Điều trị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản

Thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản là sự chít hẹp từ bên trong hay bên ngoài vị trí nối tiếp giữa bể thận và niệu quản. Điều trị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản theo nguyên tắc giải quyết tổn thương và ngăn ngừa biến chứng.

1. Thận ứ nước

Thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là sự suy yếu của lưu thông dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản, gây giãn hệ thống thu thập và có khả năng suy giảm chức năng thận. Sự giãn nở của thận có thể gây chèn ép nhu mô thận dẫn tới giảm độ lọc của thận hoặc nhiễm trùng gây tổn thương thận.

Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là nguyên nhân phổ biến nhất đối với bệnh lý tắc nghẽn ở trẻ em, hay gặp nhất là khoảng 5 tuổi. Tỷ lệ mắc thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản ở nam giới gấp đôi ở nữ giới. Thận ứ nước bên trái thường gặp hơn bên phải và thận ứ nước ở hai bên thì chiếm khoảng 10%.

2. Chẩn đoán

Để chẩn đoán thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản cần tiến hành thăm khám lâm sàng, và làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

  • Xét nghiệm: ure, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, creatinin,...
  • Siêu âm: cho biết kích thước thận, bề dày nhu mô thận và còn giúp phân biệt với giãn niệu quản, phát hiện thận đa nang phía bên kia.
  • X-quang: chụp hệ niệu cản quang đường tĩnh mạch, chụp cản quang bàng quang khi tiểu, xạ hình thận với Tc99m.

Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt đối với những trường hợp:

  • Thận nước do phình niệu quản: phân biệt dựa trên siêu âm
  • Thận nước do trào ngược bàng quang - niệu quản
  • Thận đôi
  • Thận đa nang
  • Trường hợp thận câm trên phim X-quang: siêu âm sẽ giúp xác định đây là thận nước do hẹp khúc nối hoặc do giãn niệu quản. Nếu là thận đa nang, siêu âm xác định không có tổn thương bể thận và đài thận.

Bệnh thận ứ nước cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh thận đa nang, tránh điều trị sai hướng
Bệnh thận ứ nước cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh thận đa nang, tránh điều trị sai hướng

3. Điều trị thận ứ nước

Có nhiều phương pháp điều trị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, các phương pháp vẫn tuân theo nguyên tắc giải quyết tổn thương và ngăn ngừa các biến chứng do thận ứ nước có thể gây ra.

3.1 Điều trị bảo tồn

Chỉ định điều trị bảo tồn: khi không có chỉ định phẫu thuật. Phương pháp điều trị bảo tồn:

  • Theo dõi kích thước thận – bể thận trên siêu âm mỗi 3 – 6 tháng.
  • Nếu thận tăng kích thước, đánh giá lại chức năng thận trên xạ hình thận.
  • Kháng sinh khi có nhiễm trùng tiểu.
  • Kháng sinh dự phòng: thận ứ nước hai bên mức độ nặng, thận ứ nước phát hiện trước sinh có RPD > 15mm. Thuốc lựa chọn: amoxicillin 12 – 25mg/kg/ngày uống. Thời gian sử dụng thuốc bắt đầu ngay sau sinh cho đến khi loại trừ các bất thường hệ niệu phối hợp như trào ngược bàng quang niệu quản, van niệu đạo sau.

3.2 Điều trị bằng phẫu thuật

3.2.1 Chỉ định

Chỉ định phẫu thuật khi:

  • Có triệu chứng: đau bụng, nhiễm trùng, sỏi thận, thận lớn sờ được.
  • Không triệu chứng nhưng có giảm chức năng thận dưới 40% trên xạ hình thận.
  • Thất bại trong điều trị bảo tồn: tăng kích thước thận trên siêu âm và chức năng thận dưới 40% hoặc giảm chức năng thận nhiều hơn 10% trên xạ hình so với trước đó.
  • Thận ứ nước khổng lồ có đường kính bể thận trước sau – RPD > 50mm trên siêu âm.

3.2.2 Phương pháp phẫu thuật

Các bước tiến hành phẫu thuật bao gồm:

  • Tạo hình khúc nối bể thận – niệu quản theo Anderson – Hynes qua đường nội soi, mổ mở hoặc phẫu thuật bằng robot. Chuyển lưu nước tiểu với thông JJ hoặc stent niệu quản hay ống thông mở thận ra da.
  • Khi chức năng thận dưới 10% trên xạ hình: phẫu thuật triệt để hoặc dẫn lưu bể thận.
  • Dẫn lưu bể thận: Sau khi dẫn lưu 1 -2 tháng sẽ đánh giá lại chức năng thận. Nếu chức năng thận cải thiện, phẫu thuật tạo hình bể thận.
  • Cắt thận đối với những trường hợp sau:
    • Chức năng thận mất hoàn toàn.
    • Sau dẫn lưu bể thận chức năng thận không cải thiện.
    • Thận ứ nước teo nhỏ mất chức năng hoặc nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh, và giảm đau sau mổ. Đặt stent niệu quản và rút sau phẫu thuật 5-7 ngày. Đối với bệnh nhân đặt ống thông JJ, rút JJ qua nội soi bàng quang sau 1-2 tháng.


Bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt thận nếu như chức năng thận mất hoàn toàn
Bệnh nhân sẽ được chỉ định cắt thận nếu như chức năng thận mất hoàn toàn

4. Biến chứng thường gặp

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng ví dụ như:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Rò miệng nối
  • Tắc nghẽn miệng nối
  • Biến chứng liên quan đến ống thông JJ
  • Tắc nghẽn khúc nối tái phát

Do đó, sau phẫu thuật bệnh nhân cần được theo dõi sát, siêu âm sau mổ 1 tháng và mỗi 3-6 tháng trong vòng ít nhất 2 năm nhằm đánh giá sự cải thiện mức độ ứ nước và triệu chứng. Nếu sau mổ 3-6 tháng mức độ ứ nước không thay đổi hoặc diễn tiến nặng hơn hay xạ hình thận được chỉ định để đánh giá lại kết quả phẫu thuật,

Tóm lại, thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản là sự chít hẹp từ bên trong hay bên ngoài vị trí nối tiếp giữa bể thận và niệu quản. Điều trị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản có thể điều trị theo phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật khi có chỉ định. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp một số biến chứng do đó khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế, thăm khám định kỳ để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe