Dự phòng và chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh

Nhiễm trùng sơ sinh là các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở những trẻ mới sinh cho đến khi trẻ được 28 ngày tuổi. Bệnh là nguyên nhân đứng thứ hai trong các bệnh lý ở trẻ sơ sinh gây nên tình trạng tử vong.

1. Dự phòng nhiễm khuẩn sơ sinh

Trước thai kỳ:

  • Khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là trước khi có ý định mang thai để phát hiện các vấn đề viêm nhiễm và bệnh lý nội khoa khác để điều trị triệt để trước khi mang thai tránh nguy cơ lây nhiễm cho bé, đồng thời hạn chế được việc điều trị khi mang thai.
  • Nên mang thai có kế hoạch.
  • Điều trị các bệnh lý viêm nhiễm vùng kín ở cả hai vợ chồng trước khi có ý định sinh con.

Điều trị các bệnh lý viêm nhiễm vùng kín ở cả hai vợ chồng trước khi có ý định sinh con
Điều trị các bệnh lý viêm nhiễm vùng kín ở cả hai vợ chồng trước khi có ý định sinh con

Trong thai kỳ:

  • Khám định kỳ khi mang thai theo quy định để phát hiện các bất thường sớm và có hướng xử lý tốt nhất.
  • Thực hiện tiêm chủng đầy đủ trong thai kỳ.
  • Nếu thấy có các bất thường trong quá trình mang thai như ra khí hư có mùi, màu bất thường, hôi, ngứa vùng kín...phải đến gặp bác sĩ ngay, không tự ý xử lý hay dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng đến thai.
  • Ăn uống bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cũng như sức đề kháng cho cả mẹ và bé.
  • Chăm sóc vệ sinh cho các bà bầu tốt.
  • Tuân thủ, chăm sóc các bà mẹ theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các nguy cơ sinh non, vỡ ối sớm hay chuyển dạ kéo dài.

Trong quá trình sinh:

  • Chuẩn bị phòng sinh và các dụng cụ hỗ trợ khi sinh phải đảm bảo vô trùng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm cho trẻ sơ sinh qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc hay nhiễm khuẩn trong phòng sinh.
  • Quá trình sinh phải được thực hiện hỗ trợ bởi những người có chuyên môn nghiệp vụ cao để tránh các biến chứng sản khoa như sang chấn cho mẹ và bé. Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn sang cho trẻ trong lúc sinh.

Sau sinh:

  • Mẹ đảm bảo vệ sinh khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh: rửa tay sạch trước và sau khi tiếp xúc với trẻ. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa, hạn chế khả năng lây nhiễm vi khuẩn cho trẻ.
  • Đối với trẻ sơ sinh đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc các vùng da, rốn và mắt vì ở giai đoạn này, các vùng này rất nhạy cảm và dễ dàng bị nhiễm khuẩn.
  • Đảm bảo vệ sinh phòng ốc cũng như các đồ đạc dụng cụ có thể tiếp xúc với trẻ.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu trong 6 tháng đầu để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và tăng cường đề kháng cho trẻ.
  • Tiêm phòng vacxin đầy đủ cho trẻ.
  • Đối với những trường hợp có nguy cơ cao như thời gian chuyển dạ kéo dài, vỡ ối trên 18 giờ, nhiễm khuẩn ối...cho trẻ dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ.

2. Kế hoạch chăm sóc trẻ nhiễm trùng sơ sinh

2.1 Mục tiêu chăm sóc

Để việc chăm sóc có hiệu quả tốt nhất cho trẻ, tất cả các chăm sóc cần đạt được các yếu tố sau:

  • Đảm bảo được điều kiện vô khuẩn.
  • Dinh dưỡng cho trẻ.
  • Đảm bảo về sự hô hấp.
  • Ổn định thân nhiệt.
  • Theo dõi sát thường xuyên để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, đồng thời phát hiện kịp thời các thay đổi của trẻ để có hướng xử lý.

Đặt ra kế hoạch chăm sóc trẻ nhiễm trùng sơ sinh để đặt được hiệu quả chăm sóc tốt nhất cho trẻ
Đặt ra kế hoạch chăm sóc trẻ nhiễm trùng sơ sinh để đặt được hiệu quả chăm sóc tốt nhất cho trẻ

2.2 Các nội dung cần chú ý khi chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn trẻ sơ sinh

2.2.1.Chăm sóc tại bệnh viện

Đối với nhân viên y tế

Kiểm tra và theo dõi diễn biến của trẻ thường xuyên bao để cập nhật đầy đủ hồ sơ bệnh án thuận tiện cho điều trị bao gồm: Ngày giờ theo dõi, các dấu hiệu sinh tồn như nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, theo dõi về tri giác...

Hô hấp: Đếm nhịp thở, quan sát kiểu thở. Nếu trẻ có biểu hiện có cơn ngừng thở cần báo bác sĩ sớm để có chỉ định kịp thời phục hồi sự hô hấp cho trẻ: Hoặc cho thở oxy, hoặc thở NCPAP, hoặc sử dụng thuốc....Kết hợp hút đàm nhớt nếu nếu trẻ có đờm trong đường thở gây cản trở hô hấp.

Nhiệt độ:

  • Đo nhiệt độ thường xuyên, 6-8 giờ kiểm tra lại một lần.
  • Duy trì nhiệt độ phòng tùy theo cân nặng và lứa tuổi của trẻ.
  • Lưu ý thay tã mỗi khi bé bị nôn trớ, tiểu tiện để đảm bảo vệ sinh, tránh hiện tượng ẩm ướt dễ làm trẻ bị sốt cao hơn.
  • Cho bé nằm phòng thoáng, chườm ấm thường xuyên ở vùng trán và nách cho trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ cho dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đặc biệt lưu ý với các trường hợp trẻ sinh non phải nằm lồng kính.

Thực hiện cho bệnh nhi xét nghiệm hay dùng thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ với nguyên tắc 3 tra 5 đối.

Thông báo kịp thời các diễn biến của bệnh nhi.

Thực hiện nguyên tắc vô khuẩn khi tiếp xúc đặc biệt khi làm các thủ thuật với bệnh nhi.

Sắp xếp các trẻ bị nhiễm khuẩn hay có nguy cơ lây nhiễm phải nằm phòng riêng để tránh lây truyền chéo.

Đối với các mẹ và người thân:

Phối hợp cùng các nhân viên y tế theo dõi và chăm sóc trẻ.

Không cho trẻ dùng chung đồ với các trẻ bị bệnh.

Đảm bảo vệ sinh khi chăm sóc bé, đơn giản ngay cả trong việc cho trẻ bú mẹ.

Cho trẻ bú mẹ nhiều lần trong ngày.

Lưu ý với các trường hợp trẻ có chỉ định đặt sonde dạ dày: Chăm sóc cho trẻ ăn theo đúng hướng dẫn của các nhân viên y tế, theo dõi dấu hiệu bất thường ở trẻ như sặc, đau...và bất thường tại sonde.

Chăm sóc kỹ vùng rốn cho trẻ:

  • Giữ rốn khô và sạch, tránh ẩm ướt.
  • Vệ sinh rốn bằng bằng dung dịch sát khuẩn theo thứ tự từ chân rốn đến thân cuống rốn, kẹp rốn rồi đến mặt cắt cuống rốn.
  • Nếu rốn có hiện tượng viêm mủ hôi, tấy đỏ vùng da xung quanh thì cần báo bác sĩ để có thể xử lý kịp thời, không tự ý cho trẻ dùng thuốc hay tự lấy mủ ra khỏi rốn.

Tắm cho trẻ đúng cách, tắm bằng khăn mềm, nước ấm, tắm trong phòng có nhiệt độ từ 28-30 độ C, không tắm cho trẻ quá lâu, tắm từng phần cơ thể.

Bên cạnh các vấn đề vệ sinh chăm sóc cho trẻ thì mẹ và những người có tiếp xúc trực tiếp với trẻ cũng phải đảm bảo vệ sinh của bản thân để tránh trở thành con đường lây nhiễm bệnh cho trẻ.

2.2.2.Chăm sóc sau khi ra viện

Hướng dẫn các bà mẹ về việc dùng thuốc tại nhà cho trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh.

Hướng dẫn các mẹ về việc đảm bảo vệ sinh cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ.

Khuyến khích các mẹ cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng thời gian theo quy định.

Dặn dò các mẹ đưa bé tái khám đúng hẹn bác sĩ yêu cầu.

Sau khi xuất viện, nếu thấy bé có một trong các biểu hiện sau thì cho trẻ đi khám ngay: khó thở, sốt, co giật, tiêu chảy, viêm mủ dây rốn, bỏ bú,...

Nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh là một tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ do nhiều yếu tố mà liên quan nhiều trực tiếp đến vấn đề vệ sinh của cả mẹ và bé. Do vậy, các mẹ nên hiểu rõ về bệnh cũng như cách phòng tránh bệnh để có thể hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe