Bệnh trĩ ngoại có thể gây chảy máu, nứt và ngứa hậu môn, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện có nhiều phương pháp điều trị trĩ ngoại như: dùng thuốc Tây y, thuốc Đông Y, phẫu thuật cắt trĩ,...
1. Sơ lược về bệnh trĩ ngoại
Bệnh trĩ ngoại là tình trạng hình thành búi trĩ ở dưới lớp da xung quanh hậu môn, thường gây đau đớn cho bệnh nhân. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ ngoại gồm: nâng tạ hoặc đồ vật nặng, chế độ ăn ít chất xơ, béo phì, mang thai, đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài, đại tiện không đúng cách, cổ trướng (tích tụ chất lỏng gây áp lực lên dạ dày và ruột),...
Bệnh trĩ ngoại phân biệt với bệnh trĩ nội ở vị trí của búi trĩ. Cụ thể, trĩ nội hình thành búi trĩ bên trong thành trực tràng, thường không gây đau nhưng gây chảy máu khi đi đại tiện. Trong khi đó bệnh trĩ ngoại có búi trĩ nằm ở ngoài hậu môn, có xu hướng gây đau nhiều hơn trĩ nội. Một người có thể mắc cả trĩ nội và trĩ ngoại.
Triệu chứng của bệnh trĩ ngoại là: gây ngứa và đau vùng hậu môn, đi ngoài ra máu (lượng máu không nhiều), có cục máu đông bên trong búi trĩ. Trĩ ngoại được chia thành các cấp độ khác nhau: trĩ ngoại độ 1, 2, 3, 4 thể hiện mức độ nguy hiểm tăng dần của bệnh.
Video đề xuất:
Phân biệt sa trực tràng và trĩ
2. Cách điều trị trĩ ngoại
2.1 Giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh trĩ ngoại tại nhà
Giảm đau và ngứa vùng hậu môn
- Tắm nước ấm: Ngâm hậu môn trong bồn tắm (chậu tắm) với một ít nước ấm trong khoảng 20 phút/lần, thực hiện 2 - 3 lần/ngày, nhất là sau mỗi lần đi đại tiện. Sau đó, lau khô nhẹ nhàng vùng hậu môn bằng vải hoặc khăn mềm, không chà xát vùng hậu môn;
- Bôi kem: Một số loại kem bôi có thể giảm triệu chứng đau, ngứa do bệnh trĩ gây ra. Bệnh nhân có thể sử dụng kem bôi theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Chườm đá: Đặt một túi nước đá, chườm nhiều lần mỗi ngày lên vùng bị trĩ để giảm đau, sưng trong quá trình điều trị trĩ ngoại.
Giảm các triệu chứng khó chịu
- Ngồi xổm khi đi vệ sinh: Tư thế đi vệ sinh tốt cho người bệnh trĩ là ngồi xổm (có thể đặt chân lên mặt bồn cầu). Tư thế này giúp trực tràng tống phân ra ngoài thuận tiện hơn;
- Sử dụng đệm: Ngồi lên đệm thay vì bề mặt cứng sẽ giảm sưng cho người bị bệnh trĩ, hạn chế hình thành các búi trĩ mới;
- Giữ hậu môn sạch sẽ: Người bệnh trĩ ngoại nên vệ sinh hậu môn sạch sẽ hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, sau đó lau khô hoặc dùng máy sấy thổi nhẹ để làm khô;
- Chọn quần lót bằng vải cotton: Mặc quần lót bằng vải cotton rộng sẽ giúp khu vực hậu môn thông thoáng, không gây áp lực lên búi trĩ, tránh làm bệnh trĩ nặng hơn.
2.2 Dùng thuốc Tây y
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Ibuprofen hoặc Acetaminophen,...;
- Thuốc bôi trĩ: Hydrocortisone, Cotripro, Titanoreine,...;
- Thuốc giảm ngứa tại chỗ: Kem Hydrocortisone;
- Thuốc khác: Thuốc đặt hậu môn, thuốc chống táo bón, thuốc làm mềm phân,...
Các thuốc uống dạng viên có tác dụng tăng tính thẩm thấu, tăng độ vững bền thành mạch, giúp giảm sưng, phù nề, cầm máu và co búi trĩ. Thuốc đặt hoặc thuốc bôi có tác dụng tại chỗ: giảm đau, giảm ngứa, sát trùng, chống viêm.
Khi sử dụng thuốc điều trị trĩ ngoại, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân vì ngoài điều trị bệnh trĩ, còn cần điều trị các bệnh liên quan gây trĩ, cần dùng thuốc trị táo bón, bệnh đường ruột, thuốc kháng viêm, giảm đau,... để đảm bảo thu được hiệu quả điều trị tốt.
2.3 Dùng thuốc Đông y
- Bài thuốc từ lá cây bỏng: Lá bỏng có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm, tiêu độc và kháng khuẩn. Lá bỏng cũng có khả năng khắc phục được chứng đại tiện ra máu. Bệnh nhân trĩ ngoại có thể áp dụng 2 cách trị trĩ bằng lá bỏng như sau:
- Cách 1: Rửa sạch 6g lá bỏng + 6g rau sam, sắc uống hằng ngày;
- Cách 2: Rửa sạch 30g lá bỏng + 10g lá trắc bá + 10g cỏ nhọ nồi + 10g ngải cứu, sắc lấy nước uống hằng ngày;
- Bài thuốc từ rau diếp cá: Diếp cá có khả năng kháng viêm và kháng khuẩn, là cây thuốc quen thuộc trong điều trị trĩ. Có 2 cách điều trị trĩ ngoại với rau diếp cá như sau:
- Cách 1: Ăn sống lá diếp cá thay rau; xay diếp cá uống nước ép hoặc nhai sống rồi đắp bã vào hậu môn;
- Cách 2: Dùng 30 - 40g lá diếp cá tươi hoặc khô, rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng. Sau đó, cho lá diếp cá vào nồi đun sôi với nước trong 15 phút, đợi nước bớt nóng thì dùng xông và rửa hậu môn. Cuối cùng, rửa lại bằng nước sạch và lau khô hậu môn.
Khi áp dụng các bài thuốc Đông y để điều trị trĩ ngoại, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của người kê thuốc, kiêng khem trong sinh hoạt, dinh dưỡng cho phù hợp.
2.4 Can thiệp ngoại khoa
Hiện có nhiều phương pháp ngoại khoa điều trị bệnh trĩ gồm: chích xơ, đốt, thắt dây thun, phẫu thuật cắt trĩ, phẫu thuật Longo,... Tuy nhiên, với trĩ ngoại, chỉ nên áp dụng phẫu thuật cắt trĩ vì hậu môn là vùng có nhiều cơ quan thụ cảm nên nếu áp dụng các phương pháp can thiệp ngoại khoa khác thì sẽ gây đau đớn nhiều trong một thời gian dài sau mổ.
Lưu ý: Bệnh trĩ ngoại không được khuyên nên điều trị bằng phẫu thuật, trừ khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối, bị nhiễm trùng, sưng tấy, thậm chí lở loét,... Khi phẫu thuật phải tuân thủ đúng những nguyên tắc quan trọng gồm:
- Cắt bỏ từng búi trĩ và phần da niêm mạc phủ bên trên;
- Bảo tồn lớp cơ thắt trong nằm ở bên dưới;
- Sau khi cắt trĩ, 2 mép vết thương có thể khâu đóng hoặc để hở: Khâu đóng theo chiều dọc nếu búi trĩ nhỏ; khâu đóng theo chiều ngang nếu búi trĩ lớn hoặc trĩ vòng.
3. Biện pháp phòng ngừa bệnh trĩ ngoại
Để phòng bệnh trĩ ngoại, cần hạn chế tình trạng táo bón, tránh nguyên nhân khiến phân khô, cứng, khó đi đại tiện. Một số lời khuyên hữu ích trong việc phòng bệnh gồm:
- Ăn đủ chất xơ: Để không bị táo bón, cần duy trì chế độ ăn uống đủ lượng chất xơ cần thiết. Chất xơ có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, ngũ cốc, trái cây tươi và rau củ,... Tuy nhiên, nên bổ sung hoặc ăn chất xơ từ từ để tránh bị đầy hơi;
- Uống nhiều nước: Gồm nước canh, nước hoa quả, nước tinh khiết,... đảm bảo lượng nước bổ sung cho cơ thể mỗi ngày đạt 1,5 - 2 lít nước đối với người trưởng thành. Nước giúp làm mềm phân, giúp phân dễ dàng đi qua hậu môn khi đi đại tiện. Cần chú ý uống nước đều trong ngày, không tập trung vào một thời điểm, không để cơ thể bị mất quá lâu;
- Tăng cường vận động thể chất: Đây là phương thức hiệu quả nhất để giúp con người trao đổi chất trong cơ thể, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ. Mỗi người nên tập khoảng 20 - 30 phút/ngày;
- Dùng thuốc làm mềm phân: Dùng theo chỉ định của bác sĩ và không nên lạm dụng;
- Duy trì thói quen đi đại tiện hằng ngày: Người bị táo bón hoặc có nguy cơ mắc bệnh trĩ nên duy trì thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, không nên dành quá nhiều thời gian trong nhà vệ sinh, không nên căng thẳng hoặc cố để rặn. Nếu khi buồn đi đại tiện, không nên cố nhịn;
- Đi khám bác sĩ nếu thường xuyên bị táo bón hoặc tái phát lại bệnh trĩ để có biện pháp phòng ngừa, điều trị sớm, hiệu quả.
Ngay khi xuất hiện những triệu chứng cảnh báo đầu tiên hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh trĩ ngoại, người bệnh nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Bên cạnh phác đồ điều trị chuẩn, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ để giảm đau, giảm khó chịu tại nhà theo lời khuyên của bác sĩ.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM:
- Trĩ ngoại: Nguyên nhân triệu chứng và điều trị
- Chữa trĩ ngoại như thế nào là hiệu quả, an toàn?
- Gói khám và chẩn đoán bệnh trĩ