh gây ức chế cơ tim, giãn mạch, làm nhanh, chậm nhịp tim, truyền quá nhiều dịch, và/ hoặc thiếu thể tích tuần hoàn.
- Duy trì mê: Duy trì mê thường dùng phối hợp các thuốc giảm đau họ morphin liều thấp, thuốc ngủ, thuốc mê bốc hơi họ halogen, thuốc giãn cơ. Trong quá trình phẫu thuật- gây mê, NB được theo dõi tất cả các thông số về chức năng sống ( Mạch, nhiệt, huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung tâm, bão hòa Oxy, nồng độ CO2 thở ra, tần số thở), theo dõi độ mê, theo dõi độ mềm cơ. Bác sĩ gây mê sẽ điều chỉnh độ mê phù hợp cho từng gia đoạn của cuộc mổ.
2. Các loại thuốc thường được sử dụng trong gây mê phẫu thuật tim
Các loại thuốc thường được sử dụng trong gây mê phẫu thuật tim, bao gồm:
- Thuốc tiền mê: Trong phẫu thuật tim mạch, thuốc tiền mê thường được sử dụng: Atarax, Midazolam.
- Khởi mê: Các thuốc sử dụng trong gây mê phẫu thuật tim là sự phối hợp của các thuốc dùng để khởi mê, giảm lo lắng, giảm đau, các thuốc giãn cơ và các thuốc mê bốc hơi.
- Các thuốc khởi mê bao gồm: Propofol, Etomidate. Tùy theo từng loại bệnh lý tim và tình trạng bệnh nhân cụ thể mà có sự lựa chọn thuốc an toàn. Các thuốc này phải được dùng kết hợp với các thuốc giảm đau họ morphin và các thuốc giãn cơ để dễ dàng cho việc đặt nội khí quản.
- Thuốc an thần: Midazolam, Propofol, Lorazepam. Midazolam là thuốc có nhiều ưu điểm và được sử dụng nhiều trong gây mê nói chung và gây mê phẫu thuật tim hở nói riêng. Propofol là thuốc mê tĩnh mạch thường được sử dụng trong phẫu thuật tim hở, có tác dụng mê nhanh, tỉnh nhanh, chất lượng gây mê tốt.
- Thuốc giảm đau: Fentanyl, Sufentanil, Alfentanil, Remifentanil. Trong đó, thuốc giảm đau Fentanyl, Sufentanil được sử dụng phổ biến trong gây mê ở Việt Nam.
- Thuốc giãn cơ: Rocunium, Pancuronium, Vecuronium,...
- Duy trì mê: Giai đoạn này dùng phối hợp các thuốc giảm đau họ morphin liều thấp (fentanyl, sufentanil hoặc alfentanil), thuốc an thần (midazolam hoặc propofol), thuốc gây mê bốc hơi họ halogen và các thuốc giãn cơ (Pancuronium là thuốc giãn cơ thường được sử dụng vì có tác dụng làm tăng cả tần số tim và huyết áp và làm giảm bớt được tác dụng gây chậm nhịp tim và hạ huyết áp của các thuốc giảm đau trung tâm).
- Tại Vinmec việc sử dụng các thuốc giảm đau họ Morphin bị hạn chế, thay vào đó NB được kiểm soát đau bằng Gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (có đặt catheter truyền liên tục) nhằm tang hiệu quả giảm đau và giảm tác dụng phụ của thuốc dòng họ Morphin.
Phẫu thuật tim mạch là một phẫu thuật đòi hỏi chuyên môn cao ở người thực hiện. Bên cạnh đó việc sử dụng các thủ thuật gây mê, thuốc mê cũng cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị - máy móc hiện đại và đội ngũ nhân viên y tế lành nghề có chuyên môn cao.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện đa khoa đảm bảo được chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh và nổi tiếng với các dịch vụ khám, tư vấn điều trị toàn diện. Với đội ngũ Y, Bác sĩ có chuyên môn cao, có nhiều năm công tác trong nghề sẽ đưa ra phác đồ điều trị cũng như tư vấn về sức khỏe tốt cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đức Thông đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Đặc biệt, với quá trình 12 năm làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức cho người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm, bệnh nặng khi mổ; giúp cho nhiều ca mổ nặng, phức tạp được thành công. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.