Điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y

Điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y gồm: Sử dụng các loại thảo dược, kết hợp châm cứu, bấm huyệt,... Kiên trì điều trị sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt những triệu chứng khó chịu của bệnh thoái hóa cột sống.

1. Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng là 2 hình thái thường gặp của thoái hóa cột sống.

  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: Là bệnh lý mãn tính, tiến triển chậm, gây triệu chứng đau, hạn chế vận động và có thể dẫn đến biến dạng cột sống thắt lưng (không có biểu hiện viêm). Bệnh nhân bị thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống, phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch có một số thay đổi;
  • Thoái hóa đốt sống cổ: Là tình trạng viêm dày và tích tụ canxi ở các dây chằng nằm dọc ống sống, gây hẹp các lỗ chui ra của các rễ thần kinh. Điều đó gây đau mỏi, tê cứng, thậm chí dẫn tới yếu liệt các vị trí mà rễ thần kinh chi phối. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh và tủy sống còn có thể do các nhân đĩa đệm bị thoát vị chèn vào tủy sống, nếu nặng có thể gây yếu và liệt chi.

2. Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y

Người bệnh hiện đang có xu hướng lựa chọn chữa thoái hóa cột sống bằng đông y vì ưu điểm lành tính, an toàn, ít tác dụng phụ hơn so với thuốc Tây. Một số lựa chọn gồm:

2.1 Sử dụng các bài thuốc nam

Dùng ngải cứu

Ngải cứu là vị thuốc nam hữu ích trong việc điều trị các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa cột sống. Bạn có thể thử 1 trong 2 bài thuốc sau:

  • Bài thuốc thứ nhất: Ngải cứu kết hợp với muối hạt

Bạn cần dùng 300g lá ngải cứu, rửa thật sạch, ngâm với nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Sau đó, bạn mang ngải cứu sao cùng 1 thìa muối hạt trên chảo nóng. Cuối cùng, cho hỗn hợp vào 1 mảnh vải sạch, bọc lại rồi chườm trực tiếp lên vùng cổ hoặc vùng lưng bị thoái hóa đốt sống.

Nên thực hiện cách chườm thảo dược này vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Chỉ sau 2 tuần thực hiện, nhiều bệnh nên đều cảm thấy các triệu chứng thuyên giảm đáng kể.

  • Bài thuốc thứ hai: Ngải cứu kết hợp với mật ong

Bạn lấy 300g ngải cứu tươi, rửa cùng nước sạch rồi giã nhuyễn để lọc lấy nước cốt. Tiếp theo, bạn thêm 2 thìa mật ong, hòa đều với hỗn hợp nước ngải cứu là có thể sử dụng.

Bạn nên uống mật ong ngải cứu 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều tối. Chỉ cần thực hiện chăm chỉ, sau khoảng nửa tháng bạn sẽ thấy triệu chứng đau nhức do thoái hóa cột sống được cải thiện hơn nhiều.

Dùng lá lốt

Theo đông y, lá lốt có tính ấm, vị cay nồng, có công dụng giảm đau nhức, giảm khó tiêu, đầy bụng, nôn mửa, đau đầu,... Lá lốt kết hợp với các loại dược liệu khác có công dụng giảm triệu chứng khó chịu của tình trạng thoái hóa cột sống:

  • Lá lốt, cây chó đẻ và cây ngải cứu

Bạn cần chuẩn bị 300g lá lốt, 300g ngải cứu, 300g cây chó đẻ, nhặt, rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó, xay nhuyễn hoặc dùng cốt giã nhỏ, bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng thì đổ hỗn hợp trên vào, sao tới khi nóng già. Cuối cùng, bạn dùng 1 miếng vải sạch, bọc hỗn hợp lại rồi chườm nhẹ lên vùng cột sống bị thoái hóa. Khi gói thuốc nguội, đem sao lại cho nóng và tiếp tục chườm lên.

Người bệnh nên kiên trì thực hiện bài thuốc này 1 lần/ngày vào thời điểm trước khi đi ngủ buổi tối. Cách này giúp giảm đau, tăng lưu thông máu ở vùng cột sống, có hiệu quả rõ rệt sau 2 tuần.

  • Lá lốt, lá đinh lăng và cây trinh nữ

Bạn cần chuẩn bị đủ nguyên liệu như: lá lốt, cây trinh nữ, cây đinh lăng với lượng phù hợp. Sau đó, rửa sạch các loại cây, chặt thành từng khúc nhỏ, phơi khô. Khi dược liệu đã khô, bạn sao vàng trên chảo nóng rồi bảo quản trong bình thủy tinh có nắp đậy kín để dùng dần.

Mỗi lần dùng, bạn lấy 30g hỗn hợp đem sắc với nước, uống thay nước lọc. Người bệnh nên dùng bài thuốc đông y trị thoái hóa đốt sống cổ này 1 tuần liên tiếp, nếu thuyên giảm thì dừng lại. Nếu bệnh vẫn nặng, bạn hãy nghỉ 5 ngày rồi tiếp tục uống thêm.


Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y được nhiều người quan tâm
Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y được nhiều người quan tâm

2.2 Điều trị thoái hóa cột sống bằng các phương thuốc đông y

Thoái hóa cột sống thắt lưng theo đông y có nhiều thể bệnh khác nhau. Tùy từng thể bệnh sẽ áp dụng bài thuốc phù hợp. Cụ thể:

Thể thấp nhiệt

Đây là chứng bệnh do phong nhiệt ứ trệ, dẫn đến đau nhức xương khớp, cơ thể nóng nảy, nước tiểu vàng. Bệnh nhân thường xuyên đau vùng lưng, ấm nóng ở cột sống, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Thể thấp nhiệt cần sử dụng những loại thảo dược có tính ôn để thanh nhiệt, hóa thấp. Cụ thể:

  • Hoàng bá: Thanh nhiệt, táo thấp, giải độc, trừ lao;
  • Phòng kỷ: Trừ phong, lợi thủy;
  • Thương truật: Kiện tỳ, ích ký, phát hãn, tán phong, tổng giải chư uất;
  • Mật gấu: Tan huyết khối, hoạt huyết, thanh nhiệt, giảm đau;
  • Nhân trần: Tính hơi hàn, thanh nhiệt và trừ thấp;
  • Đương quy: Bổ huyết, mạnh gân cốt, giải uất khí, trừ thấp nhiệt;
  • Bạch thược: Phá kiên tích, trừ huyết ứ, dưỡng huyết, thư kinh, chỉ thống;
  • Ngũ gia bì: Mạnh gân xương, ích tinh, dưỡng thận, trừ phong, trừ thấp, tiêu phù, bổ trung;
  • Hy thiêm: Chỉ thống, an thần, lợi gân cốt, giải độc;
  • Uy linh tiên: Thông kinh lạc, trừ phong, hành khí;
  • Trạch tả: Bổ thận, bổ huyết, lợi niệu, mạnh gân xương

Liều lượng từng vị thuốc được gia giảm tùy từng bệnh. Khi dùng, bệnh nhân sắc uống ngày 1 thang, uống thành nhiều lần, dùng hết trong ngày.

Thể hàn thấp

Thể bệnh này hình thành do phong hàn ứ trệ khiến vùng lưng bị đau đột ngột. Bệnh nhân hay bị đau lưng khi thời tiết ẩm, mưa, lạnh, đau khu trú ở 1 bên, kèm triệu chứng co cứng cơ. Triệu chứng thường gia tăng khi vận động mạnh hoặc cúi gập người. Thể hàn thấp cần sử dụng bài thuốc có tác dụng tán hàn, khu phong, trừ thấp. Cụ thể:

  • 8g can khương: Ôn trung, khứ hàn, hồi dương thông mạch, cầm máu;
  • 8g thiên niên kiện: Trừ phong thấp, cải thiện gân cốt;
  • 8g quế chi: Ấm kinh lạc, trừ hàn;
  • 9g thương truật: trừ ác khí, phát hãn, an tỳ, giải uất, tán phong, ích khí;
  • 16g xuyên khung: Ôn trung nội hàn, khứ phong, hành khí, bổ huyết, khai uất, điều hòa mạch, chỉ thống;
  • 16g kê huyết đằng: Bổ huyết, chỉ thống, thông kinh lạc;
  • 12g ý dĩ: Hạ khí, trừ tà khí, lợi trường vị;
  • 16g tang ký sinh: Bổ can thận, chỉ thống, mạnh gây xương;
  • 16g tỳ giải: Thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt;
  • 6g trần bì: Lợi phế khí, kiện tỳ, táo thấp, chỉ tả, chỉ khái.

Bài thuốc trên đem sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho tới khi khỏi.

Thể dương hư

Thể bệnh dương hư do dương suy âm thịnh khiến xương khớp bị mỏi mệt, khí huyết vận hành không thông, chân tay lạnh, nhức mỏi nếu ngồi lâu. Điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y theo thể dương hư với bài thuốc sau:

  • 12g thục địa: Bổ huyết, dưỡng huyết, bổ thận, ích tinh, sinh tân chỉ khát;
  • 3g ma hoàng chích: Giải biểu, lợi thủy, phát hãn, trừ hàn nhiệt, tán tụ, khứ phong, tiêu thù, lợi niệu và bình suyễn;
  • 6g nhục quế: Thông kinh lạc, chỉ thống, hoạt huyết;
  • 6g cam thảo: Ôn trung, giải độc, thông kinh lạc, kiện gân cốt, thanh nhiệt, nhuận phế, hạ khí, chỉ khát;
  • 9g ngưu tất: Bổ thận và can, lợi tiểu, mạnh gân xương, hoạt huyết, trừ ứ bế;
  • 15g hoàng kỳ chích: Cố biểu, lợi thủy, sinh cơ, bổ khí, ích vệ;
  • 9g quy đầu (rễ phía đầu của đương quy): Giảm đau, hoạt huyết và bổ huyết;
  • 12g lộc giác xương: Cầm máu, bổ trung, hoạt huyết, cường tinh, ích khí và mạnh gây xương;
  • 9g thục phụ tử: Ôn thận, thông hành các kinh, hồi dương chỉ thống;
  • 12 bổ cốt chỉ: Ôn tỳ chỉ tả, bổ thận tráng dương, chủ trị mộng tinh, di tinh và đau vùng hông - thắt lưng;
  • 9g hán phòng kỷ: Trừ phong, lợi thủy, giải uất;
  • 6g chế nhũ hương: Hoạt huyết, điều khí, chỉ thống, thư cân;
  • 12g quy bản chích: Bổ thận, dưỡng âm tiềm dương, mạnh gân xương;
  • 15g tang ký sinh: An thai, bổ can thận và mạnh xương cốt.

Bài thuốc trên bệnh nhân đem sắc uống hằng ngày.

Thể huyết ứ

Đây là thể bệnh do ngoại thương hoặc do mang vác nặng thường xuyên. Bệnh nhân có biểu hiện xuất hiện cơn đau cục bộ, cột sống bị đau thắt, khó vận động, đi kèm đau đầu và chóng mặt.

Do nguyên nhân gây bệnh là huyết ứ khiến khí không vận hành được nên cần dùng bài thuốc có tác dụng hành khí, hoạt huyết, thư cân hoạt lạc. Cụ thể:

  • 10g huyền hồ: Chỉ thống, lợi khí, hoạt huyết và tán huyết ứ;
  • 10g ngưu tất: Bổ thận, can, bồi bổ gân xương, trừ ứ bế, lợi tiểu, hoạt huyết;
  • 10g nhũ hương: Bổ can, chỉ thống, hoạt huyết, điều khí, thư cân;
  • 12g đương quy: Nhuận tràng, bổ huyết, điều khí, chữa đau nhức xương khớp;
  • 10g mộc dược: Hoạt huyết, chỉ thống, giảm sưng tấy, mạnh gân xương;
  • 10g đào nhân: Phá huyết, kh huyết ứ, thông tiện, nhuận táo, thư kinh, hoạt huyết, hành huyết;
  • 8g nhục quế: Tăng lưu thông máu, trừ hàn lạnh, ấm kinh lạc và chỉ thống.

Bệnh nhân đem các loại thảo dược trên rửa sạch, sắc với một lượng nước vừa đủ, mỗi ngày dùng 1 thang trong 2 - 3 tháng.

Thể can thận hư

Đây là chứng đau nhức cột sống do thận và gan bị suy yếu, khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, thường xuyên đau nhức. Điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y cho thể bệnh này như sau:

  • 20g thục địa: Ôn trung, dưỡng âm, thông huyết mạch, sinh huyết;
  • 8g bạch thược: Chỉ thống, nhu can, thu hãn, dưỡng huyết;
  • 10g bạch linh: Lợi tiểu, an thần, trừ thấp nhiệt;
  • 10g ngưu tất: Bổ thận, can, lợi tiểu, hoạt huyết, trừ huyết ứ, mạnh gân xương;
  • 8g ngũ gia bì: Trừ thấp, bổ trung, minh mục, dưỡng thận, cường gân cốt, mạnh gân xương;
  • 1g tục đoạn: Bổ can thận, hoạt huyết và bồi bổ gân xương.

Người bệnh đem thuốc sắc uống ngày 1 thang.


Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y

3. Lưu ý khi điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y

Mặc dù được đánh giá là khá an toàn và lành tính nhưng khi sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị thoái hóa cột sống, bệnh nhân cũng cần lưu ý:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị bằng các bài thuốc đông y, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ mang thai và cho con bú, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao,...;
  • Có thể áp dụng thêm các biện pháp khác như: Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và chườm ngoài lên vùng cột sống bị đau, co cứng;
  • Hàm lượng dược tính có trong các vị thuốc nam thường rất ít nên chúng thường chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh chứ không thể trị bệnh dứt điểm. Cần kiên trì dùng thuốc thì mới thấy cải thiện;
  • Thận trọng khi lựa chọn dược liệu vì trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp dược liệu chất lượng kém;
  • Tác dụng của bài thuốc đông y phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ triệu chứng, khả năng dung nạp của bệnh nhân,...;
  • Không được tự ý dùng kết hợp thuốc đông y và thuốc Tây;
  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học bằng việc tăng cường sử dụng thực phẩm giàu axit béo Omega-3, vitamin D, canxi và vitamin;
  • Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho hợp lý, kết hợp tập luyện thể dục thể thao một cách khoa học, giữ trọng lượng cơ thể phù hợp;
  • Hạn chế rượu bia, những thực phẩm có hàm lượng purin và fructozo cao (cá trích, gan động vật, thịt lợn muối,...) và các món ăn làm tăng mỡ trong máu (thịt mỡ, bơ, xúc xích,...).

Điều trị thoái hóa cột sống bằng đông y có ưu điểm là lành tính, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả bền vững,... Để quá trình điều trị đạt kết quả như mong muốn, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe