Dự đoán nguy cơ ác tính của tổn thương không khối trên siêu âm

Bài viết được viết bởi bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tổn thương không khối (non-mass lesions) chiếm khoảng 5% các tổn thương trong siêu âm tuyến vú. Các tổn thương này còn được gọi là bóng mờ khu trú, cấu trúc dạng ống, thay đổi ống tuyến, hoặc tổn thương không khối. Tổn thương không khối có phổ bệnh lý khá rộng. Phổ này bao gồm từ lành tính (thay đổi sợi bọc hoặc xơ hóa mô đệm) đến ung thư biểu mô ống tuyến tại chỗ đến ung thư xâm lấn.

Theo các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh vú Hàn Quốc từ Trung tâm Y tế CHA Bundang của Đại học CHA ở Gyunggi-do, kiến ​​thức và hiểu biết về tổn thương không khối rất khan hiếm. Họ đã điều tra 119 phụ nữ có tổn thương không khối để xác định kết quả cuối cùng của họ, và xác định các đặc điểm hình ảnh giúp phân biệt ác tính với tổn thương lành tính.

Trong bài báo trên Acta Radiologica, nghiên cứu đã phân tích 119 bệnh nhân liên tiếp (21 đến 69 tuổi) với 121 tổn thương không khối được xác định trên siêu âm vú trong khoảng thời gian 4 năm. 95 phụ nữ đủ tuổi được chụp nhũ ảnh sàng lọc và phân loại.

Các tác giả đã định nghĩa tổn thương không khối là những tổn thương có thể nhìn thấy trên hai mặt phẳng trực giao, nhưng không thể được mô tả như một khối riêng biệt vì bờ hoặc hình dạng không rõ ràng. Vì đặc điểm hình ảnh của tổn thương không khối trên siêu âm chưa được chuẩn hóa, các tác giả đã phân loại dựa vào vị trí phân bố và các đặc điểm kết hợp. Tổn thương không khối được phân thành phân bố khu trú, dạng đường – thùy hoặc dạng vùng. Các đặc điểm của tổn thương không khối còn được phân loại theo vôi hóa, rối loạn cấu ​​trúc hoặc những thay đổi bất thường ống tuyến.

Tổng cộng có 33 khối u ác tính ở 33 bệnh nhân được xác nhận về mặt bệnh lý. Phần lớn các khối u ác tính (51,5%) được chẩn đoán là DCIS (ung thư ống tuyến tại chỗ) và tiếp theo là ung thư ống tuyến xâm lấn (24,2%). 82 bệnh lành tính được xác định ở 81 bệnh nhân, với phần lớn là thay đổi sợi bọc (28%), xơ hóa mô đệm (25,6%), và tăng sản sợi tuyến (14,6%).


Siêu âm tuyến vú có thể phát hiện các tổn thương không khối
Siêu âm tuyến vú có thể phát hiện các tổn thương không khối

Tác giả chính Jong Won Park MD và các đồng tác giả báo cáo rằng 60% bệnh nhân u ác tính có khối sờ thấy - triệu chứng duy nhất mà họ khai báo - so với 22% bệnh nhân có tổn thương lành tính có triệu chứng (Trong số những phụ nữ có tổn thương lành tính, chỉ có 9% khai báo là có khối sờ thấy được).

Tuổi và mật độ mô vú trên nhũ ảnh không khác biệt có ý nghĩa giữa bệnh nhân có tổn thương ác tính và lành tính. Sự vôi hóa kết hợp với tính chất không đối xứng thấy được trên nhũ ảnh thường gặp ở tổn thương ác tính hơn (37,5%) so với tổn thương lành tính (6,3%).

Siêu âm vú đã cho thấy khác biệt đáng kể về sự phân bố giữa các tổn thương ác tính và lành tính. Phân bố dạng đường hoặc dạng thùy gặp trong ở 45,5% các tổn thương ác tính so với 17% các tổn thương lành tính. Phân bố khu trú gặp trong 60,2% các tổn thương lành tính so với 33,3% các tổn thương ác tính. Vôi hóa (27,3% so với 10,2%) và rối loạn cấu ​​trúc (18,2% so với 4,5%) cũng thường gặp hơn ở các tổn thương ác tính so với các tổn thương lành tính.

Họ kết luận: “Tổn thương không khối trên siêu âm vú cho thấy nguy cơ ác tính cao... Tổn thương không khối phải được quản lý dựa vào lâm sàng, nhũ ảnh và siêu âm”. Họ nói rằng nghiên cứu bổ sung là cần thiết, nhất là do nhiều tổ chức thực hiện với các nhóm nghiên cứu lớn hơn.

Bài báo này dựa vào nghiên cứu của nhóm tác giả Park Jong Won, Ko Kyung Hee, Kim Eun-Kyung, Kuzmial M Cherie, Jung Hae Kyoung, năm 2017, “Non-mass breast lesions on ultrasound: final outcomes and predictors of malignancy.”, của tạp chí Acta Radiol.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: appliedradiology.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe