Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Theo thống kê có khoảng 1% thai phụ là có nguy cơ đối mặt với vấn đề thừa nước ối. Tình trạng đa ối thường xảy ra từ tuần 30 của thai kỳ trở đi, tuy nhiên có trường hợp thai nhi 20 tuần đã xuất hiện hiện tượng đa ối.
1. Tổng quan về đa ối
Trong những tuần đầu của thai kỳ, nước ối được sản sinh để di chuyển chất lỏng từ máu vào trong túi ối. Khi bào thai được 3 tháng tuổi, bé bắt đầu nuốt chất lỏng và bài tiết nước tiểu trở lại vào nước ối.
Nước ối đóng vai trò rất quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của thai nhi, tạo điều kiện lý tưởng để thai nhi phát triển an toàn trong suốt thai kỳ.
Thông thường, lượng nước ối tăng dần theo tuần tuổi của thai và giảm dần vào sát ngày chuyển dạ. Do vậy nếu đem kết quả chỉ số nước ối (AFI) của bạn đem so sánh với lượng nước ối trung bình ở tuổi thai tương ứng thì có thể xác định lượng nước ối nhiều hơn hay ít hơn bình thường.
Nếu thai nhi từ 16-32 tuần tuổi, lượng nước ối sẽ vào khoảng 300-600ml. Tình huống nước ối tăng cao hơn so với bình thường thì được gọi là đa ối (nếu tăng ít) hay đa ối (nếu tăng nhiều). Cơ thể của mẹ và thai nhi sẽ tự điều chỉnh lượng nước ối liên tục, tuy nhiên để bé phát triển và chào đời khỏe mạnh, mẹ nên duy trì một lượng nước ối bình thường và gia tăng ở mức độ ổn định.
2. Dấu hiệu nhận biết đa ối
Cách tốt nhất để nhận biết các vấn đề về nước ối là đi khám thai kỳ thường xuyên. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các mẹ bầu có thể ước lượng mình bị đa ối nếu thấy có những dấu hiệu điển hình sau:
- Bụng thai phụ lớn hơn so với tuổi thai, khó nghe được nhịp tim thai.
- Số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100cm. Bụng căng bóng gây đau, cảm thấy khó thở, ăn uống khó tiêu, hô hấp khó khăn, hay thở dốc.
- Phù chân, giãn tĩnh mạch, đau lưng.
- Tĩnh mạch bị giãn có thể dẫn đến bệnh trĩ khi mang thai.
3. Nguyên nhân đa ối khi mang thai
Tình trạng đa ối tuần 24-28 có thể xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân. Trong đó nhiều nhất là do sự bất thường trong quá trình trao đổi chất giữa thai nhi và phần phụ của thai (nước ối, nhau thai, dây rốn...); hoặc cũng có thể do gặp vấn đề di truyền của thai (hở hàm ếch, hẹp môn vị...), do mẹ bị tiểu đường thai kỳ, song thai/đa thai, thiếu máu hoặc nhiễm trùng bào thai...Thông thường các mẹ bầu sẽ bị đa ối ở tuần thứ 30 trở đi, tuy nhiên nếu thấy dấu hiệu đa ối tuần 22 trở đi thì đây cũng là dấu hiệu các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý.
4. Đa ối có nguy hiểm không?
Bình thường nước ối được cơ thể mẹ sản sinh ra và được tái hấp thu lại, thai nhi cũng nuốt nước ối nên lượng nước ối thường sẽ thay đổi sau 24 giờ. Trên thực tế, lượng nước ối nhiều hơn một chút sẽ không tác động tới thai nhi và sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên nếu nước ối nhiều hơn hẳn mức bình thường (gấp hai, ba lần..) thì cần đến gặp bác sĩ chẩn đoán và cho lời khuyên cụ thể.
Ở mức độ cảnh báo, hiện tượng đa ối, đa ối có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như vỡ ối sớm gây sinh non, túi ối căng khiến cho ngôi thai bị đảo lộn, có thể chuyển dạ kéo dài gây khó sinh, cơn co tử cung yếu khiến thai phụ dễ bị băng huyết sau sinh...
5. Phương thức chẩn đoán và điều trị
Đối với trường hợp đa ối tuần 22-28, cách tốt nhất là bạn nên khám thai thường xuyên để đánh giá sự phát triển thai nhi và tình trạng nước ối có ở mức nguy hiểm hay không. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng gì bất thường như bụng to nhanh, da bụng căng bóng, mệt mỏi, khó thở... thì cần tới các cơ sở chuyên khoa uy tín để kiểm tra và khắc phục kịp thời.Bên cạnh đó thai phụ cần chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn vì đa ối sẽ khiến các bà mẹ mau mệt mỏi hơn bình thường. Bên cạnh đó các mẹ bầu cần tuân thủ chế độ ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý như:
- Ăn một lượng nhỏ thường xuyên
- Tránh thực phẩm và đồ uống như chất béo, cà phê, rượu
- Đảm bảo lượng protein và chất đạm trong khẩu phần ăn hằng ngày
- Ăn nhiều rau xanh nhưng hạn chế các loại rau chứa nhiều nước
- Tập trung ăn trái cây nhiều chất xơ, vitamin như táo, lê, chuối, đu đủ,...và hạn chế loại trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu.
- Tuyệt đối tránh ăn mặn do muối có khả năng giữ nước
- Không nằm xuống sau bữa ăn
- Không ăn trước khi ngủ
- Kê cao gối khi ngủ
Tình trạng đa nước ối nếu được phát hiện và khắc phục sớm thì sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do vậy, các bà bầu cần tích cực trong việc tìm hiểu và tiếp nhận những thông tin hữu ích liên quan đến nước ối - môi trường sống trong bụng mẹ của con, để phòng tránh cũng như khắc phục nhanh chóng nhất nếu có bất thường xảy ra.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tú có kinh nghiệm 6 năm về siêu âm sản phụ khoa, đặc biệt được nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về siêu âm thai - chẩn đoán trước sinh. Bác sĩ Tú đã hoàn thành các khóa học về siêu âm - chẩn đoán trước sinh của hiệp hội Y học bào thai Quốc tế FMF; được đào tạo về tư vấn và thực hiện các kĩ thuật can thiệp chẩn đoán trong y học bào thai và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo chuyên sâu về Y học bào thai. Hiện đang là bác sĩ tại Khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.