Điều trị viêm xoang cấp ở trẻ em

Bài viết được viết bởi bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm xoang do virus thường tự hết mà không cần điều trị. Thuốc dùng trong trường hợp này đa phần là để giảm triệu chứng. Một số thuốc quen thuộc dùng để giảm đau bao gồm acetaminophen, ibuprofen.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang ở trẻ em

Chảy mũi, ho, nghẹt mũi, sốt nhẹ, thường hay xảy ra, nhiều khi hết thuốc lại bị, thường dẫn đến biến chứng viêm tai giữa cấp.

Chảy mũi trong, liên tục chảy mũi, khò khè, có kèm theo ran ở phổi. Có khoảng 40% trẻ viêm mũi dị ứng liên quan suyễn.

Ngược lại, có khoảng 80% trẻ em suyễn liên quan đến dị ứng.

  • Suy giảm miễn dịch

Ở trẻ có liên quan cha mẹ bị AIDS

  • Bất thường về hốc mũi

Vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, quá phát VA vòm, VA vòi.

Các nguyên nhân trên kéo dài dai dẳng dẫn đến niêm mạc mũi phù nề dẫn đến tắc lỗ thông mũi xoang, ứ đọng dịch trong xoang.


Vẹo vách ngăn ở mũi
Vẹo vách ngăn ở mũi

Các triệu chứng thường gặp:

  • Chảy mũi đặc, xanh hay vàng, có mùi tanh.
  • Ho do đàm, dịch chảy xuống họng thanh quản.
  • Sốt nhẹ hay sốt cao tùy theo mức độ bội nhiễm phối hợp với viêm amidan.
  • Thở hôi, khò khè.
  • Trẻ quấy khóc do nghẹt mũi, phải há mồm để thở.
  • Khám nội soi mũi phát hiện khe mũi hai bên nhiều dịch nhầy, đặc, chảy từ cửa mũi sau xuống họng, niêm mạc cuốn mũi giữa, cuốn mũi dưới phù nề. Vòm mũi họng VA quá phát che kín cửa mũi sau, có khi đè vào vòi Eustache.

2. Cách điều trị viêm xoang cấp ở trẻ em

Trẻ em rất hay mắc viêm mũi họng cấp tính do virus, đây là quá trình bình thường để hình thành nên hệ miễn dịch của trẻ sau này, đa số các viêm mũi họng này tự khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần tới bất cứ điều trị đặc hiệu nào chỉ có 5% bị bội nhiễm trở thành viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn.

Việc sử dụng kháng sinh tràn lan là lãng phí, gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh và đôi khi còn gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như trong các trường hợp dị ứng kháng sinh.

Theo y học phương Tây, để điều trị viêm xoang cho trẻ, người ta thường dùng một số thuốc trị viêm xoang tùy theo từng trường hợp bệnh.


Thuốc trị viêm xoang cho trẻ nhỏ
Thuốc trị viêm xoang cho trẻ nhỏ

3. Một số thuốc điều trị viêm xoang cấp tính

  • Thuốc kháng sinh

Nếu con bạn bị nhiễm khuẩn dẫn tới viêm xoang thì dùng thuốc kháng sinh sẽ đạt hiệu quả, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Một khi triệu chứng bệnh ở trẻ không thuyên giảm sau 3-5 ngày, bác sĩ thường sẽ đổi sang dùng loại kháng sinh khác.

  • Thuốc dị ứng

Nếu trẻ bị dị ứng dẫn tới viêm xoang thì dùng thuốc kháng histamin và các loại thuốc dị ứng khác để làm giảm sưng.

Lưu ý:

  • Viêm xoang do virus thường tự hết mà không cần điều trị. Thuốc dùng trong trường hợp này đa phần là để giảm triệu chứng. Một số thuốc quen thuộc dùng để giảm đau bao gồm acetaminophen, ibuprofen.
  • Do khó xác định nguyên nhân gây viêm xoang là do virus hay vi khuẩn nên một số bác sĩ sẽ không cho trẻ dùng kháng sinh ngay lập tức mà chờ vài ngày xem viêm xoang có tự hết hay không. Cách này giúp tránh dùng kháng sinh một cách không cần thiết vì có những loại kháng sinh có tác dụng phụ không tốt. Ngoài ra, nếu trẻ dùng kháng sinh bừa bãi sẽ dễ bị kháng kháng sinh.

Thuốc trị viêm xoang được bác sĩ kê đơn
Thuốc trị viêm xoang được bác sĩ kê đơn

4. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm xoang

  • Ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước để ngăn ngừa mất nước, làm loãng dịch mủ trong xoang.
  • Rửa mũi với dung dịch nước muối sinh lý là một cách an toàn và hiệu quả giúp giữ độ ẩm cho xoang và mũi, làm sạch mũi, giảm đáng kể triệu chứng khó chịu gây ra bởi tình trạng viêm mũi do dị ứng, virus và vi khuẩn.
  • Xông mũi họng với tinh dầu. Dùng các tinh dầu như tinh dầu bạch đàn để xông mũi họng được cho là có tác dụng kháng khuẩn, làm thông thoáng đường thở, giúp trẻ dễ chịu hơn.
  • Chườm ấm để giảm đau nhức, thư giãn. Dùng khăn hoặc túi chườm ấm áp nhẹ lên mũi, má, mắt để giảm đau các vùng trên mặt.

5. Làm gì để phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em

Một số thay đổi đơn giản trong lối sống và môi trường sống giúp phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em, giảm nguy cơ mắc bệnh, cụ thể là:

  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối

Sau khi đi từ bên ngoài trở về nhà hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, hãy dùng nước muối sinh lý để xịt hoặc rửa mũi, súc họng cho trẻ nhằm giữ độ ẩm và làm sạch đường hô hấp. Nước muối sinh lý có bán rộng rãi tại các nhà thuốc.

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm

Nếu có điều kiện, dùng máy tạo độ ẩm trong những ngày khô hanh sẽ tránh được việc không khí khô kích thích các xoang, gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, cần thường xuyên vệ sinh máy tạo độ ẩm để ngăn ngừa nấm mốc phát triển.


Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em
Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp phòng ngừa viêm xoang ở trẻ em

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng

Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm, hải sản...

  • Không để nước từ bên ngoài lọt vào xoang

Tránh nhảy ùm xuống nước khi đi bơi, tránh để bị sặc nước, bơi lội quá lâu trong hồ bơi. Nước từ môi trường ngoài thường có nhiều vi khuẩn hoặc hóa chất, khi lọt vào trong xoang dễ gây viêm nhiễm.

  • Giữ tay sạch và đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống

Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là thói quen phụ huynh cần tập cho trẻ. Do chúng ta thường dùng tay cầm nắm đồ vật, bắt tay, dụi mắt... nên tay không sạch thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống cũng giúp trẻ đỡ bị ảnh hưởng của những nhân tố gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp dẫn đến viêm xoang.

  • Tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp

Do một số bệnh về đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng... có thể dẫn đến viêm xoang nên tiêm ngừa các bệnh này cũng là một cách để phòng ngừa viêm xoang.


Tiêm phòng vắc-xin cho trẻ nhỏ
Tiêm phòng vắc-xin cho trẻ nhỏ

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nơi mầm bệnh dễ lây lan

Nên giữ trẻ tránh tiếp xúc với người bệnh cảm lạnh hoặc người có vấn đề với đường hô hấp trên, tránh những khu vực đông người nơi bệnh dễ dàng lây lan như trường học, bệnh viện, tòa nhà văn phòng, rạp hát, đường phố đông đúc, trung tâm thương mại,... Nếu phải tiếp xúc hoặc đến những nơi như vậy thì cần mang khẩu trang.

Để tránh tình trạng trẻ bị viêm xoang, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm,...

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe