Dùng thuốc nhỏ mũi đúng cách cho người viêm xoang

Dùng thuốc nhỏ mũi sẽ giúp cho người bệnh giảm sự khó chịu do bị nhức mũi, nghẹt mũi. Tuy nhiên, người bị viêm xoang cần dùng thuốc nhỏ mũi đúng cách để đảm bảo thuốc có tác dụng tốt, tránh phản ứng phụ.

1. Nhận biết triệu chứng của bệnh viêm xoang

Bệnh viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi. Nguyên nhân là do phù nề gây tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do các tác nhân nào đó gây tắc nghẽn xoang. Nếu bệnh viêm xoang không được phát hiện sớm và không được điều trị đúng cách khiến cho bệnh kéo dài dai dẳng thì được gọi là viêm xoang mạn tính.

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang. Thường gặp nhất là:

  • Do người bệnh bị nhiễm virus, vi khuẩn và tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang gây viêm xoang.
  • Dị ứng: Một số yếu tố gây dị ứng như thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường khói bụi cũng là các nguyên nhân khiến cho các cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm xoang tái phát nếu không loại được các yếu tố trên ra khỏi môi trường sống.
  • Giải phẫu mũi xoang: Đây là tỷ lệ hiếm gặp là bất thường giải phẫu mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi dẫn đến lưu thông mũi xoang yếu và gây viêm xoang.

Triệu chứng bệnh viêm xoang:

  • Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm xoang là người bệnh có thể hắt hơi, sổ mũi như một nhiễm bệnh cúm thông thường.
  • Sau đó xuất hiện thêm nghẹt mũi và chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh.
  • Khi bệnh viêm xoang nặng, người bệnh có thể sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má, giảm khả năng cảm nhận mùi, thậm chí không ngửi thấy mùi.

Bệnh viêm xoang gây hắt hơi, sổ mũi
Bệnh viêm xoang gây hắt hơi, sổ mũi

2. Dùng thuốc nhỏ mũi đúng cách cho người viêm xoang

Người bị viêm xoang cần dùng thuốc nhỏ mũi đúng cách. Cụ thể, người bệnh làm theo các bước sau đây:

Bước 1: Xì mũi để các dịch mũi chảy ra ngoài

Có một sai lầm hay gặp trước khi dùng thuốc nhỏ mũi viêm xoang đó là một số người không biết thường bịt chặt cả hai lỗ mũi rồi xì mạnh khiến các chất ứ đọng ở hốc mũi bị đẩy ngược vào xoang hay lỗ thông với họng. Do vậy, để xì mũi đúng cách, bạn cần bịt từng bên mũi, xì mạnh bên đối diện để chất ứ đọng chảy ra hết và ngược lại.

Trường hợp bị tắc, ngạt mũi nhiều, hay bị chảy máu cam, bạn cần nhỏ thuốc co mạch để thông một phần trước.

Bước 2: Hút mũi

Đối với trẻ nhỏ bị viêm xoang sau, mủ đặc dính khó xì nên phụ huynh cần hút mũi cho trẻ. Tuy nhiên, không nên thực hiện hút mũi với trẻ nhỏ bằng miệng vì rất dễ mất vệ sinh, chỉ lấy được chất ở ngay cửa sau lỗ mũi.

Khi thực hiện thao tác hút mũi, nếu hút bằng máy, bạn phải dùng loại máy hút có điều chỉnh được áp lực để không hút quá mạnh, quá lâu gây hại cho niêm mạc mũi.

Bước 3: Nhỏ mũi

Khi dùng thuốc nhỏ mũi trị viêm xoang, người bệnh nên nằm ngửa, hoặc ngồi ngửa để thuốc vào được trong hốc mũi, hướng đầu ống nhỏ ra phía ngoài cánh mũi, lên trên. Sau đó, nhỏ thuốc nhỏ mũi từng giọt, không nên nhỏ quá 5 giọt. Sau khi nhỏ thuốc nhỏ mũi, người bệnh lấy tay day nhẹ trên cánh mũi để thuốc được vào sâu bên trong hơn.

Đối với người bị viêm xoang sau nên nằm xuống khi nhỏ thuốc nhỏ mũi trị viêm xoang, đầu rời khỏi thành giường, ngửa tối đa để hướng hẳn lỗ mũi lên trên. Sau khi nhỏ mũi, bạn không nên đứng lên, đi lại, hoạt động ngay, cần ngồi hoặc nằm im vài phút để thuốc nhỏ mũi vào được cả xoang mũi.

Bên cạnh đó, người bị viêm xoang nên rửa mũi thường xuyên và đúng cách sẽ giúp cho người bệnh kiểm soát được các triệu chứng và cải thiện bệnh rõ rệt.

Khi rửa mũi, người bệnh nên nhỏ nước muối sinh lý vào chảy từ một bên lỗ mũi sang lỗ mũi bên kia. Việc làm này sẽ giúp rửa sạch chất nhầy và các chất gây dị ứng bên trong lỗ mũi.


Người bệnh cần nhỏ mũi đúng cách
Người bệnh cần nhỏ mũi đúng cách

3. Chọn thuốc nhỏ mũi trị viêm xoang

Việc chọn thuốc nhỏ mũi trị viêm xoang là vấn đề quan trọng với người bị viêm xoang. Hiện nay, các loại thuốc nhỏ mũi cơ bản đều nhằm làm co mạch, tạo sự thông thoáng, thở thông và dẫn lưu tốt.

  • Naptazolin: 0,1% dùng cho người lớn, trẻ lớn, 0,05% dùng cho trẻ nhỏ (không được dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi).
  • Ephedrin: 3% dùng cho người lớn, trẻ lớn; 1 % dùng cho trẻ nhỏ.
  • Thuốc chống viêm, sát khuẩn: người bệnh viêm mũi mủ, viêm xoang cấp hay mãn tính thường dùng thuốc co mạch có thêm kháng sinh hay corticoid. Với trẻ nhỏ, thuốc có thêm acgyron 1% - 2%.

Lưu ý: Người bị viêm xoang không được tự nhỏ bằng kháng sinh, corticoid đậm đặc hoặc có hàm lượng cao. Điều đó sẽ gây hại cho niêm mạc mũi xoang. Với các thuốc Đông dược, người bệnh cần thận trọng, đảm bảo không có nấm, vi khuẩn, dị nguyên gây phản ứng hoặc gây hại đến thần kinh, mạch ở mũi xoang.

Tốt hơn hết, người bệnh nên tới gặp bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết về các loại thuốc nên sử dụng.


Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe