Đo niệu động học là phương pháp được sử dụng để khảo sát hoạt động của đường tiểu dưới. Nhờ các phép đo niệu động học, bác sĩ sẽ xác định được chính xác nguyên nhân gây rối loạn đường tiểu dưới, giúp điều trị bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn.
1. Đo niệu động học là gì?
1.1 Giải phẫu hệ tiết niệu
Hệ tiết niệu có 2 cơ quan quan trọng nhất là thận và bàng quang. Đây là các cơ quan sản xuất, chứa đựng và tống xuất nước tiểu. Khi hệ tiết niệu làm việc bình thường, thận sẽ tạo ra nước tiểu và nước tiểu theo 2 niệu quản đưa xuống bàng quang. Bàng quang nằm ở vùng bụng dưới, trên các cơ vùng chậu, là một tạng rỗng có nhiệm vụ chứa đựng nước tiểu.
Khi nước tiểu được chứa đựng trong bàng quang chưa đầy, cơ bàng quang ở trạng thái nghỉ. Khi bàng quang căng đầy, những tín hiệu thần kinh ở não sẽ cảnh báo và tạo ra cảm giác mắc tiểu. Não bộ sẽ điều khiển các cơ bàng quang co thắt, giúp nước tiểu được tống xuất ra ngoài qua niệu đạo. Các cơ thắt ở niệu đạo giúp niệu đạo đóng trong quá trình bàng quang đầy nước tiểu nên trong thời gian nín tiểu, nước tiểu sẽ không bị rỉ ra ngoài. Các cơ thắt niệu đạo sẽ mở khi bàng quang co thắt, tống xuất nước tiểu ra ngoài.
1.2 Đo niệu động học là gì?
Đo niệu động học được sử dụng nhằm khảo sát hoạt động và chẩn đoán các vấn đề liên quan tới hoạt động của bàng quang, niệu đạo và cơ thắt cổ bàng quang. Thông thường, khi nghiên cứu niệu động học, có thể cùng một lúc khảo sát nhiều phép đo nhằm đánh giá chính xác vấn đề một người đang gặp phải.
Các phép đo niệu động học thường dùng gồm:
- Điện cơ đồ;
- Áp lực đồ bàng quang;
- Áp lực niệu đạo;
- Niệu dòng đồ.
Những phép đo này có thể làm rõ nguyên nhân gây ra các vấn đề như:
- Rò rỉ nước tiểu hoặc không kiểm soát được việc tiểu tiện;
- Đi tiểu liên tục nhiều lần;
- Tiểu gấp và không nhịn tiểu được;
- Tiểu ngắt quãng;
- Tia nước tiểu yếu;
- Đau vùng hạ vị, tái diễn các nhiễm trùng niệu.
Từ đó, bác sĩ có hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh lý cụ thể, giúp rút ngắn thời gian điều trị và nâng cao tỷ lệ khỏi bệnh.
2. Mục đích các phép đo niệu động học
2.1 Điện cơ đồ
Đây là phương pháp được sử dụng nhằm đánh giá hoạt động của cơ và thần kinh vùng đáy chậu. Điện cơ đồ được chỉ định cho các trường hợp rối loạn đường niệu do nguyên nhân tổn thương thần kinh hoặc các cơ vùng chậu. Khi áp dụng phương pháp này, các đầu cảm nhận sẽ được dán quanh trực tràng để khảo sát hoạt động của thần kinh và cơ. Phép đo này giúp khảo sát sự phối hợp của bàng quang và cơ thắt bàng quang trong quá trình đổ đầy và tống xuất nước tiểu.
2.2 Áp lực đồ bàng quang
Phương pháp này được sử dụng để đo cảm giác của bàng quang, dung tích, độ đàn hồi của bàng quang, đồng thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về khả năng co thắt của bàng quang. Khi thực hiện phép đo áp lực đồ bàng quang, một ống thông đo áp lực sẽ được đặt vào bàng quang. Phép đo này giúp chẩn đoán các rối loạn kiểm soát nước tiểu như tiểu không tự chủ, bàng quang tăng hoạt,...
2.3 Áp lực niệu đạo
Phép đo áp lực niệu đạo giúp đánh giá trương lực niệu đạo, vai trò của ống dẫn trong quá trình tống xuất nước tiểu. Phép đo này cho phép bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân gây rỉ nước tiểu (tiểu không kiểm soát). Khi thực hiện phép đo áp lực niệu đạo, bác sĩ sẽ đặt một ống thông cảm nhận áp lực vào niệu đạo của bệnh nhân.
2.4 Niệu dòng đồ
Phương pháp này đo lượng nước tiểu được tống xuất và tốc độ tống xuất nước tiểu. Thông thường, với phép đo niệu dòng đồ, bệnh nhân cần đến phòng đo niệu động học khi bàng quang đầy nước tiểu. Khi thực hiện phép đo này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiểu vào một thiết bị cảm nhận có khả năng đo được thể tích nước tiểu và máy tính sẽ tự phân tích các thông số. Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện phép đo niệu dòng đồ nếu gặp khó khăn khi đi tiểu. Bằng cách đo tốc độ trung bình và tốc độ tối đa của dòng tiểu, niệu dòng đồ có thể giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tắc nghẽn đường tiểu ở bệnh nhân như tuyến tiền liệt do, hẹp niệu đạo,...
2.5 Đo áp lực dòng tiểu
Đây là phép đo áp lực của bàng quang khi đi tiểu và tỷ lệ dòng tiểu. Phép đo này giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân tắc nghẽn niệu đạo, suy yếu bàng quang hoặc những vấn đề khác. Để thực hiện phép đo này, bệnh nhân được yêu cầu đi tiểu với một ống thông cảm nhận áp lực có kích thước nhỏ được đặt trong niệu đạo. Ống thông nhỏ và nước tiểu sẽ chảy quanh ống thông, giúp đánh giá hoạt động của cơ bàng quang.
3. Quy trình thực hiện đo niệu động học
3.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
- Rối loạn chức năng đường tiểu dưới;
- Rối loạn đi tiểu sau khi mắc các bệnh lý thần kinh;
- Tiểu không kiểm soát và bàng quang tăng hoạt;
- Rối loạn đi tiểu ở trẻ em.
Chống chỉ định
- Bệnh nhân không hợp tác;
- Đang bị nhiễm trùng đường tiểu dưới cấp tính;
- Tắc nghẽn đường tiểu dưới không đặt thông được
Lưu ý: Không có chống chỉ định niệu dòng đồ.
3.2 Chuẩn bị
- Trong một số trường hợp người bệnh cần ngưng dùng thuốc trước khi thực hiện xét nghiệm;
- Trong một vài phép đo, người bệnh cần đến phòng đo niệu động học khi bàng quang căng đầy nước tiểu.
3.3 Thực hiện
Thời gian đo niệu động học có thể kéo dài khoảng 1 giờ với quy trình sau:
- Đi tiểu vào một bồn tiểu chuyên biệt để đo lượng nước tiểu và tốc độ dòng tiểu. Sau đó, bác sĩ đặt ống thông tiểu để đánh giá lượng nước tiểu còn tồn đọng trong bàng quang sau khi bệnh nhân tiểu xong.
- Bệnh nhân nằm trên giường, được đặt một ống thông vào đường tiểu, bơm một lượng nước xác định vào bàng quang để đánh giá tình trạng co giãn của bàng quang và áp lực bàng quang. Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân có thể được hỏi về cảm giác mắc tiểu hoặc được yêu cầu rặn, ho,... nhằm đánh giá mức áp lực gây hiện tượng rỉ nước tiểu;
- Đặt ống thông vào hậu môn của bệnh nhân để đo áp lực ổ bụng, giúp đánh giá gián tiếp áp lực cơ bàng quang;
- Rút ống thông tiểu và ống thông hậu môn thật chậm để đo áp lực niệu đạo. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu tiểu vào bồn tiểu để đo dòng nước tiểu nếu trước đó chưa thực hiện.
3.4 Một số tai biến và biến chứng
Đo niệu động học là một xét nghiệm có tính an toàn cao, hiếm khi gây biến chứng nghiêm trọng. Một số tai biến có thể gặp gồm:
- Nhiễm trùng;
- Đau;
- Chảy máu đường tiểu dưới;
- Phản xạ đối giao cảm.
Biện pháp xử trí sẽ được áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể theo chỉ định của bác sĩ.
Đo niệu động học là phương pháp đánh giá, chẩn đoán các vấn đề ở đường tiểu dưới hiệu quả. Bệnh nhân nên phối hợp với bác sĩ khi thực hiện các phép đo để chẩn đoán chính xác vấn đề mình đang mắc phải và có hướng điều trị nhanh chóng, hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM