Với tỷ lệ đến hơn 30% bệnh nhân nhiễm HIV, đồng nhiễm với virus viêm gan B (HBV) hoặc C (HCV) thì đây vẫn là một trong những bệnh đồng nhiễm thường gặp nhất trên các đối tượng này. Theo đó, việc tầm soát và tích cực điều trị khi có bằng chứng đồng nhiễm viêm gan virus và HIV là điều rất cần được quan tâm.
1. Viêm gan siêu vi là gì?
Viêm gan siêu vi là tình trạng tổn thương gan cấp tính hay mạn tính do tác nhân là siêu vi có ái tính với tế bào gan gây ra. Hai tác nhân gây viêm gan siêu vi thường gặp ở người nhiễm HIV là virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV).
So với các tác nhân gây viêm gan siêu vi khác như siêu vi A hay E lây truyền qua đường ăn uống, HBV và HCV có con đường lây truyền qua đường máu, cùng con đường với HIV.
Cả hai chủng đều gây viêm gan B hay C cấp tính, tức xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi một người tiếp xúc với HBV, HCV. Ở một số người, nếu HBV cấp tính không được kiểm soát thì có thể dẫn đến HBV mạn tính. Đây là một bệnh lý tổn thương gan suốt đời và tăng nguy cơ mắc phải biến chứng xơ hóa gan và ung thư gan.
Ngược lại, phần lớn các trường hợp nhiễm HCV đều khó có khả năng đào thải hoàn toàn virus mà bệnh sẽ qua thẳng giai đoạn mạn tính. Nếu không điều trị, HCV cũng có nguy cơ gây ung thư gan hay suy gan như HBV nhưng với tỷ lệ ung thư gan nổi bật hơn.
2. HBV, HCV lây lan từ người sang người như thế nào?
HBV và HCV cũng có con đường lây truyền tương tự như HIV. Các tác nhân được lây lan từ người sang người qua tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc bất kỳ chất dịch cơ thể từ người bị nhiễm HBV. Trong đó, những cách cụ thể có nguy cơ cao làm lây bệnh như sau:
- Dùng chung kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích thuốc, ma túy với người bị nhiễm HBV, HCV
- Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng cá nhân có nguy cơ dính máu, dịch tiết với người có HBV, HCV
- Tiếp xúc với máu hoặc vết loét hở từ vết thương của người bị nhiễm HBV, HCV
- Vô tình va chạm với một mũi kim, vật sắc nhọn khác có dính máu, dịch tiết của người bị nhiễm HBV, HCV
- Từ người mẹ bị nhiễm HBV, HCV trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con.
3. Mối liên hệ giữa HIV và HBV, HCV là gì?
Cả HIV và HBV, HCV đều có con đường lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác. Vì lý do này, các yếu tố nguy cơ chính đối với HIV và đồng nhiễm thêm HBV và/hay HCV là như nhau, thông qua việc quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm hay từ mẹ sang con.
Nhiều nghiên cứu đã quan sát thấy, HBV mạn tính có tốc độ tiến triển đến xơ gan, bệnh gan giai đoạn cuối và ung thư gan nhanh hơn ở những người bị nhiễm HIV so với những người chỉ nhiễm HBV đơn thuần. Thậm chí, tổn thương gan do có sự hiện diện của siêu vi ái tính với gan nhóm B trong cơ thể cũng sẽ khiến HIV tiến triển nhanh hơn, mau chóng đến giai đoạn cuối và đồng nhiễm thêm nhiều bệnh nhiễm trùng khác.
Tuy vậy, tốc độ tiến triển của HIV trên người có HCV đơn thuần so với người không đồng nhiễm HCV vẫn chưa ghi nhận bằng chứng khác biệt.
4. Ngăn chặn đồng nhiễm HBV, HCV trên người nhiễm HIV như thế nào?
Cách tốt để ngăn ngừa nhiễm HBV là chủng ngừa viêm gan B. Theo đó, những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ nhiễm HIV dược khuyến cáo là nên chủ động đi chủng ngừa HBV. Thậm chí, cả những người bạn tình của người nhiễm HBV cũng nên đi chủng ngừa.
Mọi người, dù cho có đã nhiễm HIV hay chưa, cũng đều có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ nhiễm HBV:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm HBV và nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như lậu và giang mai.
- Không dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy khác.
- Không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác có thể tiếp xúc với máu, dịch tiết của người khác.
- Nếu bạn muốn có một hình xăm hoặc xỏ lỗ trên cơ thể, hãy chắc chắn rằng các dụng cụ được sử dụng là vô trùng tuyệt đối.
Ngược lại, với HBV, việc dự phòng HCV bằng chủng ngừa cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, đồng nhiễm HCV trên người nhiễm HIV vẫn có thể được ngăn chặn bằng các cách ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường máu nói chung tương tự như trên.
5. Những người nhiễm HIV có nên được xét nghiệm HBV, HCV?
Tất cả những người nhiễm HIV nên được xét nghiệm tầm soát HBV và HCV ngay từ khi xác lập chẩn đoán. Các xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể trong huyết thanh có thể giúp phát hiện nhiễm HBV, HCV ngay cả khi người bệnh chưa biểu hiện triệu chứng nhiễm trùng.
Nếu xét nghiệm huyết thanh cho thấy người bệnh chưa nhiễm, họ cần được chỉ định chủng ngừa HBV. Đối với HCV, hiện nay vẫn chưa có vắc-xin dự phòng.
Nếu xét nghiệm huyết thanh cho thấy người bệnh đã nhiễm HBV hoặc HCV hoặc cả hai, người bệnh cần thực hiện thêm nhiều cận lâm sàng, nhằm xác định là người lành mang bệnh hay thực sự có tổn thương gan, cấp tính hay mạn tính cũng như có các biến chứng hay chưa. Theo đó, các xét nghiệm cần làm tiếp theo là men gan, các chức năng gan, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và đôi khi có thể cần đến sinh thiết gan.
6. Các triệu chứng của nhiễm HBV, HCV là gì?
Nhiễm HBV gây viêm gan siêu vi cấp tính thường có triệu chứng diễn tiến nổi bật hơn so với các tổn thương mạn tính. Tuy nhiên, vẫn có không ít người lại hoàn toàn không có triệu chứng gì, dù có đồng nhiễm HIV hay không. Chính vì vậy, việc xét nghiệm siêu vi trong máu là một điều cần thiết.
Các triệu chứng của HBV cấp tính có thể bao gồm:
- Ăn mất ngon
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Nôn
- Sốt
- Đau bụng
- Nước tiểu đậm màu
- Đau khớp
- Vàng da, vàng mắt
Ngược lại với HBV, hầu hết những người nhiễm HCV cấp tính thường không có triệu chứng. Đồng thời, siêu vi thường có khuynh hướng gây tổn thương gan âm thầm, cho đến khi dẫn đến các biến chứng xơ gan, ung thư gan.
7. Điều trị viêm gan siêu vi do HBV, HCV trên bệnh nhân đồng nhiễm HIV như thế nào?
Nói chung, HBV và HCV đều được điều trị bằng thuốc kháng virus. Các loại thuốc này giúp làm giảm tải lượng siêu vi tăng sinh trong máu nên có tác dụng giúp hạn chế tổn thương gan.
Những người bị đồng nhiễm HIV và HBV, HCV nên được điều trị cho cả hai bệnh nhiễm trùng. Thậm chí, một số loại thuốc kháng HIV có hiệu quả trong điều trị cả HBV.
Việc lựa chọn thuốc để điều trị đồng nhiễm HIV và HBV, HCV là tùy thuộc vào từng người. Một số người có thể dùng thuốc điều trị HIV đơn thuần cũng có hiệu quả trong điều trị viêm gan do siêu vi. Trong khi đó, do tải lượng siêu vi trong máu, do tổn thương các cơ quan khác đi kèm, do dự phòng các tác dụng phụ, những người khác có thể lại cần dùng thuốc điều trị HIV và thuốc kháng HBV, HCV độc lập nhau. Chính vì thế, nếu bạn bị đồng nhiễm HIV và HBV, HCV, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị của mình để được lập phác đồ dùng thuốc, theo dõi tác dụng của thuốc, đánh giá hiệu quả thuốc cũng như những tác dụng phụ có thể xảy ra một cách toàn diện nhất.
Đồng nhiễm HBV và HCV ở bệnh nhân nhiễm HIV là vô cùng phổ biến khi con đường lây truyền chủ yếu là qua đường máu. Những tổn thương do viêm gan virus gây ra sẽ càng khiến cho bệnh HIV càng diễn tiến nặng nề hơn. Chính vì vậy, việc phối hợp điều trị và chăm sóc y tế toàn diện trên các bệnh nhân nhiễm HIV là vô cùng cần thiết, đảm bảo cho họ có một cuộc sống gần như người bình thường.
Quý khách hàng có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo: who.int, journal-of-hepatology.eu, cdc.gov, aidsinfo.nih.gov
XEM THÊM: