Các gen ATM cung cấp hướng dẫn tạo ra một protein chủ yếu nằm trong nhân tế bào, giúp kiểm soát tốc độ phát triển và phân chia của các tế bào. Protein này cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường và hoạt động của một số hệ thống trong cơ thể, bao gồm hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Ngoài ra, protein ATM hỗ trợ các tế bào nhận ra các sợi DNA bị hư hỏng hoặc đứt gãy. Chính vì vậy đột biến gen ATM có tác động lớn đối với sức khỏe và sự phát triển.
1. Gen ATM
Các gen ATM cung cấp hướng dẫn tạo ra một protein chủ yếu nằm trong nhân tế bào, giúp kiểm soát tốc độ phát triển và phân chia của các tế bào. Protein này cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường và hoạt động của một số hệ thống trong cơ thể, bao gồm hệ thần kinh và hệ miễn dịch.
Ngoài ra, protein ATM hỗ trợ các tế bào nhận ra các sợi DNA bị hư hỏng hoặc đứt gãy. DNA có thể bị phá hủy bởi các tác nhân như hóa chất độc hại hoặc bức xạ. Sự đứt gãy trong sợi DNA cũng xảy ra tự nhiên khi các nhiễm sắc thể trao đổi vật chất di truyền trong quá trình phân chia tế bào.
Protein do gen ATM tạo ra điều phối quá trình sửa chữa DNA bằng cách kích hoạt các enzym có tác dụng cố định các sợi bị đứt gãy. Sửa chữa các sợi DNA bị hư hỏng giúp duy trì sự ổn định của thông tin di truyền.
Do vai trò quan trọng của nó trong quá trình phân chia tế bào và sửa chữa DNA, gen ATM rất được quan tâm trong nghiên cứu ung thư.
2. Tình trạng sức khỏe liên quan đến đột biến gen ATM
2.1. Ataxia-telangiectasia
Ataxia-telangiectasia (AT) là một tình trạng di truyền được đặc trưng bởi các vấn đề thần kinh tiến triển dẫn đến khó đi lại và tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư. Các dấu hiệu của AT thường phát triển trong thời thơ ấu. Trẻ em bị AT có thể bắt đầu loạng choạng và tỏ ra không vững vàng (gọi là mất điều hòa) ngay sau khi tập đi. Hầu hết những người bị AT cuối cùng sẽ phải sử dụng xe lăn.
Những người bị chứng bệnh này vẫn có trí thông minh bình thường, nhưng theo thời gian, họ phát triển nói ngọng và gặp khó khăn với việc viết và các công việc khác. Các vết đỏ được gọi là telangiectasias là do các mao mạch giãn ra, có nghĩa là các mạch máu nhỏ có thể xuất hiện trên da và mắt khi bệnh nhân già đi.
Những người bị AT cũng có hệ thống miễn dịch suy yếu và dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, họ tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với bức xạ ion hóa, chẳng hạn như tia X, và làm tăng nguy cơ ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được hàng trăm đột biến trong gen ATM gây ra chứng mất điều hòa telangiectasia. Những người mắc chứng rối loạn này có đột biến ở cả hai bản sao của gen ATM trong mỗi tế bào. Hầu hết những đột biến này làm gián đoạn quá trình sản xuất protein, dẫn đến một phiên bản protein ATM nhỏ bất thường, không có chức năng như bình thường.
Các tế bào không có bất kỳ protein ATM chức năng nào sẽ rất nhạy cảm với bức xạ và không phản ứng bình thường với tổn thương DNA. Thay vì kích hoạt sửa chữa DNA, protein ATM bị lỗi cho phép các đột biến tích tụ trong các gen khác, điều này có thể khiến các tế bào phát triển và phân chia một cách mất kiểm soát. Loại tế bào phát triển không được kiểm soát này có thể dẫn đến hình thành các khối u, ung thư.
Ngoài ra, đột biến gen ATM có thể cho phép các tế bào chết một cách không bình thường, đặc biệt ảnh hưởng đến các tế bào trong một phần của não liên quan đến việc phối hợp các chuyển động (tiểu não). Sự mất mát tế bào não này gây ra các vấn đề về cử động, đặc trưng của chứng mất điều hòa-telangiectasia.
Người ta ước tính rằng chứng mất điều hòa - telangiectasia ảnh hưởng đến 1/40.000 đến 1/100.000 người. Cơ hội để một người mang đột biến gen ATM đơn lẻ là khoảng 1%.
2.2. Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là một căn bệnh trong đó một số tế bào trong bàng quang trở nên bất thường và nhân lên không kiểm soát để tạo thành một khối u. Bàng quang là một cơ quan nằm ở vùng bụng dưới, có vai trò chứa nước tiểu cho đến khi nó được bài tiết ra khỏi cơ thể.
Ung thư bàng quang có thể gây tiểu ra máu, đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần, cảm giác muốn đi tiểu mà không được hoặc đau thắt lưng. Nhiều dấu hiệu và triệu chứng trong số này không đặc hiệu, có nghĩa là chúng có thể xảy ra trong nhiều rối loạn. Những người có một hoặc nhiều vấn dấu hiệu không đặc hiệu này thường không bị ung thư bàng quang, nhưng có thể bị một tình trạng khác như nhiễm trùng.
Ung thư bàng quang phát triển khi các khối u hình thành trong mô lót bàng quang. Ung thư bàng quang được phân loại theo loại tế bào trong mô trở thành ung thư. Loại phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (còn được gọi là ung thư biểu mô đường niệu); một số dạng ung thư bàng quang khác như là ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Nếu khối u lan rộng (di căn) ra ngoài niêm mạc bàng quang vào các mô hoặc cơ quan lân cận, nó được gọi là ung thư bàng quang xâm lấn.
2.3. Ung thư vú
Ung thư vú là một căn bệnh trong đó một số tế bào trong vú trở nên bất thường và nhân lên không kiểm soát để tạo thành một khối u. Mặc dù ung thư vú phổ biến hơn nhiều ở phụ nữ, nhưng dạng ung thư này cũng có thể phát triển ở nam giới.
Ở cả phụ nữ và nam giới, dạng ung thư vú phổ biến nhất bắt đầu từ các tế bào lót trong ống dẫn sữa (ung thư ống dẫn sữa). Ở phụ nữ, ung thư cũng có thể phát triển trong các tuyến sản xuất sữa (ung thư tiểu thùy). Hầu hết nam giới có ít hoặc không có mô tiểu thùy, vì vậy ung thư tiểu thùy ở nam giới rất hiếm.
Trong giai đoạn đầu, ung thư vú thường không gây đau và có thể không có triệu chứng đáng chú ý. Khi ung thư tiến triển, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm một khối u lớn lên trong hoặc gần vú; sự thay đổi về kích thước hoặc hình dạng của vú; tiết dịch núm vú, đau hoặc co rút lại (quay vào trong); và kích ứng da, lúm đồng tiền, mẩn đỏ hoặc nổi vảy.
Tuy nhiên, những thay đổi này có thể xảy ra như một phần của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Có một hoặc nhiều triệu chứng này không có nghĩa là một người chắc chắn bị ung thư vú.
Trong một số trường hợp, các khối ung thư có thể xâm lấn mô xung quanh và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nếu ung thư vú lan rộng, các tế bào ung thư thường xâm lấn đến xương, gan, phổi hoặc não. Các khối u bắt đầu tại một vị trí và sau đó lan sang các vùng khác của cơ thể được gọi là ung thư di căn.
Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân ung thư vú tập hợp trong gia đình. Những bệnh ung thư này được mô tả là do di truyền và có liên quan đến các đột biến gen di truyền. Ung thư vú di truyền có xu hướng phát triển sớm hơn so với các trường hợp không di truyền (lẻ tẻ) và các khối u mới (nguyên phát) có nhiều khả năng phát triển ở cả hai bên vú.
2.4. Ung thư tế bào hắc tố
Ung thư tế bào hắc tố là một loại ung thư da bắt đầu trong các tế bào sản xuất sắc tố được gọi là tế bào hắc tố. Ung thư này thường xảy ra ở những khu vực chỉ thỉnh thoảng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các khối u thường được tìm thấy ở lưng ở nam giới và trên chân của nữ giới.
Ung thư hắc tố thường xảy ra trên da (u ác tính ở da), nhưng trong khoảng 5% trường hợp, nó phát triển trong tế bào hắc tố ở các mô khác, bao gồm cả mắt ( u ác tính ở màng bồ đào) hoặc màng nhầy lót các khoang của cơ thể, chẳng hạn như niêm mạc (u ác tính niêm mạc).
Ung thư hắc tố có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường xuyên xảy ra nhất ở những người trong độ tuổi từ năm mươi đến bảy mươi. Tuy nhiên căn bệnh này ngày càng phổ biến hơn ở thanh thiếu niên.
Ung thư hắc tố có thể phát triển từ một nốt ruồi hiện có hoặc sự phát triển bình thường khác của da trở thành ung thư (ác tính); tuy nhiên, nhiều u ác tính là những khối u mới phát triển. Các u hắc tố thường có các cạnh xù xì và hình dạng bất thường. Chúng có thể có chiều ngang từ vài mm đến vài cm. Chúng cũng có thể có nhiều màu: Nâu, đen, đỏ, hồng, xanh lam hoặc trắng.
Hầu hết các khối ung thư hắc tố chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da (biểu bì). Nếu khối u ác tính trở nên dày hơn và liên quan đến nhiều lớp da, nó có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Một số lượng lớn các nốt ruồi hoặc các vùng da có sắc tố khác trên cơ thể có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính. U hắc tố cũng là một đặc điểm chung của các hội chứng di truyền ảnh hưởng đến da như xeroderma pigmentosum.
Ngoài ra, những cá nhân đã từng mắc ung thư hắc tố có nguy cơ tái phát ung thư hắc tố cao gấp gần 9 lần so với dân số chung. Người ta ước tính rằng khoảng 90 phần trăm cá nhân mắc bệnh u ác tính sống sót ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.
2.5. Các bệnh ung thư khác
Nghiên cứu cho thấy những người mang một bản sao đột biến của gen ATM trong mỗi tế bào có thể tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư khác. Đặc biệt, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư vú, dạ dày, bàng quang, tuyến tụy, phổi và buồng trứng xảy ra ở những người mang đột biến ATM nhiều hơn ở những người không mang những đột biến này.
Tuy nhiên, kết quả của những nghiên cứu tương tự lại mâu thuẫn nhau. Nghiên cứu bổ sung là cần thiết để làm rõ các loại ung thư khác có liên quan đến đột biến ATM hay không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.net, medlineplus.gov