Misoprostol là một chất tổng hợp tương tự prostaglandin E1. Ngoài tác dụng ức chế tiết acid dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc còn có thể kích thích co bóp tử cung và thúc đẩy sự chín muồi cổ tử cung. Vì vậy misoprostol được ứng dụng rộng rãi trong sản khoa. Vậy Misoprostol trong sản khoa sử dụng như thế nào?
1. Misoprostol công dụng gì trong sản khoa?
WHO thừa nhận vai trò quan trọng của Misoprostol trong sản khoa và vai trò này thể hiện qua 4 công dụng chính sau: khởi phát chuyển dạ, phòng và điều trị băng huyết sau sinh (BHSS), sảy thai tự nhiên và phá thai.
2. Cách sử dụng Misoprostol
2.1 Cách sử dụng Misoprostol trong sản khoa để khởi phát chuyển dạ
WHO có 2 khuyến cáo trong sử dụng Misoprostol trong khởi phát chuyển dạ:
- Trong khởi phát chuyển dạ cho những thai kỳ đủ tháng và không có tiền căn mổ lấy
- Trong chấm dứt thai kỳ trong các trường hợp liên quan dị tật thai nhi hoặc thai chết trong tử cung ở 3 tháng cuối của thai kỳ
Liều dùng cho cả 2 khuyến cáo này là misoprostol 25mcg mỗi 2 giờ với đường uống hoặc 25mcg mỗi 6 giờ với đường đặt âm đạo.
2.2 Sử dụng Misoprostol trong sản khoa để phòng ngừa và điều trị băng huyết sau sinh
Để phòng ngừa băng huyết sau sinh thì việc sử dụng Oxytocin đường tĩnh mạch được xem là hiệu quả hơn Misoprostol đường uống. Nhưng khi oxytocin không có sẵn, các nhân viên y tế sẽ dùng liệu pháp thay thế bằng misoprostol để tử cung co hồi ngăn ngừa băng huyết sau sinh. Liều dùng misoprostol là 600mcg đường uống.
Ngoài ra misoprostol cũng được dùng để điều trị trường hợp băng huyết sau sinh do không co hồi tử cung bằng oxytocin thất bại hoặc không có sẵn.
Trong quá trình sử dụng thuốc nếu các triệu chứng không thuyên giảm và năng thêm bạn nên báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
2.3 Sử dụng misoprostol trong sản khoa để phá thai nội khoa
- Phá thai nội khoa với thai nhỏ hơn 9 tuần tuổi: Sau khi uống 200 mg thuốc Mifepristone từ 24-48 giờ tiếp tục sử dụng 800 mcg Misoprostol đặt âm đạo, ngậm áp má hoặc ngậm dưới lưỡi. Misoprostol đặt âm đạo có hiệu quả cao hơn ít tác dụng phụ ít hơn so với các đường dùng khác, đường misoprostol uống chỉ nên sử dụng cho thai nhỏ hơn 7 tuần tuổi.
- Phá thai nội khoa với thai từ 9 -12 tuần: 36-48 giờ sau khi uống 200 mg Mifepristone sử dụng 800 mcg đường đặt âm đạo, sau đó mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 mcg (tối đa 5 liều).
- Phá thai nội khoa với thai sau 12 tuần: sau 36-48 giờ sau khi uống 200 mg Mifepristone 800 mcg misoprostol đặt âm đạo, sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 mcg misoprostol đến khi sẩy thai ( nhiều nhất 5 liều).
- Chuẩn bị cổ tử cung trước khi phá thai ngoại khoa đến hết 84-98 ngày (12-14 tuần): Để cải thiện sự giãn nở cổ tử cung trước khi thực hiện thủ thuật phá thai ngoại khoa người ta có thể dùng que nong thẩm thấu hoặc Misoprostol. Với misoprostol có thể dùng một liều duy nhất 400 mcg hoặc ngậm dưới lưỡi 2 giờ hoặc đặt âm đạo 3 giờ trước thủ thuật.
3. Misoprostol chống chỉ định trên đối tượng nào?
- Misoprostol chống chỉ định cho người dị ứng, có tiền sử quá mẫn với misoprostol hoặc với prostaglandin trước đó.
- Misoprostol chống chỉ định ở phụ nữ mang thai vì thuốc có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, thậm chí gây sảy thai. Đã có báo cáo misoprostol gây khuyết tật bẩm sinh, chết thai, sảy thai nhưng không thành công. Do đó, không tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ trong thời gian mang thai.
- Misoprostol chống chỉ định ở phụ nữ cho con bú vì misoprostol có thể bài tiết vào sữa mẹ và gây tiêu chảy ở trẻ bú mẹ.
- Misoprostol chống chỉ định tương đối cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, hoặc có ý định mang thai vì thuốc có thể làm sảy thai, trừ khi bệnh nhân cần phải được điều trị với thuốc chống viêm không steroid - NSAIDs và có nguy cơ cao bị biến chứng loét dạ dày khi sử dụng nhóm thuốc này. Và chỉ khuyến nghị dùng misoprostol cho đối tượng có thể mang thai khi đã dùng biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn.
- Giống như các prostaglandin khác dùng để kết thúc thai kỳ, misoprostol chống chỉ định sử dụng trên người có nguy cơ bị vỡ tử cung cao như tử cung có sẹo bởi lần mổ trước, đa thai,...
- Trong một số trường hợp mắc bệnh lý mạch máu não, bệnh về tim mạch cũng có chống chỉ định tương đối trong sử dụng misoprostol.
- Thận trọng khi dùng misoprostol cho người bị viêm ruột, tiêu chảy nặng, hội chứng ruột kích thích - IBS và các vấn đề về đường ruột khác.
4. Tác dụng phụ của Misoprostol là gì?
Thuốc misoprostol có thể gây ra một số triệu chứng không muốn cho phụ nữ như:
- Tiêu chảy từ nhẹ đến nặng, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, táo bón.
- Đau đầu.
- Đau bụng kinh, âm đạo chảy máu bất thường, rối loạn kinh nguyệt.
- Chóng mặt
- Tụt huyết áp.
- Viêm tụy.
- Suy nhược, mệt mỏi, trầm cảm, bệnh thần kinh ngoại biên
5. Xử trí thế nào khi quá liều Misoprostol hoặc quên 1 liều misoprostol
Triệu chứng khi bạn dùng quá liều misoprostol được báo cáo trên lâm sàng như: an thần, run, co giật, đau bụng tiêu chảy, khó thở, sốt, đánh trống ngực, hạ huyết áp, nhịp tim chậm. Hãy gọi ngay hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí thích hợp.
Khi bạn quên 1 liều misoprostol hãy dùng ngay sau khi nhớ ra liều đã quên, nhưng nếu thời gian quá gần với liều kế tiếp hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp như thường lệ, tuyệt đối không uống gấp đôi liều để bù lại.
6. Cách bảo quản thuốc misoprostol
Thuốc Misoprostol cần được để ngoài tầm với của trẻ em. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên bảo quản misoprostol ở nơi khô ráo thoáng mát. Không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.