Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Các chất điện giải như Na+, K+, CL-,...đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng nội môi của cơ thể, điều hòa hệ tim mạch và duy trì huyết áp bình thường cho cơ thể. Khi các chất điện giải này bị rối loạn, nó gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch.
1. Điện giải đồ nước tiểu là gì?
Chất điện giải là những khoáng chất và chất dịch mang điện tích như các ion Na+, K+, Cl-,... nó được tìm thấy trong máu, nước tiểu và các mô cơ thể dưới dạng muối hoà tan.
Bình thường, khi cơ thể khỏe mạnh, hoàn toàn không có vấn đề về bệnh lý thì ở hai bên màng tế bào luôn có sự cân bằng về điện tích. Việc duy trì sự cân bằng này của chất điện giải giúp ích cho quá trình trao đổi hóa học, hoạt động cơ và các quá trình khác của cơ thể.
Tuy nhiên, sự cân bằng này có thể bị phá vỡ khi cơ thể thực hiện một động tác nào đó như co cơ, vận động nặng hoặc bị mắc các bệnh lý về thận, tim mạch,... khiến cho nồng độ các ion Na+, K+, Cl-,... tăng hoặc giảm so với bình thường. Tình trạng này gọi là rối loạn điện giải.
Khi bị rối loạn điện giải, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ, nhịp tim tăng giảm thất thường, nôn mửa, co giật và có thể dẫn đến tử vong. Nếu lượng natri và calci trong cơ thể quá cao có thể sẽ gây hại cho gan và thận.
Do vậy, việc định lượng các chất điện giải trong nước tiểu ( Na+, K+, Cl-) là hết sức quan trọng trong việc xác định phương hướng điều trị đối với bệnh nhân bị rối loạn điện giải. Đây được gọi là điện giải đồ nước tiểu.
2. Ý nghĩa của định lượng các chất điện giải trong nước tiểu
2.1 Đối với ion Na+
- Natri: Là nguyên tố chủ yếu của dịch ngoài tế bào, có vai trò quan trọng trong việc duy trì thẩm thấu dịch, kích thích dẫn truyền thần kinh, giúp cân bằng độ pH và bảo vệ cơ thể khỏi sự mất dịch.
- Mất cân bằng natri: Khi cơ thể không đủ lượng natri cần thiết thường gây buồn nôn, ăn không ngon. Đặc biệt đối với người già, mất cân bằng natri có thể khiến họ mất thăng bằng, dễ bị ngã, khả năng vận động kém. Một số bất thường ở hệ thần kinh có thể do thiếu hụt natri gây nên.
- Giá trị bình thường Na+ trong nước tiểu: 40- 220 mmol/24h (54- 150 mmol/L)
- Na niệu tăng trong trường hợp: Rối loạn cân bằng nước, Thiểu năng thượng thận...
- Na niệu giảm đối với những bệnh nhân bị xơ gan
2.2 Đối với K+
- Kali: Kali chiếm tỉ lệ lớn trong dịch nội bào, giúp điều chỉnh các chất cân bằng điện giải, giúp cơ co thắt và để điều chỉnh chức năng bình thường của não và thần kinh. Ở tế bào, kali có nhiệm vụ quan trọng là cân bằng lượng axit, áp suất thẩm thấu và giữ lại nước cho tế bào. Mặt khác, Kali còn phối hợp với natri để duy trì chức năng bình thường của cơ bắp và tim, giúp kiểm soát ổn định nhịp tim
- Mất cân bằng kali: Khi lượng kali trong cơ thể thay đổi thất thường, người bệnh phải đối mặt với nhiều tình trạng nguy hiểm như: rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng chức năng thần kinh và suy thận.
- Giá trị bình thường K+ trong nước tiểu: 25- 125 mmol/24h (20- 80 mmol/L)
- Kali niệu tăng đối với các trường hợp: Bệnh nhân dùng các hormon steroid, Hội chứng Cushing, viêm thận mất kali
- Kali niệu giảm trong bệnh thận có sự giảm đào thải nước tiểu: viêm cầu thận cấp, suy thận giai đoạn cuối, thiểu năng vỏ thượng thận...
2.3 Đối với CL-
- Clo: Nguyên tố Clo cần thiết trong cân bằng nước và điều hoà áp lực thẩm thấu cũng như cân bằng acid - base, đặc biệt quan trọng ở máu.
- Giá trị bình thường CL- trong nước tiểu: 110- 250 mmol/24h (46- 168 mmol/L)
- Clo niệu tăng trong trường hợp tổn thương ống niệu, mất muối do thận, thiểu năng vỏ thượng thận, giảm sự hấp thu muối.
- Clo máu giảm trong trường hợp mất nhiều mồ hôi, hội chứng Cushing, dùng các corticoid thượng thận, đái tháo nhạt.
2.4 Ý nghĩa của định lượng các chất điện giải trong nước tiểu
- Giúp bác sĩ theo dõi điều trị các bệnh lý nhất định như tăng huyết áp, suy tim, gan và thận của người bệnh.
- Xác định được những rối loạn trong cơ thể, từ đó có thể xác định được nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp để khôi phục lại sự cân bằng điện giải trong cơ thể.
3. Những sai sót và xử lý
- Trước phân tích
- Nước tiểu của người bệnh phải lấy đúng kỹ thuật, không lẫn máu.
- Trên dụng cụ đựng mẫu bệnh phẩm phải ghi đầy đủ các thông tin của người bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, khoa/ phòng, số giường...). Các thông tin này phải khớp với các thông tin trên phiếu chỉ định xét nghiệm. Nếu không đúng: hủy và lấy lại mẫu.
- Trong phân tích: Mẫu bệnh phẩm của người bệnh chỉ được thực hiện khi kết quả kiểm tra chất lượng không vi phạm các luật của quy trình kiểm tra chất lượng; nếu không, phải tiến hành chuẩn và kiểm tra chất lượng lại, đạt mới thực hiện xét nghiệm cho người bệnh; nếu không đạt: tiến hành kiểm tra lại các thông số kỹ thuật của máy, sửa chữa hoặc thay mới các chi tiết nếu cần. Sau đó chuẩn và kiểm tra chất lượng lại cho đạt.
- Sau phân tích: Phân tích kết quả thu được với chẩn đoán lâm sàng, với kết quả các xét nghiệm khác của chính người bệnh đó; nếu không phù hợp, tiến hành kiểm tra lại: thông tin trên mẫu bệnh phẩm, chất lượng mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng máy, phân tích lại mẫu bệnh phẩm đó.
Rối loạn điện giải trong cơ thể nếu kéo dài sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Do vậy, khi thấy xuất hiện những triệu chứng, biểu hiện ban đầu của rối loạn điện giải như mất nước, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, tim đập chậm hoặc tim đập bất thường, tuần hoàn kém,... thì nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.