Đột quỵ đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế cho bệnh nhân, cao hơn cả bệnh ung thư và tim mạch, đặc biệt đột quỵ do Covid-19 thường có kết cục lâm sàng nặng nề hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ trong thời kỳ Covid-19 do lo sợ về dịch bệnh Covid-19 nên đã không đến cấp cứu kịp thời tại bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân đột quỵ mất cơ hội được cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng”, kết quả là để lại sự tàn phế và tử vong cao, gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.
1. Đâu là “giờ vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ?
Theo thống kê, khoảng 3 - 5% bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ đột quỵ trong thời gian mắc bệnh. Đột quỵ thường xảy ra vào 3 - 5 ngày đầu tiên khi có kết quả dương tính, tỷ lệ mắc đột quỵ tăng cao hơn nữa ở những bệnh nhân bị covid nặng, những người có bệnh lý nền như: đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì....
Sở dĩ COVID-19 có thể gây đột quỵ bởi virus làm tăng phản ứng viêm và dẫn đến gia tăng hình thành các cục máu đông trong hệ động mạch, tĩnh mạch ở các cơ quan, đặc biệt là não và phổi. Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Điều tiên quyết ở bệnh nhân đột quỵ dù bất cứ lý do gì, cũng là phải được cấp cứu và can thiệp trong giờ vàng là trong vòng 6h khi xảy ra đột quỵ.
Đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam, đây là vấn đề thật sự đáng lo ngại. Theo thống kê cho thấy có đến 10% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 18 - 44. Người trẻ tuổi khi mắc COVID-19 và có các dấu hiệu đột quỵ thường không nghĩ đến khả năng đột quỵ nên không đi bệnh viện ngay. Họ tưởng là mình chỉ mệt mỏi nên thay vì phải đến bệnh viện ngay họ lại nghỉ ngơi với hy vọng cơ thể ổn định trở lại. Hậu quả là để lại di chứng nặng nề về vận động, thần kinh. Ngoài ra, việc e ngại lây dịch COVID, cộng với việc chưa hiểu phải cấp cứu sớm nên khi bị đột quỵ, bệnh nhân cũng có xu hướng trì hoãn nhập viện.
Đáng chú ý, những bệnh nhân đột quỵ khi bị nhiễm COVID-19, ngoài những nguy cơ thông thường như liệt, hạn chế vận động, mất thăng bằng,... còn gặp các vấn đề ở hô hấp, tim do virus SARS-CoV-2. Do đó, khả năng hồi phục của người bệnh sẽ hạn chế hơn và đòi hỏi thời gian dài hơn.
Để điều trị đột quỵ, thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp sớm nhằm giải phóng cục máu đông, tái tưới máu cho não.
2. “Tầm soát yếu tố nguy cơ không để đột quỵ xảy ra là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất”
Thực tế, trước khi đột quỵ xảy ra, cơ thể đã có những “tín hiệu” sức khỏe đòi hỏi cần quan tâm và khám sàng lọc đề phòng đột quỵ trước khi quá muộn. Và dù có bị nhiễm Covid hay không, khi bạn có một trong biểu hiện sau đây mà đột ngột xảy ra, nghĩa là bạn có thể đang bị đột quỵ, bạn cần khẩn cấp được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân;
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;
- Đột ngột đau đầu dữ dội;
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không thể cử động theo ý muốn...
Đột quỵ đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế cho bệnh nhân, cao hơn cả bệnh ung thư và tim mạch, đặc biệt đột quỵ do Covid-19 thường có kết cục lâm sàng nặng nề hơn. Do đó, việc phòng ngừa đột quỵ xảy ra ở những người có yếu tố nguy cơ và tình trạng tâm thần kinh hậu COVID-19 là vấn đề rất quan trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.