Điều trị tăng áp lực nội sọ

Tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng áp lực xung quanh não bộ. Khi có triệu chứng của tăng áp lực nội sọ, nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

1. Tăng áp lực nội sọ là gì?

Tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng áp lực xung quanh não bộ, do lượng chất lỏng xung quanh não bộ tăng lên. Ví dụ như lượng dịch não tủy tự nhiên ở vùng đệm của não gia tăng, hay chảy máu vào trong não do chấn thương hoặc do khối u bị vỡ.

Nguyên nhân dẫn tới tăng áp lực nội sọ có thể do mô não tự sưng lên do chấn thương, hoặc do bệnh lý như động kinh, tăng huyết áp, viêm màng não, hay có khối u não,...

Tăng áp lực nội sọ cũng có thể là hậu quả của một chấn thương não hay chính nó gây ra chấn thương não. Tăng áp lực nội sọ có thể gây ra phù não, thiếu máu não hoặc tụt não rất nhanh, gây ra tổn thương không hồi phục, thậm chí là tử vong nếu không được xử trí kịp thời.


Khối u trong não có thể là nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ
Khối u trong não có thể là nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ

2. Triệu chứng tăng áp lực nội sọ

Triệu chứng thường gặp của tăng áp lực nội sọ gồm:

  • Buồn nôn, nôn
  • Đau đầu: thường đau tăng dần lên, đau có thể khu trú hoặc lan tỏa
  • Giảm khả năng về thần kinh
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn hô hấp: thở nông, thở nhanh
  • Rối loạn thị giác: nhìn đôi, giảm thị lực, soi đáy có phù gai.
  • Con người không đáp ứng với điều kiện thay đổi ánh sáng
  • Co giật
  • Mất ý thức, nhầm lẫn về thời gian, vị trí và những người xung quanh
  • Hôn mê: đang tỉnh đột ngột hôn mê hoặc hôn mê sâu hơn, có biểu hiện tăng trương lực cơ

Đối với trẻ nhỏ cũng có những triệu chứng tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên, ở những trẻ dưới 12 tháng tuổi do các tấm xương bao quanh sọ còn nhỏ và mềm, nên khi tăng áp lực nội sọ nó có thể di chuyển ra xa nhau hơn. Trường hợp này được gọi là tách đường nối hộp sọ. Ngoài ra, tăng áp lực nội sọ còn gây ra thóp mềm trên đỉnh đầu trẻ, lồi ra ngoài.


Tăng áp lực nội sọ khiến thóp trẻ mềm và có thể bị lồi ra ngoài
Tăng áp lực nội sọ khiến thóp trẻ mềm và có thể bị lồi ra ngoài

3. Điều trị tăng áp lực nội sọ

Khi thấy người bệnh có triệu chứng của tăng áp lực nội sọ thì việc xử trí ban đầu là hết sức quan trọng. Trước tiên cho bệnh nhân nằm yên nếu người bệnh tỉnh. Nếu không tụt huyết áp thì nằm đầu cao 30o - 45o. Cung cấp oxy và duy trì huyết áp cao hơn huyết áp nền. Sau đó, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Mục tiêu cấp bách là làm giảm được áp lực bên trong hộp sọ, và sau đó giải quyết các tình trạng cơ bản. Có nhiều phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ như: loại bỏ một phần của hộp sọ, sử dụng thuốc gây mê và làm lạnh cơ thể hoặc giảm thân nhiệt.

Phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ hiệu quả là dẫn lưu chất lỏng với một ống bắc cầu qua một lỗ nhỏ ở hộp sọ hoặc thông qua tủy sống. Các loại thuốc làm giảm áp lực nội sọ có thể được sử dụng như muối ưu trương hay các loại thuốc mannitol. Sử dụng kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn thần kinh.

Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ cần được theo dõi áp lực nội sọ liên tục để duy trì đủ áp lực tưới máu não, và hạn chế tối đa biến chứng xảy ra. Tăng áp lực nội sọ nếu không được xử trí kịp thời sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý, làm cho áp lực nội sọ ngày càng tăng có thể dẫn tới co giật, đột quỵ và tổn thương não không hồi phục. Biến chứng nặng nhất của tăng áp lực nội sọ chính là tụt não, làm cho người bệnh tử vong nhanh chóng.


Tăng áp lực nội sọ lâu ngày làm tăng nguy cơ gây đột quỵ
Tăng áp lực nội sọ lâu ngày làm tăng nguy cơ gây đột quỵ

4. Phòng bệnh tăng áp lực nội sọ như thế nào?

Nguyên nhân phổ biến dẫn tới tăng áp lực nội sọ chính là chấn thương não. Do đó, để phòng ngừa hiệu quả, hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, hoặc chơi những môn thể thao đối kháng. Đeo dây an toàn khi lái xe. Ở người cao tuổi nguy cơ ngã rất cao, vì vậy giữ sàn nhà sạch sẽ, gọn gàng và thiết kế tay vịn để giảm thiểu tối đa.

Tăng áp lực nội sọ là một tình trạng đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi thấy có dấu hiệu của đau đầu, nhìn mờ không rõ nguyên nhân hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chụp cắt lớp sọ não để loại trừ nguyên nhân tăng áp lực nội sọ. Khi có tăng áp lực nội sọ, người bệnh cần phải được theo dõi sát và xử trí kịp thời nguyên nhân gây ra.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe