Nhiệt độ bình thường ở trẻ sơ sinh và trẻ em là khoảng 36,4 °C, nhưng nhiệt độ này có thể thay đổi một chút. Nhiệt độ cao hoặc sốt ở trẻ thường từ 38 °C trở lên. Em bé của bạn có thể có nhiệt độ cơ thể cao nếu: cảm thấy nóng hơn bình thường khi chạm vào trán, lưng hoặc bụng, cảm thấy đổ mồ hôi hoặc có đôi má ửng hồng. Nếu bạn cho rằng bé bị nhiệt độ cao, tốt nhất bạn nên kiểm tra nhiệt độ của bé bằng nhiệt kế. Điều này có thể giúp bạn tìm ra liệu bạn có cần được tư vấn y tế hay không. Vậy đo nhiệt độ cho bé như thế nào sẽ cho kết quả chính xác? Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp cho những người chăm sóc trẻ những phương pháp hữu ích để xác định được nhiệt độ cơ thể của trẻ.
1. Nên sử dụng loại nhiệt kế nào để đo nhiệt độ cho trẻ?
Nếu nghi ngờ bé đang bị sốt, điều quan trọng cần làm là xác định chính xác nhiệt độ cơ thể của trẻ, do đó các bậc cha mẹ luôn cần trang bị trong nhà một nhiệt kế kỹ thuật số loại tốt. Nhiệt kế kỹ thuật số dùng nhiều lần thông thường được bán tại các hiệu thuốc với giá tương đối rẻ. Chúng rất dễ sử dụng, dễ đọc và nhanh cho kết quả hơn những loại nhiệt kế cổ điển. Thông thường, một nhiệt kế kỹ thuật số có thể cho ra kết quả trong vòng 10 giây hoặc chậm nhất là 2 phút. Có nhiều loại nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ cho trẻ như nhiệt kế đo trực tràng, miệng hoặc dưới cánh tay mặc dù việc đo nhiệt độ cho bé qua đường miệng không phải là lựa chọn tốt dành cho những trẻ dưới 4 tuổi. Nếu sử dụng một loại nhiệt kế dùng nhiều lần, các bà mẹ nên cân nhắc chỉ dùng cho một khu vực nhất định để tránh sự lây lan của vi khuẩn.
Đo nhiệt độ cho trẻ qua đường trực tràng là phương pháp cho kết quả chính xác nhất và công cụ tốt nhất để thực hiện việc này là nhiệt kế trực tràng, được thiết kế đặc biệt để phù hợp cho phương pháp này. Các bà mẹ nên lưu ý tìm loại có đầu mềm và tay cầm rộng sẽ cho phép nhiệt kế đâm không quá sâu để có thể làm thủng trực tràng của bé.
Một số phương pháp đo nhiệt độ cơ thể ở mức giá cao hơn bao gồm nhiệt kế động mạch thái dương, sử dụng máy quét hồng ngoại để đo nhiệt độ cơ thể bé chỉ bằng một cái lướt nhẹ qua trán và nhiệt kế đo tai có thể khó sử dụng hơn. Các bác sĩ cho biết các công cụ đo nhiệt độ khác, chẳng hạn như nhiệt kế giả núm vú và dải nhạy cảm với nhiệt độ được đặt trên trán của trẻ thường cho kết quả không chính xác.
Cho dù lựa chọn phương pháp nào, cũng cần lưu ý một số điểm khi đo nhiệt độ cho bé, đó là không đo nhiệt độ ngay sau khi tắm (khi nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tạm thời tăng cao), chờ ít nhất 20 phút sau khi tắm để có kết quả chính xác và không đo nhiệt độ trực tràng khi mới bỏ quấn tã cho trẻ.
Lưu ý nhiệt kế thủy tinh kiểu cũ có thể bị vỡ và rò rỉ thủy ngân độc hại nên hiện nay không còn được khuyến cáo sử dụng để đo nhiệt độ cho trẻ nữa.
2. Cách sử dụng nhiệt kế trực tràng
Một số trẻ sơ sinh không ngại việc đo nhiệt độ qua trực tràng do đó quá trình đo có thể diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên một số bé lại không như vậy, chúng có vẻ ghét điều đó. Nếu bé quấy khóc và không muốn đo nhiệt độ trực tràng, hãy đo nhiệt độ nách của bé. Nếu kết quả đo trên 37,5 °C hãy đo nhiệt độ trực tràng để có kết quả chính xác hơn.
Để chuẩn bị quá trình đo, hãy làm sạch phần đuôi nhiệt kế bằng cồn tẩy rửa hoặc xà phòng. Rửa sạch lại bằng nước sau đó bôi một chút dầu khoáng để dễ đưa vào hậu môn bé hơn. Đặt trẻ nằm ngửa trên giường, hai chân co lên ngực. Ngoài ra các bà mẹ cũng có thể chọn tư thế ôm con nằm ngang trong lòng, hóp bụng từ trên xuống dưới để hai chân bé vắt qua một bên đùi của mẹ.
Nhấn nút để bật nhiệt kế. Nhẹ nhàng đưa phần đầu nhiệt kế vào trực tràng của bé. Giữ chặt mông trẻ bằng cách dùng lòng bàn tay và các ngón tay đang cầm nhiệt kế. Đừng buông tay giữ nhiệt kế bởi nó có thể sẽ nằm sai vị trí khi trẻ bắt đầu vặn vẹo. Khi nhiệt kế kêu “bíp”, hãy lấy nó ra và đọc giá trị được hiển thị trên màn hình. Đừng ngạc nhiên khi bé có thể ị ra ngay sau khi mẹ rút nhiệt kế bởi bất cứ thứ gì đưa vào trực tràng đều có thể kích thích nhu động ruột của trẻ. Rửa sạch nhiệt kế bằng xà phòng hoặc cồn, sau đó lau khô trước khi cất chúng đi cho lần đo tiếp theo.
3. Cách sử dụng nhiệt kế động mạch thái dương
Nhiệt kế động mạch thái dương rất dễ sử dụng, chỉ cần lưu ý đọc kỹ và làm theo hướng dẫn trước khi dùng. Bản hướng dẫn sử dụng có thể tìm thấy trong hộp đựng nhiệt kế, trên các trang web của nhà sản xuất hoặc được các bác sĩ trực tiếp hướng dẫn.
Kỹ thuật đo cơ bản của phương pháp này bao gồm việc đặt nhiệt kế nằm phẳng trên trán của trẻ ở giữa lông mày và chân tóc. Nhấn nút và để nhiệt kế tiếp xúc với da của bé, vuốt nhiệt kế theo đường thẳng nằm ngang trên trán (lưu ý không vuốt dọc xuống mặt). Vẫn giữ nút nhiệt kế, sau đó nhấc nó ra khỏi trán rồi mới nhả nút và tiến hành đọc nhiệt độ được hiển thị trên màn hình.
Cách nhiệt kế động mạch thái dương xác định nhiệt độ hay cơ chế hoạt động của nó tương đối phức tạp, nhưng về cơ bản việc đọc nhiệt độ cơ thể được dựa trên một động mạch nằm gần bề mặt da ở trán của trẻ.
4. Cách đo nhiệt độ nách của trẻ
Một số bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ nên đo nhiệt độ ở nách cho trẻ. Chính vì thế cũng có những loại nhiệt kế được thiết kế ra để làm công việc này. Đo nhiệt độ nách là một trong những phương pháp dễ dàng, tiện lợi và an toàn nhất cho trẻ. Tất cả những gì các bà mẹ cần là một nhiệt kế kỹ thuật số thông thường.
Nhược điểm của phương pháp đo nhiệt độ vùng nách cho trẻ là kết quả thường kém chính xác hơn nhiều so với các phương pháp khác. Chỉ số nhiệt độ ở nách và các khu vực da bên ngoài cơ thể có thể thấp hơn khoảng 2 độ so với chỉ số bên trong trực tràng của trẻ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (APP) cho biết tốt hơn hết là không nên sử dụng phương pháp này cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, khi việc đọc chính xác kết quả nhiệt độ là điều cần thiết và quan trọng nhất.
Đối với phương pháp đo nhiệt độ vùng nách cho trẻ, bước đầu tiên là phải kéo áo trẻ từ phần thắt lưng trở lên và nâng trẻ hoặc đặt trẻ ngồi trong lòng bố hoặc mẹ. Cố gắng giữ bé thoải mái bằng cách để chúng nghịch đồ chơi hay xem một chương trình TV yêu thích. Đảm bảo vùng da dưới cánh tay của trẻ khô ráo, sau đó luồn bầu nhiệt kế vào nách bé. Phần đầu của nhiệt kế cần được tiếp xúc hoàn toàn với da của trẻ, vì vậy hãy giữ chặt cánh tay của bé dựa vào bên hông hoặc uốn cong và gập ngang ngực. Khi nhiệt kế kêu bíp, hãy lấy nhiệt kế ra và đọc kết quả hiển thị trên màn hình.
5. Cách sử dụng nhiệt kế đo tai để đo nhiệt độ cho trẻ
Nhiệt kế đo tai nhìn chung là nhanh chóng, an toàn và không gây khó chịu cho trẻ. Vấn đề duy nhất gặp phải là nhiệt kế loại này khó sử dụng hơn một chút so với các loại nhiệt kế kỹ thuật số khác. Nếu các bà mẹ không lắp chính xác nhiệt kế đo tai, họ sẽ khó có được kết quả chính xác và nhất quán. Ngoài ra, ráy tai quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến việc đọc kết quả.
Nếu các bậc cha mẹ lựa chọn phương pháp này để đo nhiệt độ cho trẻ, hãy hỏi trực tiếp các bác sĩ về cách sử dụng loại nhiệt kế này hoặc thực hành đo theo hướng dẫn đi kèm theo nhiệt kế cho đến khi thu được kết quả phù hợp. Ngoài ra các bà mẹ cũng có thể so sánh sự chênh lệch giữa nhiệt độ đo được ở tai và nhiệt độ đo được ở trực tràng của bé để có thể ước lượng một cách tương đối nhiệt độ cơ thể của trẻ.
Nhiệt kế đo tai không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bởi ống tai của trẻ giai đoạn này còn hẹp khiến cho việc lắp cảm biến có thể gặp nhiều khó khăn.
Sốt chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó nhưng lại là một dấu hiệu quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi đại dịch COVID-19 (SARS-CoV-2) vẫn đang diễn ra, các bậc cha mẹ có thể cần chú ý đến tất cả các triệu chứng dù là nhỏ nhất của bé, bao gồm cả sốt trước khi cho trẻ đi học, chăm sóc trẻ hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời khác. Cảm nhận nhiệt độ bằng cách sờ tay lên trán của trẻ có thể rất nhanh và dễ dàng nhưng không chính xác. Do đó mỗi gia đình vẫn nên chuẩn bị riêng một chiếc nhiệt kế kỹ thuật số để sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Đa phần trong số chúng đều cho kết quả nhanh và rất dễ sử dụng.
Khi đo thân nhiệt cho trẻ phát hiện nhiệt độ cơ thể trẻ quá cao hoặc sốt đi kèm với nhiều triệu chứng bất thường như co giật, phát ban,... các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con em mình tới các trung tâm y tế uy tín để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthychildren.org
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong