Hội chứng bàng quang tăng hoạt là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng căn bệnh này lại gây khó chịu cho người bệnh, làm giảm đáng kể chất lượng sống. Vì vậy thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt có thể là một giải pháp cứu cánh cho bệnh nhân.
1. Vài nét về bệnh bàng quang tăng hoạt là gì ?
Bàng quang tăng hoạt (Overactive bladder hay Overactive Bladder Syndrome) là hội chứng bao gồm 4 nhóm triệu chứng sau đây:
- Tiểu gấp;
- Tiểu lắc nhắc;
- Tiểu đêm;
- Có hay không kèm theo Són tiểu.
Cụ thể hơn người mắc bệnh bàng quang tăng hoạt thường không thể đi tiểu chủ động như bình thường mà thường tiểu lắt nhắt nhiều lần, đôi khi bệnh nhân có thể tiểu từ 10 - 30 lần trong 24 giờ, ban ngày cũng như ban đêm. Tuy nhiên bệnh có một đặc điểm đáng chú ý là dù tiểu lắt nhắt nhưng bệnh nhân không bị tiểu đau buốt, không khó tiểu mà mỗi lần chỉ đi rất ít nước, tiểu xong lại có cảm giác muốn tiểu trở lại ngay. Một số người mắc bệnh bàng quang tăng hoạt có kèm són tiểu, mót tiểu rất gấp nếu chậm trễ có thể són tiểu. Dù số lần đi tiểu của bệnh nhân rất nhiều nhưng tổng lượng nước tiểu trong ngày của người bệnh lại không tăng, người bệnh uống nước bình thường.
Có thể thấy hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể được chia thành 2 dạng: bàng quang tăng hoạt khô nghĩa là bệnh nhân không có són tiểu, và bàng quang tăng hoạt ướt nghĩa là bệnh nhân có són tiểu.
Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể kể đến gồm:
- Nguyên nhân do một vài loại thuốc (thuốc kháng viêm, nhóm cholinergic, thuốc chẹn bêta, serotonin...);
- Chứng bàng quang thần kinh (neurogenic bladder);
- Bệnh hoặc tổn thương thần kinh (xơ hoá thần kinh rải rác, Parkinson, tổn thương thần kinh tủy sống ...);
- Đột quỵ;
- Stress, trạng thái tâm lý lo âu, buồn phiền...;
- Ung thư bàng quang;
- Nhiễm trùng niệu;
- U tuyến tiền liệt...
Có thể thấy biểu hiện chính của hội chứng bàng quang tăng hoạt là tiểu nhiều lần trong ngày, tiếu gấp do đó có rất nhiều người nhầm tưởng đây là triệu chứng của bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt, viêm bàng quang... từ đó làm chậm trễ việc điều trị bệnh.
2. Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt
2.1 Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt nhóm chống co thắt cơ trơn
Nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn (antimuscarinics) là một trong những nhóm thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt phổ biến nhất hiện nay với mục tiêu chính là giảm bớt hoạt động của nhóm cơ trong thành bàng quang, thông qua việc ức chế các thụ thể của chúng. Thuốc nhóm này hoạt động bằng cách ngăn chặn một số xung thần kinh đến bàng quang, làm giãn cơ bàng quang và làm tăng khả năng chứa của bàng quang.
Từ đó cảm giác buồn tiểu của người bệnh cũng sẽ thuyên giảm. Những thuốc trị bệnh bàng quang tăng hoạt thuộc nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn gồm:
- Oxybutynin;
- Solifenacin;
- Tolterodine;
- Fesoterodine;
- Trospium;
- Darifenacin.
Bên cạnh tác dụng điều trị, thuốc chống co thắt cơ trơn cũng có nguy cơ mang lại các tác dụng phụ cho người uống tùy vào thể trạng của mỗi cá nhân, phổ biến nhất là tác dụng phụ gây khô miệng và táo bón. Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt nhóm chống co thắt cơ trơn khi được bào chế ở dạng giải phóng kéo dài như: miếng dán hay gel bôi da có thể ít gây tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng các bác sĩ sẽ kê thêm một số sản phẩm giúp bệnh nhân đối phó với những phản ứng không mong muốn này của thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt.
Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt này giúp cải thiện triệu chứng trong một số trường hợp bệnh nhưng không phải là tất cả. Tuy nhiên sự cải thiện và thay đổi triệu chứng từ người này sang người khác cũng rất khác nhau. Bệnh nhân mắc bệnh bàng quang tăng hoạt có thể có ít lần đi tiểu hơn, ít rỉ nước tiểu hơn và ít tiểu gấp hơn so với trước khi dùng thuốc. Tuy nhiên, đặc điểm của nhóm thuốc này là không cải thiện các triệu chứng hoàn toàn nếu bệnh nhân ngưng thuốc. Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt nhóm này nên dùng trong khoảng 1 tháng hoặc lâu hơn, nếu hữu ích bệnh nhân có thể được chỉ định tiếp tục dùng cho đến 6 tháng và sau đó ngừng thuốc lại để đánh giá bệnh.
Nếu các triệu chứng trở lại sau khi bệnh nhân ngưng thuốc thì cần thực hiện việc việc kết hợp giữa một liệu trình thuốc với tập luyện bàng quang, hướng điều trị này có thể sẽ tốt hơn, các triệu chứng bệnh có thể ít trở lại hơn khi bệnh nhân ngừng thuốc. Do đó tốt nhất là nên sử dụng kết hợp thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt với việc tập luyện bàng quang.
2.2. Liệu pháp estrogen cho phụ nữ mãn kinh mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt
Điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ mãn kinh có thể áp dụng các liệu pháp estrogen âm đạo. Estrogen âm đạo có thể được điều chế dưới dạng kem bôi, viên đạn đặt âm đạo, viên nén hoặc vòng đặt vào trong âm đạo... giúp giảm đáng kể triệu chứng bệnh.
2.3. Thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt Mirabegron
Mirabegron là chất chủ vận thụ thể adrenergic beta-3. Hoạt chất này được sử dụng để quản lý bệnh bàng quang hoạt động quá mức thay thế cho thuốc antimuscarinic cho chỉ định này. Thuốc giúp cơ bàng quang được giãn ra tuy nhiên thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn bao gồm: tăng huyết áp, nhức đầu, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, táo bón và tiêu chảy. Các tác dụng phụ có thể cải thiện khi bệnh nhân ngưng thuốc.
3. Điều trị xâm lấn chuyên sâu nhờ tiêm Botulinum
Một phương pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt khác là tiêm Botulinum (như BOTOX) với công dụng làm giảm co thắt cơ đến bàng quang. Độc tố Botulinum A có khả năng ngăn chặn hoạt động thần kinh trong các cơ của bàng quang, làm giảm bớt tần suất co cơ bàng quang nên dẫn đến việc giảm đi tiểu cho bệnh nhân mắc bệnh bàng quang tăng hoạt.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo rằng có khoảng 6% người bệnh sau khi tiêm thuốc có thể tạm thời mất khả năng đi tiểu, do đó bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý đặt ống thông tiểu nếu không gặp phải tác dụng phụ này.
Đây là phương pháp điều trị này có thể thay thế cho phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt khác bao gồm: tập luyện bàng quang và thuốc điều trị bệnh bàng quang tăng hoạt không giúp cải thiện các triệu chứng của người bệnh.
Việc điều trị được tiến hành bằng cách tiêm độc tố Botulinum A vào hai bên bàng quang của bệnh nhân giúp làm giảm co thắt bất thường của bàng quang. Lưu ý độc tố Botulinum A hiện nay đã được phê duyệt (được cấp phép) để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt ở Anh tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bệnh nhân đã thảo luận đầy đủ về quy trình này với bác sĩ và hiểu tất cả các rủi ro, lợi ích của nó trước khi thực hiện.
4. Phẫu thuật điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt
Khi tất cả những liệu pháp điều trị trên đều không phù hợp hoặc không mang đến hiệu quả như mong đợi, bệnh nhân chỉ còn một phương án lựa chọn cuối cùng là phẫu thuật điều trị bàng quang tăng hoạt đều nhằm mục đích thuyên giảm các triệu chứng nghiêm trọng, tăng khả năng lưu trữ nước tiểu bàng quang, đồng thời giảm bớt áp lực đang phát sinh tại đây. Phẫu thuật bàng quang tăng hoạt có 2 loại:
- Tăng dung tích bàng quang: dùng các mảnh ruột để thay thế một phần bàng quang khi đó bệnh nhân có thể phải sử dụng ống thông tiểu liên tục trong suốt phần đời còn lại;
- Cắt bỏ bàng quang: tình huống tệ nhất bệnh nhân sẽ cần cắt bỏ bàng quang và thực hiện thủ thuật tạo hình bàng quang hoặc tạo đường thoát nước tiểu ra một túi ngoài da.
Có thể thấy hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể gây ra những trở ngại đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh, các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, các biện pháp thay đổi lối sống và các bài tập bàng quang có thể giúp bệnh nhân đỡ khó chịu và giảm tần suất đi tiểu đến mức cho phép.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.