Hỏi
Chào bác sĩ,
Bé nhà em khi được 14-15 tháng tuổi đã có thể nói những từ như “ba”, “cha”, “pi”. Đến khi được 30 tháng tuổi, bé không nói được từ “mẹ”, thính lực khi xem TV rất tốt nhưng khi được người thân gọi thì có lúc phản ứng, có lúc không. Bé rất nghịch, hay chạy nhảy, có thể xé và bóc đồ vật có dán tem và hay ngáy khi ngủ. Khi bé 27 tháng tuổi, bé được chẩn đoán dính thắng lưỡi và đã phẫu thuật nhưng không có tiến triển. Bác sĩ cho em hỏi, dính thắng lưỡi có phải là nguyên nhân khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ không?
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Dính thắng lưỡi có phải là nguyên nhân khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Tình trạng dính thắng lưỡi không làm bé chậm nói, chỉ làm bé nói ngọng.
Qua thông tin mô tả, né có tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tối đa sự rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì biện pháp quan trọng hàng đầu chính là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây chính là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình.
Trái lại, phải tăng cường cho trẻ em giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn cho trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và ước muốn của chúng. Trong biện pháp giáo dục trực tiếp này, cô nuôi dạy trẻ hoặc người lớn sẽ cùng tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn uốn nắn cho trẻ nghe, nói chuẩn lời nói, từ ngữ... giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ đúng. Nhờ đó trẻ sẽ trở nên mạnh dạn hơn trong giao tiếp và biết sử dụng các từ ngữ cần thiết để biểu đạt nhu cầu hay biểu lộ tình cảm của mình.
Bạn cần đưa bé đến trung tâm y tế Nhi khoa để bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Bạn cần đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để can thiệp sớm vì can thiệp trễ qua thời điểm vàng (dưới 3 tuổi), bé có thể khó hòa nhập với cộng đồng.
Nếu bạn còn thắc mắc về rối loạn ngôn ngữ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.