Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Tất Bình - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Gây mê là một thuật ngữ chung để chỉ các hình thức vô cảm bao gồm gây ngủ và/hoặc không đau để mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân khi thực hiện các thủ thuật hay phẫu thuật. Như là bước khởi đầu, gây mê đã ngày càng trở nên quan trọng hơn để đảm bảo thành công cho các loại thủ thuật và phẫu thuật.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các trường hợp gây mê ngày nay đã trở nên an toàn hơn khi được thực hiện và theo dõi bởi đội ngũ các bác sĩ và điều dưỡng gây mê được đào tạo bài bản và thực hành chuyên nghiệp.
1. Có bao nhiêu loại gây mê?
Tùy thuộc theo từng chỉ định của bác sĩ thực hiện thủ thuật hay bác sĩ phẫu thuật mà các bác sĩ gây mê sẽ đưa ra các phương pháp phù hợp nhất, vừa đảm bảo vô cảm đủ để thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ chỉ định vừa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, tránh trường hợp “lạm dụng” gây mê.
An thần là một trong những hình thức gây mê “nhẹ” nhất đảm bảo được sự thoải mái cho bệnh nhân khi thực hiện các thủ thuật như nội soi đường tiêu hóa, nội soi đường hô hấp hay các thủ thuật nha khoa và các trường hợp cần kiểm soát người bệnh (trẻ em, người già lú lẫn...) khi chụp MRI hay CT. Với hình thức an thần, người bệnh sẽ không lo lắng, ngủ êm, không đau và không nhớ trong khi thực hiện thủ thuật. Các chức năng tim mạch và hô hấp được người bệnh duy trì một cách tự nhiên và luôn luôn được bác sĩ gây mê theo dõi một cách liên tục để đảm bảo an toàn.
Gây tê tại chỗ thường được thực hiện cho các thủ thuật hay phẫu thuật nhỏ như khâu vết thương, bóc các khối u nhỏ nằm nông dưới da hay lấy một mẫu mô để xét nghiệm. Đối với những phẫu thuật lớn hơn, các bác sĩ gây mê phải áp dụng kỹ thuật gây tê vùng để đảm bảo “phong bế” cảm giác đau cho một vùng như toàn bộ cánh tay hay cẳng chân để phẫu thuật. Tương ứng với từng vùng, các bác sĩ có thể lựa chọn gây tê trực tiếp thần kinh chi phối vùng đó như gây tê thần kinh đùi, gây tê thần kinh cánh tay hoặc gây tê cả trục thần kinh như gây tê khoang dưới nhện (tủy sống) hay gây tê ngoài màng cứng. Lợi ích của các phương pháp này giúp giảm đau tốt trong và sau mổ trong khi người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể trò chuyện cùng với bác sĩ. Tuy nhiên, một số nhược điểm của phương pháp này là bệnh nhân có thể lo lắng do tỉnh táo trong lúc mổ hoặc những tổn thương thần kinh trực tiếp. Để giảm thiểu tình trạng này, các các sĩ có thể kết hợp cả hai phương pháp gây tê và an thần để giúp bệnh nhân thoải mái hơn và chuyển dần các kỹ thuật gây tê trục thần kinh sang các phương pháp gây tê khoang cân mạc an toàn hơn như kỹ thuật gây tê khoang cơ dựng sống hay khoang cơ vuông thắt lưng.
Kỹ thuật cuối cùng đó là gây mê toàn diện, thường áp dụng cho các phẫu thuật lớn, kéo dài hay ở các vị trí cần kiểm soát đường thở. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp gây mê sử dụng cân bằng giữa ba loại thuốc cơ bản bao gồm gây ngủ, giảm đau và giãn cơ để có thể kiểm soát toàn bộ bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được cho lần lượt các thuốc gây ngủ, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ và sau đó đặt các phương tiện kiểm soát đường thở như mặt nạ thanh quản, ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy. Trong suốt quá trình gây mê, bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy trong máu mao mạch... để đảm chức năng hô hấp và tim mạch. Bệnh nhân cũng được theo dõi độ mê, độ giãn cơ để đảm bảo cung cấp thuốc mê vừa đủ, tránh hiện tượng thức tỉnh trong mổ hay tồn lưu thuốc giãn cơ sau mổ. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật chuyên sâu như tim mạch hay thần kinh, các bác sĩ sẽ theo dõi thêm áp lực động mạch, tĩnh mạch trung tâm hay áp lực nội sọ... để hồi sức cho bệnh nhân một cách an toàn và hiệu quả nhất.
2. Tôi có cần khám tư vấn gây mê trước phẫu thuật?
Câu trả lời chắc chắn là bệnh nhân cần phải khám đánh giá trước gây mê để đảm bảo an toàn trước mổ. Việc đánh giá tình trạng thể chất, các bệnh lí đi kèm trước mổ giúp các bác sĩ lựa chọn một phương pháp gây mê và giảm đau sau mổ phù hợp. Nhờ đó, ca mổ sẽ diễn ra an toàn hơn, rút ngắn thời gian hồi sức sau mổ và thời gian nằm viện. Trừ các trường hợp phải phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp sẽ đánh giá một cách nhanh chóng ngay trước mổ, phần lớn các bác sĩ gây mê sẽ có một buổi khám và tư vấn cho bệnh nhân tối thiểu một ngày trước mổ, một số trường hợp đặc biệt có thể khám trước đó một vài tuần để lên một kế hoạch chuẩn bị trước mổ cụ thể.
Trong buổi khám tư vấn gây mê, các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến kết quả gây mê và phẫu thuật thông qua việc hỏi bệnh nhân về như tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh tim mạch (cao huyết áp, bệnh mạch vành), hô hấp (hút thuốc lá, hen suyễn, lao phổi), các thuốc bệnh nhân đang uống có thể ảnh hưởng đến đông máu (aspirin), đánh giá các yếu tố đường thở khó (chứng ngưng thở khi ngủ, độ há miệng...) hay các vấn đề có thể ảnh hưởng đến gây mê (tiền sử uống rượu hay tai biến gây mê). Đồng thời đánh giá kết quả các xét nghiệm khảo sát chức năng gan, thận và các cơ quan khác để đưa ra một kết luận tổng thể về tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân trước mổ. Bác sĩ gây mê sẽ trao đổi và tư vấn cho bệnh nhân điều trị ổn định các bệnh lý đi kèm hoặc tầm soát thêm các các bệnh lý nghi ngờ để chuẩn bị tình trạng trước mổ. Một kế hoạch gây mê và giảm đau sau mổ phù hợp, an toàn nhất tương ứng với loại phẫu thuật và tình trạng sức khỏe hiện tại sẽ được các bác sĩ gây mê tư vấn. Các lợi ích, khả năng thành công, phương án dự phòng cũng như nguy cơ mà bệnh nhân gặp phải khi thực hiện kỹ thuật gây mê này cũng được thảo luận để bệnh nhân hiểu rõ và đồng ý trước khi tiến hành phẫu thuật.
Các bác sĩ gây mê cũng đưa ra những hướng dẫn nhịn ăn uống cho bệnh nhân phù hợp trước phẫu thuật, ví dụ thức ăn đặc tối thiểu trước phẫu thuật từ 6 – 8 giờ, hay nước lọc tối thiểu 2 giờ để phòng ngừa tình trạng hít sặc thức ăn, nước uống khi gây mê có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi hít.
3. Các bác sĩ gây mê đã làm gì để đảm bảo an toàn cho tôi trong suốt quá trình phẫu thuật?
Với những thông tin có được từ buổi khám tư vấn gây mê, các bác sĩ sẽ chuẩn bị các phương tiện và trang thiết bị phù hợp để thực hiện kỹ thuật gây mê một cách hiệu quả và an toàn nhất.
Đối với các kỹ thuật gây tê, các bác sĩ sẽ sử dụng máy dò thần kinh, máy siêu âm để xác định chính xác thần kinh hoặc vị trí để thực hiện gây tê, giảm thiểu tối đa các tổn thương thần kinh. Các đánh giá về hiệu quả “phong bế” thần kinh sẽ được thực hiện để đảm bảo chắc chắn bệnh nhân không đau khi bác sĩ phẫu thuật bắt đầu rạch da.
Đối với các kỹ thuật an thần và gây mê, nếu bệnh nhân được tiên lượng đường thở khó thì các bác sĩ sẽ chuẩn bị các phương tiện kiểm soát đường thở khó, đèn soi thanh quản có màn hình video, ống nội soi mềm... để đảm bảo chắc chắn có thể đặt được ống nội khí quản. Các thiết bị theo dõi dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ khí CO2 trong khí thở ra, độ bảo hòa oxy trong máu mao mạch, nhiệt độ sẽ được lắp đặt thường quy để theo dõi liên tục các chức năng tim mạch và hô hấp của bệnh nhân trong suốt ca mổ.
Một trong những vấn đề bệnh nhân rất lo lắng là hiện tượng thức tỉnh trong lúc mổ. Đây là hiện tượng bệnh nhân biết được tất cả những diễn biến trong mổ nhưng không thể “cầu cứu” vì bị ức chế bởi thuốc giãn cơ. Mặc dù hiện tượng này hiếm gặp, nhưng để lại nỗi ám ảnh hay những chấn thương tâm lý kéo dài cho bệnh nhân. Để phòng ngừa hiện tượng này, các bác sĩ gây mê sẽ lắp đặt thêm thiết bị để theo dõi mức độ gây mê để luôn đảm bảo rằng bệnh nhân sẽ ngủ và không thức tỉnh đột ngột trong suốt quá trình phẫu thuật.
Tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ cũng là một trong những nỗi lo của người bệnh sau mổ. Mặc dù bệnh nhân đã tỉnh lại sau khi ca mổ thành công, nhưng việc tồn lưu thuốc giãn cơ do không được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng suy hô hấp sau đó và tử vong. Để phòng ngừa tình trạng này, các bác sĩ gây mê sẽ tiến hành theo dõi mức độ “phong bế” của thuốc giãn cơ và sử dụng các thuốc trung hòa để hóa giải tất cả các thuốc giãn cơ vào cuối ca mổ.
4. Sau mổ, tôi thường gặp vấn đề gì, có nguy hiểm hay không?
Kết thúc ca mổ, thông thường các bác sĩ gây mê sẽ tiến hành “thoát mê” và bệnh nhân sẽ tỉnh dậy ngay trong phòng mổ hoặc tại phòng hồi tỉnh và tiếp tục được theo dõi liên tục sau đó trong khoảng 2 giờ để đảm bảo bệnh nhân đã phục hồi vận động, cảm giác cũng như không còn ảnh hưởng bởi các thuốc gây tê, gây mê trước khi chuyển trở lại phòng bệnh để nghỉ ngơi. Những trường hợp phẫu thuật phức tạp hoặc tình trạng bệnh còn nặng, các bác sĩ gây mê sẽ tiếp tục duy trì trạng thái ngủ để tiếp tục hồi sức tại khu vực chăm sóc tích cực (ICU) cho bệnh nhân cho đến khi tình trạng cải thiện. Trong tất cả các trường hợp, bệnh nhân không nên hoảng loạn, cố gắng hợp tác với bác sĩ để quá trình thoát mê được diễn ra thành công và an toàn.
Hiển nhiên rằng, sau mổ, bệnh nhân thường có cảm giác mệt và đau nhẹ. Một số cảm giác như buồn nôn, nôn, nhức đầu, khô miệng, đau cổ họng, khàn tiếng, đau cơ, ngứa, lạnh run là những tác dụng không mong muốn thể gặp sau gây mê. Tuy nhiên, bệnh nhân đừng quá lo lắng vì chúng có thể dần biến mất khi được ủ ấm, nghỉ ngơi hoặc sẽ được các bác sĩ điều trị để giảm triệu chứng.
Sau khi bệnh nhân đã rời khu vực hồi tỉnh và trở về phòng bệnh, các hướng dẫn chăm sóc và theo dõi sau mổ sẽ được bàn giao giữa các điều dưỡng phòng mổ và phòng bệnh để đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc một cách liên tục. Kế hoạch giảm đau đa mô thức bao gồm thuốc truyền tĩnh mạch và các kỹ thuật gây tê vùng giảm đau sẽ được các bác sĩ gây mê thực hiện để đảm bảo giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, có thể vận động sớm và phục hồi sớm sau phẫu thuật.
XEM THÊM:
- Vinmec hướng đến mục tiêu bệnh viện an toàn nhất Đông Nam Á về gây mê phẫu thuật
- Sự khác nhau giữa gây tê và gây mê
- Tìm hiểu về gây tê, gây tê vùng