Tăng áp lực nội sọ ở trẻ em cần được cấp cứu và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nghiêm trọng xảy ra cũng như hạn chế nguy cơ tử vong. Tăng áp lực nội sọ ở trẻ nhỏ có thể do chấn thương não, nhưng cũng có thể gây ra chấn thương não đe dọa tính mạng.
1. Triệu chứng tăng áp lực nội sọ ở trẻ
Hội chứng tăng áp lực nội sọ ở trẻ em thường có nguyên nhân do chấn thương như ngã khỏi giường, hoặc do bạo hành trẻ hay gọi là hội chứng rung lắc ở trẻ – tình trạng mà trẻ nhỏ bị đối xử thô bạo đến mức gây chấn thương não. Các triệu chứng, dấu hiệu tăng áp lực nội sọ ở trẻ cũng tương tự như triệu chứng ở người lớn. Cụ thể trẻ có thể sẽ có các triệu chứng như:
- Đau đầu;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Tăng huyết áp;
- Giảm khả năng tinh thần;
- Lẫn lộn về thời gian, vị trí;
- Nhìn đôi;
- Đồng tử không phản xạ với ánh sáng;
- Thở nông;
- Động kinh;
- Giảm ý thức;
- Hôn mê.
Tuy nhiên, ở trẻ dưới 12 tháng tuổi sẽ có một số biểu hiện đặc trưng bởi những bản xương sọ của trẻ còn mềm hơn so với trẻ lớn tuổi nên chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng giãn khớp sọ. Bên cạnh đó tăng áp lực nội sọ còn có thể gây ra thóp phồng ở trẻ.
Cha mẹ có thể nhận biết sớm dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ khi thấy trẻ trẻ kích thích, nôn, mệt mỏi, ít chơi, phát triển chậm ở trẻ nhỏ giãn khớp sọ, thóp phồng, vòng đầu to, không sờ thấy nhịp đập của thóp, dấu hiệu mặt trời lặn là do sự kéo của đồng tử, phù gai thị ít gặp vì đã giãn hộp sọ. Ở trẻ trên 2 tuổi có dấu hiệu đau đầu, nôn, kích thích thay đổi ý thức, phù gai thị sau tuần thứ 2 – 3.
2. Điều trị tăng áp lực nội sọ ở trẻ em
Quá trình điều trị tăng áp lực nội sọ ở trẻ em phụ thuộc vào tốc độ phát triển áp lực sọ não. Mục đích điều trị hướng đến giảm áp lực nội sọ cho trẻ, giữ sự thẩm thấu của não. Nếu duy trì áp lực dịch não tuỷ dưới 30mmHg thấp hơn áp lực thẩm thấu trung bình thì tiên lượng sẽ tốt.
Đối với hội chứng tăng áp lực nội sọ ở trẻ em nặng, điều trị chỉ mang tính chất tương đối, phải có máy monitor theo dõi áp lực sọ não liên tục, nhờ máy mới biết kết quả điều trị và có chiến lược điều trị tiếp. Đồng thời áp dụng thang điểm Glasgow để đánh giá mức độ nặng của tăng áp lực sọ não.
Các biện pháp giảm áp lực nội sọ hiệu quả được áp dụng bao gồm dẫn lưu dịch não qua ống nối thông, hoặc bằng cách tạo một lỗ nhỏ ở sọ. Các loại thuốc có chứa mannitol và nước muối ưu trương có thể giúp giảm áp lực tại sọ não cho trẻ. Trẻ bị tăng áp lực nội sọ cũng có thể được xem xét điều trị bằng cách mở hộp sọ, hạ thân nhiệt cơ thể... tùy vào tình trạng và chỉ định phù hợp của bác sĩ đối với từng trẻ.
XEM THÊM:
- Xử lý chấn thương sọ não nặng
- Các tổn thương do chấn thương sọ não gây nên
- Phẫu thuật chấn thương sọ não như thế nào?