Đỡ đẻ thai đôi: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thai đôi là một thai kỳ nguy cơ cao, trong suốt quá trình mang thai cho đến khi chuyển dạ. Dù vậy, thai đôi vẫn hoàn toàn có thể được chào đời bằng cách sinh ngã âm đạo với những lợi ích vốn có nếu nắm vững những điều cần biết sau đây.

1. Thai đôi là gì?

Đa thai là từ dùng để chỉ có hơn một thai nhi sống trong lòng tử cung. Trong đó, thai đôi (song thai) là có hai thai nhi thường gặp hơn cả với tỷ lệ từ 1 đến 1,5% trong các trường hợp mang thai tự nhiên. Tỷ lệ này có khuynh hướng tăng lên theo số lần sinh và tuổi của sản phụ.

Thai đôi nói riêng và đa thai nói chung là một tình trạng mang thai bất thường nhưng không phải là một bệnh lý, được xếp vào nhóm thai kỳ có nguy cơ cao vì khả năng tử vong chu sinh vào khoảng 14 đến 20%.

Dựa theo sinh bệnh học và giải phẫu học, thai đôi được chia thành hai loại là thai đôi hai trứng (hay thai đôi dị hợp tử) và thai đôi một trứng (hay thai đôi đồng hợp tử).


Thai đôi là tình trạng có hơn một thai nhi sống trong lòng tử cung
Thai đôi là tình trạng có hơn một thai nhi sống trong lòng tử cung

2. Cách đỡ đẻ thai đôi như thế nào?

Đối với một thai kỳ mang thai đôi vốn là một thai kỳ nguy cơ cao, việc theo dõi đều đặn là vô cùng quan trọng để đánh giá đúng mức tình trạng thai cũng như lựa chọn cách thức chuyển dạ sinh. Thêm một lý do nữa là thai đôi luôn có nhiều khả năng được sinh sớm hơn, thường là trước 38 tuần. Trong thực tế là có chưa đến một nửa số ca sinh đôi kéo dài hơn cột mốc 37 tuần.

Khoảng một phần ba của tất cả các cặp song sinh có thể được sinh bằng ngã âm đạo và quá trình này cũng cùng nguyên tắc như khi sinh một thai, tức chỉ chuyển dạ một lần nhưng sinh được đến hai em bé. Nếu có kế hoạch sinh con qua đường âm đạo từ trước, sản phụ nên được chỉ định tiêm thuốc ngoài màng cứng để giảm đau, giúp việc chuyển dạ sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn, hỗ trợ việc sinh thường hiệu quả khi người mẹ đã được giảm đau tốt.

Quá trình theo dõi chuyển dạ nhìn chung vẫn tương tự như đối với sinh một con nhưng đối với những thai nhi sinh đôi, tần suất đánh giá thường chặt chẽ hơn. Để thực hiện điều này, sản phụ được gắn các thiết bị theo dõi có kết nối với một màn hình điện tử, ghi nhận tần số, thời gian và mức độ của các cơ gò tử cung cũng như thời điểm vỡ ối. Chính vì chuyển dạ thai đôi thường kéo dài, sổ thai chậm do cơn gò tử cung yếu, đa số các sản phụ sẽ được tiêm truyền thuốc giục sinh từ thời điểm này.

Đối với sản phụ sinh con so, thai đôi thường là hai ngôi dọc với hai ngôi đầu, một đầu một mông hoặc hai ngôi mông. Đối với sản phụ đa sản hay con so nhưng có kèm dị dạng tử cung, ngôi của thai đôi có thể là một ngôi dọc, một ngôi ngang hoặc cả hai ngôi ngang cùng chung một chiều hay khác chiều.

Một khi cổ tử cung đã mở, mỗi thai sẽ có các giai đoạn sổ thai riêng biệt. Điều này có nghĩa là sản phụ sẽ cần đến hai chu kỳ rặn sinh hiệu quả. Tuy nhiên, lần rặn sinh thai thứ hai, nếu ngôi thuận lợi và đã vỡ ối, sẽ có phần dễ dàng hơn nhiều so với lần đầu tiên, có thể là do thừa hưởng được thuận lợi trên ngã âm đạo đã dãn nở hoàn toàn trong lần sinh thai đôi trước đó.


Trong quá trình từ mang thai đến sinh nở, sản phụ thai đôi cần được theo dõi thường xuyên
Trong quá trình từ mang thai đến sinh nở, sản phụ thai đôi cần được theo dõi thường xuyên

Sau khi đỡ sinh xong thai nhi thứ nhất, bác sĩ hay nữ hộ sinh cần phải kiểm tra kỹ lưỡng lại thai nhi thứ hai về ngôi, thế và kiểu thế qua thăm khám âm đạo cũng như nghe lại tim thai. Nếu cùng là ngôi dọc, thời gian chờ đợi sinh tự nhiên trung bình giữa lúc sinh em bé thứ nhất và em bé thứ hai thường là trong vòng khoảng từ 15 đến 30 phút. Tuy nhiên, nếu màn màn hình theo dõi các chỉ số cho thấy em bé thứ hai vẫn đang hoạt động tốt thì không cần phải tăng tốc quá mức. Thậm chí, trong giai đoạn chờ đợi này, bác sĩ có thể siêu âm lại để xác nhận vị trí của thai sinh đôi thứ hai và đưa ra quyết định chọn lựa cách sinh con.

Nếu các cơn co thắt dừng lại hay yếu hơn sau lần sinh đầu tiên, sản phụ cần được truyền thuốc tăng co với hormone oxytocin để khởi động lại chu kỳ gò tử cung. Nếu thai đã trình diện nhưng sổ khó, sổ chậm, cần hỗ trợ lấy thai bằng giác hút hay forceps để giúp sinh. Nếu là ngôi ngang, bác sĩ có thể can thiệp bằng cách phá ối, sau đó áp dụng thủ thuật nội xoay thai trong lòng tử cung và đại kéo thai nếu đủ điều kiện.

Cuối cùng là sổ nhau và phần phụ, thường chỉ một lần cho cả hai thai. Phải kiểm tra kỹ bánh nhau để đánh giá thực sự là thai đôi hai trứng hay thai đôi một trứng vì nguy cơ xảy ra tử vong chu sinh của hai loại song thai này là hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, phát hiện các dị dạng của bánh nhau có thể gợi ý liên quan đến các dị tật thai nhi, định hướng thám sát và xử trí sớm.

Ngoài ra, sau khi chuyển dạ sinh thai đôi, cơ trơn tử cung rất dễ bị đờ và sản phụ dễ xảy ra biến chứng băng huyết sau sinh. Theo đó, cần tiếp tục truyền oxytocin để dự phòng biến cố này, đảm bảo tử cung co hồi tốt thành một khối cứng chắc sờ thấy trên hạ vị.

3. Theo dõi gì sau đỡ đẻ thai đôi?

Ngay sau khi sinh, bác sĩ hay nữ hộ sinh sẽ thăm khám và kiểm tra hai trẻ sơ sinh để xác định thai đôi loại nào cũng như tầm soát các dị tật thường gặp ở trẻ mới sinh, trẻ sinh đôi nói riêng. Đồng thời, ngã sinh âm đạo của mẹ cũng cần kiểm tra, loại trừ các sang chấn và tiến hành can thiệp, khâu cầm nếu có. Khi có các thủ thuật trực tiếp trong lòng tử cung, sản phụ cần dùng kháng sinh phổ rộng toàn thân, giảm nguy cơ nhiễm trùng hậu sản sau này.

Trong trường hợp chuyển dạ sinh non tháng, có thể một trẻ hoặc cả hai trẻ sẽ cần khoảng thời gian nhất định được chăm sóc trong môi trường đặc biệt trước khi trao lại cho gia đình.

Bất cứ khi nào có thể, hãy cho con được có phản xạ tìm bú vú mẹ để tạo điều kiện hình thành sữa non. Nếu chỉ có một bé có thể bú hiệu quả, người mẹ cũng nên vắt sữa để nuôi bé sinh đôi còn lại. Sau đó, khi con đã đầy đủ khả năng, tập cho cả hai bé cùng biết cách bú vú mẹ trực tiếp để khuyến khích sản xuất sữa nuôi cả hai.

Các vấn đề chăm sóc khác trên trẻ sinh đôi nhìn chung cũng cần được tuân thủ như đối với trẻ sinh một; trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng và cho trẻ tiêm phòng định kỳ đầy đủ theo lịch hẹn.

Thai đôi là một lần sinh được hai đứa trẻ. Đi kèm với niềm vui nhân hai, đỡ đẻ thai đôi là một hành trình nhiều căng thẳng và nguy cơ cao. Theo đó, việc thăm khám thường xuyên trong thai kỳ, lựa chọn nơi sinh uy tín, chất lượng để đảm bảo cuộc chuyển dạ an toàn cho mẹ và các con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: pregnancybirthbaby.org; nhs.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe