Vô sinh thứ phát gặp ở các cặp vợ chồng đã có con nhưng không có khả năng thụ thai hoặc mang thai sau khi đã có con đầu lòng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể điều trị vô sinh thứ phát cho một trong hai hoặc cả hai vợ chồng.
1. Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát
Tất cả các bước trong quá trình rụng trứng và thụ tinh cần phải diễn ra chính xác thì mới có khả năng thụ thai thành công. Đôi khi các vấn đề gây vô sinh ở các cặp vợ chồng diễn ra khi còn trong bụng mẹ và đôi khi phát triển sau này trong cuộc sống.
Nguyên nhân vô sinh có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai vợ chồng. Nhìn chung:
- Trong khoảng một phần ba trường hợp, nguyên nhân do nam giới
- Trong khoảng một phần ba trường hợp, nguyên nhân do nữ giới
- Trong các trường hợp còn lại, nguyên nhân do cả hai giới hoặc không tìm thấy nguyên nhân
1.1 Nguyên nhân gây vô sinh ở nam
Các nguyên nhân có thể gây vô sinh ở nam giới bao gồm:
- Quá trình sản xuất hoặc chức năng tinh trùng bất thường do tinh hoàn ẩn, khiếm khuyết di truyền, các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng như chlamydia, lậu, quai bị hoặc HIV. Giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
- Các vấn đề về việc cung cấp tinh trùng do các vấn đề tình dục, chẳng hạn như xuất tinh sớm; một số bệnh di truyền như xơ nang. Gặp vấn đề gây tắc nghẽn trong tinh hoàn hoặc chấn thương ở cơ quan sinh sản.
- Tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố môi trường độc hại như thuốc trừ sâu, các hóa chất và bức xạ. Hút thuốc lá, rượu, cần sa, anabolic steroids và thuốc để điều trị nhiễm khuẩn, huyết áp cao và trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thường xuyên tiếp xúc với nhiệt, chẳng hạn như sử dụng phòng tắm hơi hoặc bồn nước nóng, có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và có thể ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng.
- Tổn thương do ung thư và phương pháp điều trị ung thư như xạ trị hoặc hóa trị làm giảm sản xuất tinh trùng.
1.2 Nguyên nhân gây vô sinh nữ
- Rối loạn rụng trứng, ảnh hưởng đến việc giải phóng trứng từ buồng trứng. Bao gồm các rối loạn nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang, hoặc quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) hoặc quá ít (suy giáp) có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc gây vô sinh. Các nguyên nhân cơ bản khác có thể bao gồm tập thể dục quá nhiều, rối loạn ăn uống hoặc khối u.
- Bất thường hình dạng của tử cung hoặc cổ tử cung, polyp trong tử cung. Các khối u không ung thư (lành tính) trong thành tử cung (u xơ tử cung) có thể gây vô sinh bằng cách chặn ống dẫn trứng hoặc ngăn trứng đã được thụ tinh vào làm tổ trong tử cung.
- Tổn thương hoặc tắc nghẽn ống dẫn trứng, thường do viêm ống dẫn trứng. Nguyên nhân của bệnh lý này có thể là hậu quả của bệnh viêm vùng chậu do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, lạc nội mạc tử cung hoặc dính tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng.
- Suy buồng trứng nguyên phát (mãn kinh sớm), khi buồng trứng ngừng hoạt động và kinh nguyệt kết thúc trước tuổi 40. Mặc dù nguyên nhân thường chưa được biết đến nhưng một số yếu tố liên quan đến mãn kinh sớm, bao gồm các bệnh về hệ miễn dịch, một số bệnh di truyền như hội chứng Turner hoặc người mang gen hội chứng fragile X và điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị.
- Bám dính vùng chậu, các dải mô sẹo liên kết các cơ quan xung quanh có thể hình thành sau khi người bệnh bị nhiễm trùng vùng chậu, viêm ruột thừa, lạc nội mạc tử cung hoặc phẫu thuật ổ bụng hoặc xương chậu.
- Ung thư và phương pháp điều trị ung thư. Một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư hệ sinh sản thường làm suy giảm khả năng sinh sản của nữ giới. Ngoài ra, cả xạ trị và hóa trị cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
2. Cách chữa vô sinh thứ phát
Vô sinh thứ phát điều trị phụ thuộc vào:
- Nguyên nhân gây ra vô sinh. Lưu ý, một số nguyên nhân gây vô sinh không thể được điều trị khỏi.
- Thời gian mắc vô sinh
- Tuổi của người bệnh (cả nam và nữ)
- Nguyện vọng cá nhân
Trong trường hợp không thể mang thai tự nhiên, các cặp vợ chồng vẫn có thể mang thai thông qua việc sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản.
2.1 Điều trị cho nam giới
Nhìn chung, phương pháp điều trị của nam giới cần giải quyết các bệnh lý tình dục hoặc thiếu tinh trùng khỏe mạnh như:
- Thay đổi yếu tố lối sống: Cải thiện lối sống và một số hành vi nhất định có thể cải thiện cơ hội mang thai như ngừng sử dụng một số loại thuốc, giảm hoặc không tiếp xúc với các chất có hại, cải thiện tần suất và thời gian giao hợp, tập thể dục thường xuyên và cải thiện các yếu tố khác có thể làm giảm khả năng sinh sản.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể cải thiện số lượng tinh trùng và gia khả năng mang thai thành công. Những loại thuốc này có thể làm tăng chức năng tinh hoàn, bao gồm cả chất lượng và sản xuất số lượng tinh trùng.
- Phẫu thuật. Đối với một số bệnh lý, phẫu thuật có thể đảo ngược vấn đề tắc nghẽn tinh trùng và khôi phục khả năng sinh sản.
2.2 Điều trị cho nữ giới
- Kích thích rụng trứng bằng thuốc hỗ trợ sinh sản: Thuốc hỗ trợ sinh sản (Fertility drugs) là phương pháp điều trị chính cho những phụ nữ bị vô sinh do rối loạn rụng trứng. Những loại thuốc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt hoặc gây rụng trứng.
- Thụ tinh nhân tạo – bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination – IUI). Trong quá trình IUI, tinh trùng khỏe mạnh được đặt trực tiếp vào tử cung vào khoảng thời gian buồng trứng giải phóng một hoặc nhiều trứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh, IUI có thể được sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường hoặc khi người bệnh sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản.
- Phẫu thuật để phục hồi khả năng sinh sản: Các vấn đề về tử cung như polyp nội mạc tử cung, vách ngăn tử cung, mô sẹo trong tử cung và u xơ tử cung có thể được điều trị bằng phẫu thuật hysteroscopic. Lạc nội mạc tử cung, xơ dính vùng chậu và u xơ lớn hơn có thể phải phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
2.3 Công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology)
Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) là các phương pháp điều trị sinh sản xử lý trứng và tinh trùng. Hiện nay, có một số công nghệ hỗ trợ sinh sản như sau:
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là kỹ thuật ART phổ biến nhất. IVF được thực hiện bằng cách kích thích và lấy nhiều trứng trưởng thành, sau đó thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và sau vài ngày, phôi sẽ được cấy vào tử cung.
Các kỹ thuật khác đôi khi được sử dụng trong chu trình IVF, chẳng hạn như:
- Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (intracytoplasmic sperm injection). Một tinh trùng khỏe mạnh sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng trưởng thành. Kỹ thuật thường được sử dụng khi nam giới có tinh trùng chất lượng kém hoặc số lượng tinh trùng ít hoặc thụ tinh ở các lần IVF trước đó diễn ra không thành công.
- Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted Hatching). Kỹ thuật này hỗ trợ phôi làm tổ ở niêm mạc tử cung bằng cách mở vỏ bọc bên ngoài của phôi.
- Trứng hoặc tinh trùng hiến tặng. Hầu hết ART được thực hiện bằng cách sử dụng trứng và tinh trùng của chính cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh. Tuy nhiên, nếu có vấn đề nghiêm trọng với trứng hoặc tinh trùng, người bệnh có thể chọn sử dụng trứng, tinh trùng hoặc phôi từ người hiến tặng quen biết hoặc ẩn danh.
- Mang thai hộ: Phụ nữ không có tử cung bình thường hoặc nếu mang thai sẽ có nguy cơ nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe, thì người bệnh có thể chọn IVF kết hợp với mang thai hộ. Trong trường hợp này, phôi của cặp vợ chồng sẽ được đặt vào tử cung của người mang thai hộ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com,
Video đề xuất:
Các phương pháp điều trị vô sinh: Hi vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn