Lạc nội mạc tử cung là một căn bệnh phụ khoa thường gặp. Mặc dù đây là một căn bệnh lành tính nhưng nó thường gây ra đau đớn và khó chịu cho chị em phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên không nêu chủ quan; vì lạc nội mạc tử cung còn có thể gây ra nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
1. Lạc nội mạc tử cung là gì?
Lạc nội mạc tử cung là một vấn đề nghiêm trọng đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Đây là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung không nằm đúng vị trí bình thường trong tử cung mà phát triển ra các vị trí bất thường ngoài tử cung trong khung chậu, chẳng hạn như ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang, âm đạo, niệu quản và trực tràng,...
Các mô đi “lạc” này vẫn hoạt động bình thường như các mô tử cung bình thường khác, cũng trải qua chu kỳ kinh nguyệt và gây ra xuất huyết khi hành kinh. Tuy nhiên, máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị tích tụ lại do các mô nội mạc tử cung nằm không đúng vị trí. Điều này dẫn tới tình trạng chảy máu bên trong và rất dễ bị nhiễm trùng kèm theo một số hệ lụy nguy hiểm khác.
Khi bị lạc nội mạc tử cung, các mô lạc nội mạc bao quanh cũng có thể bị kích thích và gây ra đau đớn cho người bệnh. Ngoài ra, nó cũng hình thành nên mô sẹo và các túi chứa chất dịch khiến cho phụ nữ khó có thể mang thai.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của lạc nội mạc tử cung
Khi bị lạc nội mạc tử cung, người bệnh thường biểu hiện một số dấu hiệu và triệu chứng nhất định, bao gồm:
- Trong thời kỳ hành kinh xuất hiện những cơn đau vùng chậu và tình trạng đau ngày càng nặng theo thời gian
- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau bụng và vùng thắt lưng
- Đau đớn khi đi đại tiểu tiện trong kỳ kinh nguyệt
- Máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn và bị chảy máu nhiều hơn bình thường
- Cơ thể mệt mỏi, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt
- Đau bụng dữ dội trong thời kỳ kinh nguyệt
- Đau trước hoặc trong kỳ kinh
Biến chứng nguy hiểm nhất lạc nội mạc tử cung gây ra là vô sinh ở nữ giới. Nếu thấy xuất hiện bất cứ triệu chứng nào được liệt kê bên trên, bạn nên tới khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung
Hiện nay, y học vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng có một số tác nhân có thể gây ra tình trạng này.
3.1 Trào ngược kinh nguyệt
Nguyên nhân đầu tiên gây ra lạc nội mạc tử cung có thể xuất phát từ hiện tượng trào ngược kinh nguyệt.
Trong máu kinh có chứa các tế bào nội mạc tử cung, thay vì di chuyển ra bên ngoài cơ thể, chúng sẽ chảy ngược lại thông qua các ống dẫn trứng đi vào trong khoang chậu. Điều này làm cho các tế bào nội mạc dính vào thành khung chậu và các bề mặt của cơ quan vùng chậu.
3.2 Sự tăng trưởng tế bào phôi thai
Những tế bào phôi sẽ tạo ra các tế bào lót trong khoang bụng và vùng chậu. Khi một hoặc nhiều vùng nhỏ của màng bụng phát triển thành mô nội mạc tử cung có thể dẫn tới tình trạng lạc nội mạc tử cung.
3.3 Tiền sử phẫu thuật
Nếu bạn từng có tiền sử phẫu thuật như thực hiện mổ lấy thai hoặc cắt bỏ tử cung thì những vết sẹo do phẫu thuật để lại có thể làm cho các tế bào nội mạc tử cung dính vào đó, gây ra lạc nội mạc tử cung.
Ngoài ra, khi các mạch máu và dịch mô mang các tế bào nội mạc tử cung đến các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể gây ra lạc nội mạc tử cung.
3.4 Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung khác, bao gồm:
- Có vấn đề ở hệ miễn dịch: làm cho cơ thể không thể nhận ra hoặc phá hủy các mô nội mạc tử cung đang phát triển bên ngoài tử cung.
- Do tác động bất thường của estrogen hay progesterone lên nội mạc tử cung
- Do di truyền: Lạc nội mạc tử cung có tính di truyền với các thành viên nữ trong một gia đình.
- Chịu ảnh hưởng từ môi trường: Khi tiếp xúc một thời gian dài với các loại hóa chất độc hại như dioxin có thể dẫn tới lạc nội mạc tử cung.
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung ở nữ giới, bao gồm:
- Có người thân trong gia đình bị mắc lạc nội mạc tử cung (như mẹ, dì, hoặc chị em gái)
- Cố gắng mang thai nhưng không thành
- Trào ngược kinh nguyệt
- Gặp bất thường ở tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo gây tắc nghẽn kinh nguyệt
- Có kinh trước 12 tuổi
5. Điều trị nội khoa chữa lạc nội mạc tử cung
Điều trị lạc nội mạc tử cung thường liên quan đến việc sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Các phương pháp tiếp cận để điều trị lạc nội mạc tử cung sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng mà bạn đang mắc phải cũng như mong muốn bảo tồn khả năng sinh sản của bạn.
Bác sĩ thường khuyên người bệnh nên thử phương pháp điều trị bảo tồn trước tiên, chỉ nên lựa chọn phẫu thuật nếu điều trị ban đầu thất bại.
Khởi đầu điều trị lạc nội mạc tử cung bằng thuốc thường gồm hai nhóm chính:
5.1 Thuốc điều trị giảm đau
- Các loại thuốc giảm đau và hạ sốt, chẳng hạn như paracetamol, aspirin...
- Các loại thuốc kháng viêm non-steroid như ibuprofen, meloxicam, diclophenac ,...
- Các loại thuốc giảm đau opioid, như tramadol, hydrocodone, fentanyl,...
Các loại thuốc trên có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau nhằm giúp bệnh nhân đối phó với các cơn đau do lạc nội mạc tử cung gây ra. Tuy nhiên, các loại thuốc thuộc nhóm aspirin và thuốc kháng viêm non-steroid có thể gây ra các tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài như viêm loét dạ dày tá tràng, cao huyết áp,... Nhóm thuốc opioid có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ hoặc suy hô hấp.
Nếu bạn đang mong muốn có con, bác sĩ có thể cho bạn điều trị bằng hormone kết hợp với thuốc giảm đau.
5.2 Liệu pháp hormone
5.2.1 Nhóm thuốc tránh thai
Thành phần của thuốc tránh thai bao gồm sự kết hợp của estrogen và progestin (progesterone tổng hợp) hoặc đơn thuần chỉ có progestin. Nhóm thuốc này được sử dụng nhằm giảm nhẹ các triệu chứng trong thời kỳ kinh nguyệt như xuất huyết bất thường, đau bụng. Thuốc tránh thai thường được sử dụng ở dạng thuốc tiêm, thuốc viên. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh như đau đầu, buồn nôn, căng tức ngực, tăng cân, thay đổi tâm trạng hoặc chảy máu bất thường. Những triệu chứng này sẽ giảm dần sau một vài tháng sử dụng thuốc
5.2.2 Nhóm thuốc chủ vận GnRH
Những loại thuốc này ngăn chặn việc sản xuất hormone kích thích buồng trứng, làm giảm nồng độ estrogen và ngăn ngừa kinh nguyệt. Chúng thường được sử dụng dưới dạng thuốc tiêm hoặc thuốc xịt mũi. Tuy nhiên, GnRH có thể gây ra các tác dụng phụ như: Khô âm đạo, nóng bừng mặt, giảm mật độ xương, khó ngủ, giảm ham muốn tình dục,...
5.2.3 Danazol
Danazol là một loại androgen có tác dụng ức chế tuyến yên giải phóng ra gonadotropin, làm giảm sản sinh ra estrogen tại buồng trứng, ngăn chặn sự rụng trứng và sự phát triển của nội mạc tử cung. Thuốc thường được sử dụng ở dạng viên uống. Người uống cũng cần lưu ý rằng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như phù nề, mụn trứng cá, tăng cân, rậm lông, giảm ham muốn tình dục, trầm giọng.
5.2.4 Nhóm thuốc ức chế enzym Aromatase
Làm ức chế sự sản sinh estrogen trong cơ thể. Nó thường được kết hợp sử dụng với các loại thuốc tránh thai trong các trường hợp các loại thuốc khác hoặc phương pháp phẫu thuật không đem lại hiệu quả điều trị như mong muốn. Nếu sử dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài có thể gây ra loãng xương.
Hầu hết những loại thuốc được sử dụng để điều trị cho các trường hợp lạc nội mạc tử cung đều là thuốc kê đơn và có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được kể trên, vì vậy người bệnh cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.