Điều trị viêm nang lông thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm nang lông là bệnh da thường gặp, đặc biệt vào mùa hè do viêm và nhiễm trùng ở các nang lông. Viêm nang lông có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể (trừ môi, lòng bàn tay và lòng bàn chân). Vậy các phương pháp điều trị viêm nang lông như thế nào?

1. Triệu chứng của viêm nang lông

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm nang lông bao gồm:

  • sẩn nhỏ ở nang lông, trên có vảy tiết, sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi, không để lại sẹo.
  • Người bệnh có cảm giác hơi đau hoặc ngứa
  • Số lượng tổn thương có thể rải rác một vài tổn thương, cũng có thể có nhiều tổn thương.
  • Bệnh thường tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

2. Chẩn đoán viêm nang lông

Chẩn đoán viêm nang lông dựa vào triệu chứng lâm sàng gồm: tổn thương sẩn nhỏ ở nang lông, có thể hơi ngứa hoặc đau do nhiễm trùng.

Xét nghiệm : lấy mủ tại vùng tổn thương để nuôi cấy vi khuẩn hoặc cạo vảy da vùng tổn thương để xét nghiệm vi nấm.


Bác sĩ chẩn đoán viêm nang lông bằng cách nhìn vào da của bạn và hỏi về tiền sử bệnh tật
Bác sĩ chẩn đoán viêm nang lông bằng cách nhìn vào da của bạn và hỏi về tiền sử bệnh tật

3. Điều trị viêm nang lông

Phương pháp điều trị viêm nang lông :

  • Cần loại bỏ các yếu tố thận lợi như mặc quần áo chật, cạo râu, nhổ lông, dùng thuốc hoặc mỹ phẩm gây kích ứng, dùng corticoid lâu ngày...
  • Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn...
  • Tránh cào gãi, kích thích tổn thường
  • Tùy vào mức độ tổn thương: với trường hợp nhẹ có một vài tổn thương chỉ cần dùng dung dịch sát khuẩn kết hợp với kháng sinh bôi tại chỗ. Trường hợp nặng cần phối hợp điều trị tại chỗ và kháng sinh đường toàn thân:

Dung dịch sát khuẩn: có thể dùng một trong các dung dịch sau:

  • Povidon-iodin 10%
  • Hexamidine 0.1%
  • Chlorhexidine 4%

Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ: dùng một trong các thuốc sau, thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

  • Kem hoặc mỡ axit fucidic: bôi 1-2 lần/ngày
  • Mỡ Mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày
  • Mỡ Neomycin bôi 2-3 lần/ngày
  • Kem silver sulfadiazin 1% bôi 1-2 lần/ngày
  • Dung dịch erythromycin bôi 1-2 lần/ngày
  • Dung dịch Clindamycin bôi 1-2 lần/ngày

Kháng sinh đường toàn thân: sử dụng một trong các thuốc sau, thời gian điều trị 7-10 ngày.

  • Cloxacilin uống, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch cứ 6 giờ dùng 250-500 mg, ở người lớn. Trẻ em dưới 20kg cân nặng, cứ 6 giờ dùng liều 12.5-25 mg/kg.
  • Amoxicillin/Clavulanic: người lớn 875/125 mg x 2 lần/ngày, uống. Trẻ em 25 mg/kg/ngày chia hai lần, uống.
  • Clindamycin: người lớn 300-400 mg x 3 lần/ngày, uống hoặc truyền tĩnh mạch. Trẻ em liều 10-20 mg/kg/ngày chia 3 lần, uống hoặc truyền tĩnh mạch.
  • Trường hợp do tụ cầu vàng kháng Methicilin dùng Vancomycin: người lớn liều 30 mg/kg/ngày, chia 4 lần (không dùng quá 2 g/ngày), pha loãng truyền tĩnh mạch chậm. Trẻ em liều 40 mg/ngày chia 4 lần (cứ 6 giờ tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch 10mg/kg).

Kem hoặc thuốc để kiểm soát nhiễm trùng
Kem hoặc thuốc để kiểm soát nhiễm trùng

4. Phòng bệnh

  • Vệ sinh cá nhân
  • Tránh các yếu tố thuận lợi như môi trường nóng ẩm, các hóa chất dầu mỡ
  • Điều trị sớm khi có tổn thương da
  • Trường hợp tái phát cần lưu ý vệ sinh tốt loại bỏ các ổ vi khuẩn trên da như vùng rãnh mũi má, rãnh liên mông...

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng dành cho mọi khách hàng ở mọi lứa tuổi. Khách hàng có nguy cơ như cơ địa dị ứng, bị ảnh hưởng của điều kiện môi trường xung quanh như thời tiết, khí hậu, độ ẩm,...sẽ được khám và thực hiện các xét nghiệm bao gồm:

  • Khám chuyên khoa Da liễu
  • Thực hiện các xét nghiệm như: định lượng IgE, vi nấm soi tươi, định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên dị ứng hô hấp – thức ăn (Panel 1 Việt), xét nghiệm Rida Allergy Screen (panel 1)...

Bác sĩ Thu Hằng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu. Đặc biệt dày dặn kinh nghiệm trong điều trị bệnh da người lớn và trẻ em, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh da tự miễn và hiếm gặp. Bác sĩ từng đạt các chứng chỉ, bằng đại học trong và ngoài nước như: Bằng chuyên khoa I - Da liễu, Đại học Y Hà Nội, Bằng DFMS - Da liễu, Đại học Paris XIII, Cộng hòa Pháp trước khi là bác sĩ da liễu tại khoa Nội tổng hợp bệnh viện Vinmec Hải Phòng như hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com và Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe