Chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò đặc biệt trọng trong quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cơ thể nhanh hồi phục, hạn chế tác dụng phụ của liệu pháp điều trị ung thư và giảm các triệu chứng của bệnh.
1. Bệnh nhân ung thư vú nên ăn uống như thế nào?
Chế độ ăn uống lành mạnh là đặc biệt quan trọng cho bệnh nhân bị ung thư vú. Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cơ thể nhanh hồi phục sau quá trình điều trị ung thư. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể mang tới các lợi ích sau:
- Giữ cân nặng lý tưởng
- Giúp các mô trong cơ thể khỏe mạnh
- Giảm bớt các triệu chứng ung thư và tác dụng phụ của điều trị
- Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
- Giảm mệt mỏi
- Cải thiện chất lượng cuộc sống
Liệu pháp điều trị ung thư vú có thể gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể. Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% những người bị ung thư vú bị trầm cảm hoặc lo lắng. Bởi vì ung thư vú có thể ảnh hưởng đáng kể đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần, nó có thể tác động tiêu cực đến sự thèm ăn của bạn. Việc lựa chọn thực phẩm tốt có thể giúp nuôi dưỡng não bộ và cơ thể để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Nhiều bệnh nhân thắc mắc ung thư vú ăn gì tốt nhất. Thực tế, không có chế độ ăn uống cụ thể nào được khuyến nghị cho những người bị ung thư vú. Nhu cầu chất dinh dưỡng có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm trọng lượng cơ thể, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, thuốc men và bất kỳ triệu chứng nào mà bạn đang gặp phải. Các loại thực phẩm sau đây dựa trên các khuyến nghị chung để duy trì sức khỏe tổng thể khi sống chung với bệnh ung thư vú:
- Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các nguồn protein như thịt gà và gà tây, cá béo như cá hồi và các nguồn protein từ thực vật như đậu lăng và các loại hạt
- Thực phẩm giàu protein và chất béo lành mạnh: Nếu bạn cần tăng cân, hãy kết hợp các nguồn chất béo lành mạnh như các loại hạt, quả bơ và dầu ô liu cũng như các nguồn protein như trứng, thịt gà, đậu lăng và cá. Thực phẩm giàu protein đặc biệt quan trọng giúp duy trì khối lượng cơ trong cơ thể.
- Chất lỏng pha trộn như sữa lắc, sinh tố, nước trái cây hoặc súp cho những lúc bạn không muốn ăn thức ăn đặc.
- Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, các loại đậu, rau và trái cây để điều trị táo bón. Người bệnh ung thư vú nên duy trì 25-30 gram chất xơ mỗi ngày. Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm chưa qua chế biến có nhiều carbohydrate, chất xơ, chất phytochemical, vitamin, khoáng chất. Nghiên cứu tại Đại học Soochow (Trung Quốc) cho rằng thực phẩm có lượng chất xơ cao có thể thay đổi hoạt động của hormone liên quan tới một số bệnh lý ung thư.
2. Các thực phẩm bệnh nhân ung thư vú cần tránh
Khi cảm thấy mệt mỏi do các tác dụng phụ liên quan đến việc điều trị, bạn có thể chỉ dung nạp được các loại thực phẩm cụ thể. Khi bạn cảm thấy khỏe, tốt nhất nên tuân theo một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng với đầy đủ các loại thực phẩm như trái cây, rau, các nguồn protein như thịt gà và cá, thực phẩm giàu chất xơ như đậu và chất béo lành mạnh như bơ, dầu ô liu và các loại hạt. Trong một số trường hợp nhất định, bạn có thể cần tránh hoặc giảm tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống cụ thể, bao gồm:
- Bia rượu: Bia và rượu có thể tương tác với các loại thuốc điều trị ung thư. Cũng có một số bằng chứng cho thấy uống rượu có thể làm tăng nguy cơ tái phát và tử vong đối với bệnh ung thư vú hiện có.
- Thực phẩm cay, giòn hoặc có tính axit. Chúng có thể làm tăng đau họng, đây là một tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị
- Thức ăn chưa nấu chín: Nếu bạn bị ung thư vú, bạn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Tránh thực phẩm sống như sushi và hàu trong quá trình điều trị. Nấu chín thịt, cá và gia cầm ở nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Vì những lý do tương tự, hãy tránh các loại hạt sống, thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc bị mốc, thức ăn thừa để trong tủ lạnh hơn 3 ngày.
- Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
- Đồ uống có đường: Tiêu thụ đồ uống ít đường có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý.
- Thực phẩm siêu chế biến sẵn và ngũ cốc tinh chế: Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nguy cơ ung thư vú gia tăng 10 đối với những người ăn thực phẩm siêu chế biến (Thực phẩm siêu chế biến là những loại thực phẩm được chế biến công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên, bao gồm các chất phụ gia, chất tạo màu, chất bảo quản...)
- Ăn thực phẩm có chứa một số hợp chất được gọi là phytochemicals có thể giúp cơ thể bạn chống lại bệnh ung thư. Các chất này chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất này có tác dụng làm giúp giảm nguy cơ mắc ung thư hoặc tái phát ung thư, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định tác động chính xác của các hợp chất này đối với bệnh lý ung thư. Ví dụ như beta carotene có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các khối u ác tính, cũng có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc hóa trị mà không làm giảm tác động của điều trị đối với tế bào ung thư.
3. Một số chế độ ăn kiêng bệnh nhân ung thư vú có thể áp dụng
Nhiều bệnh nhân thắc mắc bị ung thư vú nên ăn gì và cố gắng tìm câu trả lời trên internet. Nhiều nguồn tuyên bố rằng một vài chế độ ăn kiêng có thể chữa khỏi bệnh ung thư vú. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy rằng một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa ít béo có thể có tác động tích cực đến sự sống còn của bệnh ung thư. Ngược lại, ăn thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường hoặc thực phẩm chiên rán có thể có tác động tiêu cực. Vì vậy, bất kỳ chế độ ăn kiêng nào, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải, khuyến khích kiểu ăn uống này có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi bệnh ung thư. Nếu bạn muốn thử các chế độ ăn kiêng sau đây, tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn:
Chế độ ăn Keto nghĩa là ăn các thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, ít carbohydrate. Bạn cắt giảm đáng kể lượng carbohydrate để đưa cơ thể vào trạng thái ketosis, nơi cơ thể buộc phải đốt cháy chất béo dự trữ để lấy năng lượng. Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn keto có triển vọng đối với một số loại ung thư, nhưng nó vẫn chưa được chứng minh là có thể giúp điều trị ung thư vú. Nó cũng có thể làm thay đổi sự cân bằng hóa học trong cơ thể bạn và điều này có thể gây ra một số rủi ro.
Chế độ ăn dựa trên thực vật
Chế độ ăn dựa trên thực vật có nghĩa là bạn chủ yếu ăn các loại thực phẩm như trái cây, rau củ, ngũ cốc, các loại đậu và hạt. Điều này tương tự với chế độ ăn chay hoặc thuần chay, nhưng nhiều người theo chế độ ăn dựa trên thực vật vẫn có thể ăn các sản phẩm động vật. Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị thực hiện theo một chế độ ăn uống dựa trên thực vật để ngăn ngừa ung thư. Nghiên cứu của họ cho thấy những người sống sót sau ung thư cũng có thể hưởng lợi từ chế độ ăn này. Chế độ ăn uống này cho phép bạn nhận được chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất phytochemical từ thực phẩm thực vật, đồng thời nhận được protein và chất dinh dưỡng từ các sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Nếu bạn theo chế độ ăn Địa Trung Hải, điều đó có nghĩa là bạn đang ăn nhiều loại trái cây và rau quả, cũng như ngũ cốc, quả hạch và hạt. Chế độ ăn này cũng bao gồm dầu ô liu, đậu, sữa và protein như thịt gà, trứng và cá với số lượng ít hơn. Thực phẩm bạn ăn với chế độ ăn kiêng này có xu hướng chưa qua chế biến. Bạn có thể uống rượu với lượng tối thiểu, thường là rượu vang và thường là trong bữa ăn. Chế độ ăn kiêng này giảm thiểu đường, muối và chất béo bão hòa và không bao gồm nhiều thịt đã qua chế biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tuân thủ chế độ ăn Địa Trung Hải có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú và có tác động tích cực đến tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng chế độ ăn này có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm đau và tăng cường sức khỏe tổng thể.
4. Một số mẹo để xây dựng chế độ ăn uống cân bằng cho bệnh nhân ung thư vú
Các triệu chứng ung thư vú và tác dụng phụ của việc điều trị có thể khiến bạn cảm thấy không khỏe để nấu, lập kế hoạch ăn uống như bình thường. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh một cách dễ dàng:
- Chia nhỏ bữa ăn: Buồn nôn, đầy bụng và táo bón có thể khiến bạn khó ăn ba bữa lớn mỗi ngày. Để có được lượng calo bạn cần, hãy ăn từng phần nhỏ với năm hoặc sáu lần mỗi ngày. Thêm đồ ăn nhẹ như trứng luộc chín, sữa chua với quả mọng và bơ đậu phộng vào bánh quy giòn hoặc táo.
- Tham khảo ý kiến từ một chuyên gia dinh dưỡng: Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn thiết kế một kế hoạch ăn uống lành mạnh phù hợp với sở thích ăn uống và nhu cầu dinh dưỡng của bạn. Họ cũng có thể hướng dẫn bạn cách giảm bớt các tác dụng phụ trong điều trị ung thư như khó chịu, buồn nôn, chán ăn, thay đổi vị giác,...Nếu có thể, bạn hãy làm việc với một chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm điều trị những bệnh nhân bị ung thư vú.
- Sử dụng các dụng cụ nấu ăn phù hợp: Đôi khi hóa trị có thể để lại mùi vị khó chịu trong miệng khiến thức ăn có mùi vị khó chịu. Một số loại thực phẩm chẳng hạn như thịt có thể có vị kim loại. Để cải thiện hương vị của thức ăn, hãy tránh các dụng cụ nấu ăn bằng kim loại. Thay vào đó, bạn hãy thử sử dụng dao kéo bằng nhựa và nấu ăn bằng nồi và chảo thủy tinh.
- Bổ sung thêm nhiều chất lỏng: Nếu miệng của bạn quá đau để ăn thức ăn rắn, hãy nạp dinh dưỡng từ các sản phẩm lỏng như sinh tố hoặc đồ uống dinh dưỡng. Ngoài ra, các tác dụng phụ của việc điều trị như nôn mửa và tiêu chảy có thể khiến bạn mất nước. Uống ít nhất 8-12 cốc nước mỗi ngày. Trong khi đang điều trị, một số chất lỏng bạn nên thử như nước trái cây, sữa và nước lọc ít natri. Hạn chế cafein và cố gắng ăn thức ăn có nhiều nước như trái cây.
- Tham khảo sách hướng dẫn: Hiện nay có khá nhiều đầu sách về cách xây dựng chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư nói chung và bệnh nhân ung thư vú nói riêng. Nếu cảm thấy khó khăn trong viện xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, các quyển sách trên có thể giúp ích cho bạn.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng khi bị ung thư vú mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nó không chỉ giúp bạn phục hồi nhanh hơn mà còn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Nếu bạn đang cân nhắc một chế độ ăn kiêng hoặc gặp khó khăn trong việc tuân thủ kế hoạch ăn uống lành mạnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.