Đổ mồ hôi nhiều: Tốt hay không tốt?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.

Ra mồ hôi nhiều là một hiện tượng sinh lý bình thường giúp cân bằng nhiệt độ và loại bỏ các độc tố bên trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu đổ mồ hôi nhiều toàn thân hay tại khu vực nào đó thì có thể bị tăng tiết mồ hôi.

1. Tăng tiết mồ hôi là như thế nào?

Tăng tiết mồ hôi là tình trạng tăng bài tiết của trung tâm bài tiết mồ hôi, khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn mức bình thường dù cơ thể đang không nóng.

Tăng tiết mồ hôi không phải là đổ mồ hôi nhiều toàn thân, mà thường đổ mồ hôi nhiều ở những vùng như lòng bàn tay, bàn chân, nách hoặc đầu, trong khi những phần còn lại của cơ thể vẫn khô.

Tăng tiết mồ hôi khiến cơ thể dễ đổ mồ hôi quá mức trong sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng da vì da thường xuyên bị ướt và ẩm.

Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.

2. Ra mồ hôi nhiều có tốt không?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi như:

  • Mắc các bệnh về thần kinh giao cảm
  • Đang mang thai
  • Thời kỳ mãn kinh
  • Hạ đường huyết
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (hay còn gọi là cường giáp)
  • Bị béo phì, thừa cân
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Uống rượu
  • Bị ốm, sốt cao
  • Ăn đồ quá cay, quá nóng
  • Lao động nặng hay chơi thể thao
  • Do tâm lý bị căng thẳng quá mức

Với những nguyên nhân nêu trên, nếu cơ thể bị đổ mồ hôi nhiều toàn thân ngay cả khi thời tiết mát mẻ, không vận động hay tập luyện quá mức, bên cạnh đó còn kèm theo một số triệu chứng lạ thì người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế sớm để được thăm khám kịp thời, vì có thể đây là những dấu hiệu của các bệnh lý như trên.


Chơi thể thao ra nhiều mồ hôi có tốt không?
Chơi thể thao ra nhiều mồ hôi có tốt không?

3. Hạn chế đổ mồ hôi nhiều toàn thân bằng cách nào?

Để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi nhiều toàn thân hay từng vùng cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày như:

  • Hạn chế ăn thức ăn cay và nóng, cũng như các thực phẩm, đồ uống có chứa nhiều caffein (như socola, nước ngọt có gas...).
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả tươi (dứa, táo, lê...).
  • Khi căng thẳng và gây đổ mồ hôi nhiều toàn thân hoặc ra nhiều mồ hôi ở đầu thì có thể tĩnh tâm lại bằng cách hít sâu, thở chậm trong khoảng 5 - 10 phút.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức quá khuya, nên ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng/ngày.
  • Giữ tinh thần thoải mái.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ và thường xuyên, giữ gìn nơi ở thoáng mát.
  • Mặc quần áo rộng thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.

Ra mồ hôi nhiều có tốt không là tùy thuộc vào nguyên nhân gây đổ mồ hôi. Nếu không phải do vận động, ăn đồ cay hay thời tiết nóng, thì nếu thấy cơ thể đổ mồ hôi nhiều trong thời gian dài không rõ nguyên nhân, người bệnh cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán, phát hiện bệnh kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang ứng dụng kỹ thuật “ Nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực” trong điều trị tăng tiết mồ hôi: Đây là kỹ thuật mới được áp dụng trong một vài năm trở lại đây và đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho người bệnh. Phẫu thuật chỉ được áp dụng cho người trên 18 tuổi.

Phương pháp nội soi cắt thần kinh giao cảm ngực hay còn gọi cắt hạch giao cảm là phẫu thuật nhằm phá hủy hạch giao cảm hoặc chuỗi liên kết hạch chi phối việc tăng tiết mồ hôi. Phẫu thuật được thực hiện thường quy dưới gây mê toàn thân. Cụ thể phẫu thuật thực hiện với 2-3 đường rạch da nhỏ 0.5 cm ở hai bên thành ngực dưới hõm nách để không nhìn thấy sẹo, đảm bảo tốt nhất về mặt thẩm mỹ. Hạch giao cảm ngực được che phủ bởi lớp mỏng của màng phổi trong suốt, do vậy có thể thấy dễ dàng dưới camera nội soi. Sau đó phẫu thuật viên sử dụng móc điện đốt và cắt các hạch giao cảm từ đốt sống ngực thứ 2 đến sống ngực thứ 3 (thuật ngữ chuyên môn gọi là T2–>T3) cho các bệnh nhân tăng tiết mồ hôi ở bàn tay; T2 - T4 cho những bệnh nhân có tình trạng tăng tiết mồ hôi ở nách.

Tại bệnh viện Vinmec, người bệnh được tiến hành sàng lọc, phẫu thuật và kiểm tra sau phẫu thuật theo phác đồ điều trị chuẩn quốc tế. Phẫu thuật nội soi ngực điều trị chứng tăng tiết mồ hôi đã cho kết quả vượt trội: Có kết quả tức thì, phẫu thuật một lần cho tác dụng lâu dài, thẩm mỹ, an toàn và thời gian nằm viện chỉ 1 ngày. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian lưu viện ngắn, chi phí thấp, biểu hiện chân tay khô hơn sau phẫu thuật, sinh hoạt trở lại sớm, thuận tiện cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Vinmec sau hàng chục năm phải mang những khó chịu của đôi bàn tay ướt đã trải qua rất nhiều các phương pháp điều trị khác không kết quả, đã khỏi bệnh ngay sau phẫu thuật và hoàn toàn hài lòng khi chấp nhận một khó chịu nho nhỏ là ra mồ hôi bù trừ ở vị trí khác của cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe